Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những điều nhà giáo nên tránh

Tạp Chí Giáo Dục

Những điều dưới đây, theo tôi, các thầy cô giáo cần nên tránh trong giáo dục học sinh (HS). Bởi chỉ có nhân cách mẫu mực mới là phương tiện tốt nhất giáo dục các em.
Quá nóng nảy dẫn đến thất bại
Một số giáo viên (GV) với kiểu khí chất nóng nên thường xuyên có thái độ căng thẳng với HS. Họ sẽ nổi giận nếu như có HS nào biểu hiện thái độ, hành vi không phù hợp, từ đó sẵn sàng có những hình phạt tương ứng. Là GV, điều quan trọng là kiềm chế được thái độ và hành động của mình khi HS có những hành vi không như mình mong muốn. Bởi trong thực tế, có không ít HS muốn thử xem GV sẽ phản ứng như thế nào trước hành động của mình. Qua đó, các em có thể tâm phục khẩu phục theo hướng ứng xử tích cực của GV. Ngược lại, HS sẽ xem thường và có những hành vi chống đối nếu GV lúc nào cũng “đùng đùng” giận dữ.
Quở trách HS quá mức
Trừng phạt bằng cách quở trách HS là biện pháp phản giáo dục nếu GV quá lạm dụng. Cụ thể, các em sẽ cảm thấy tội lỗi, mặc cảm, tự ti mỗi khi GV dùng biện pháp này. Đặc biệt, mỗi lần HS phạm lỗi đều bị GV dùng lời lẽ thiếu tính mô phạm tác động vào tâm hồn thì các em cũng coi thầy cô như là một đối tượng đặc biệt và luôn tìm cách chống đối.         
Thương hại HS
HS ở bậc trung học luôn thể hiện cái “tôi” rất rõ, vì vậy lòng tự trọng ở các em càng lớn. GV không nên thể hiện lòng thương hại của mình đối với HS trước đám đông, vì các em coi đó là “của bố thí” nên tỏ rõ thái độ bất cần và không thể chấp nhận được.
Có thái độ ác cảm, định kiến
HS là lớp người có trình độ nhận thức, văn hóa, vốn sống, kinh nghiệm đang hình thành. Trong một tập thể lớp học không phải lúc nào cũng 100% HS đồng tình với cách giảng dạy của người thầy. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình mỗi em cũng không giống nhau; không ít em không được tự tin lắm về hoàn cảnh, công việc của cha mẹ mình… Chính vì thế, GV không nên đối xử theo kiểu “cá biệt” mà hãy thể hiện tính công bằng, khách quan, bình đẳng với tất cả HS trong giáo dục.
Đặt ra yêu cầu quá cao
Có không ít GV cho rằng, nếu đặt ra yêu cầu cho HS thì sẽ kích thích được tính chủ động, sáng tạo. Do đó, trong giảng dạy, những GV đó đã đưa ra yêu cầu quá cao đối với HS, khiến các em bị “ngợp”. Trong khi đó, HS rất thích thú và tích cực khi được GV đặt vào những tình huống có yêu cầu phù hợp với năng lực của bản thân.
Trong hoạt động giáo dục, GV cần căn cứ vào sức học của HS để đề ra yêu cầu phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí, đặc biệt là phải phù hợp với hứng thú, sở trường của các em. GV hãy đề ra yêu cầu vừa sức, càng tôn trọng nhân cách thì càng phát huy được tính tích cực cho HS.
Đánh giá người học một cách chủ quan
Đánh giá người học là một khâu quan trọng trong quá trình giáo dục. Từ đó giúp GV nắm vững được cơ sở để lựa chọn, điều khiển, điều chỉnh phương pháp giáo dục cho phù hợp. Tuy nhiên cần có sự chuẩn bị tâm thế như tìm hiểu, xem xét cả quá trình, đừng đánh giá theo kiểu đánh đồng, “vơ đũa cả nắm” – từ một biểu hiện nhỏ mà đưa nhận định sai lệch nhân cách con người – sẽ dẫn đến những thất bại trong giáo dục…
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Bình luận (0)