Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chủ động sáng tạo để hội nhập thành công

Tạp Chí Giáo Dục

“Sáng tạo – hội nhập” được chọn làm chủ đề chính cho hội nghị Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên của hai ĐH Quốc gia TP.HCM, Hà Nội và ĐH Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên 

 
Nhóm sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM giới thiệu robot bóc vỏ dừa tại một cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho sinh viên toàn quốc – Ảnh: Phước Tuần
Hội nghị được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 15 đến 17-1.
Nếu sáng tạo được xem như thuộc tính của sinh viên thì hội nhập lại là chủ đề thời sự, vì không bao lâu nữa cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm nay 2015.
Không thể không sáng tạo
Thừa nhận sức sáng tạo sẵn có trong sinh viên nhưng chưa được khai thác hết, nhiều ý kiến tại các tổ thảo luận cho rằng Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên cần thể hiện rõ vai trò của mình hơn trong việc tạo môi trường, cơ hội để sinh viên thể hiện tiềm năng của họ.
Và yêu cầu sáng tạo được đặt ra tại hội nghị này không chỉ gói gọn trong phạm vi học tập, nghiên cứu khoa học mà còn trong từng hoạt động phong trào.
Chị Ông Thị Ngọc Linh (ban cán sự Đoàn ĐHQG TP.HCM) nói chính từng hoạt động của Đoàn, Hội cần sáng tạo trước khi đòi hỏi sự sáng tạo của sinh viên.
Anh Hoàng Ngọc Hiếu (ĐH Kinh tế – luật, ĐHQG TP.HCM) cho rằng sinh viên hôm nay tiếp cận thông tin đa chiều, nắm bắt xu hướng mới nhanh hơn cả sự tiếp cận của Đoàn. “Nói cách khác không ít hoạt động của Đoàn, Hội chưa bắt kịp nhu cầu, chưa theo kịp nhịp bước sinh viên” – anh Hiếu nhận xét.
Cơ chế hỗ trợ để sinh viên có thể nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học tập một lần nữa được nhắc đến. Bởi thực tế chưa hề có hoặc nếu có cũng rất hãn hữu các cơ chế hỗ trợ thật sự để sinh viên phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo trong quá trình học tập của mình.
“Hoạt động Đoàn, Hội phải giúp sinh viên nhận ra sứ mệnh của quá trình học tập, nghiên cứu trên giảng đường đại học chứ không chỉ là học để ra trường kiếm việc làm như số đông vẫn nghĩ” – anh Lê Đức Phúc (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) phát biểu.
Trong khi đó, bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) Lê Hoàng Minh nói nhiều đại biểu trong tổ thảo luận đề nghị xây dựng cổng thông tin sáng tạo giữa các ĐH Quốc gia, ĐH vùng.
“Ở đó chúng ta chia sẻ các vấn đề, kết quả sinh viên nghiên cứu, sáng tạo vì có thể sinh viên trường này chưa tìm ra kết quả song sinh viên trường khác dựa trên kết quả bước đầu ấy lại phát triển tìm ra kết quả cuối cùng” – anh Minh chia sẻ.
Song song đó, các đại biểu mong muốn cần có các sân chơi học thuật liên kết theo chuyên ngành, mở rộng cho sinh viên ở nhiều khu vực khác nhau chứ không chỉ bó hẹp trong từng khu vực như hiện nay.
Hội nghị thường niên
Hội nghị Đoàn thanh niên, hội sinh viên các ĐH Quốc gia, ĐH vùng được hai ĐH Quốc gia TP.HCM, Hà Nội cùng ĐH Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên đồng thuận tổ chức định kỳ hằng năm. Mỗi năm sẽ được tổ chức tại một đơn vị và có một chủ đề riêng. Đây là hội nghị lần thứ tư do ĐHQG TP.HCM đăng cai, chọn chủ đề “Sáng tạo – hội nhập” và có thêm ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên tham dự trong vai trò khách mời. Ba hội nghị trước đó diễn ra tại ĐH Huế bàn về việc sinh hoạt Đoàn, Hội trong học chế tín chỉ, ĐHQG Hà Nội có chủ đề nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và ĐH Đà Nẵng với chủ đề nâng cao hiệu quả các hoạt động tình nguyện.
Nhiều ý kiến cùng thống nhất phải liên kết tốt hơn với doanh nghiệp. Việc này vừa giúp việc nghiên cứu gắn với nhu cầu xã hội, vừa có thêm kinh phí cho sinh viên nghiên cứu.
Có đại biểu cho biết hiện có nơi mỗi đề tài nghiên cứu của sinh viên chỉ được hỗ trợ vài trăm ngàn đồng thì làm được gì!
“Tính kết nối của chúng ta với doanh nghiệp còn kém lắm, nên nhiều ý tưởng sáng tạo cứ nằm trên văn bản. Nếu làm tốt hơn chúng ta nhận đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp và như thế khả năng hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sẽ cao hơn” – anh Hoàng Ngọc Hiếu bày tỏ.
Hành trang hội nhập
Điểm chung các đại biểu cùng đề cập là giúp sinh viên trau dồi khả năng ngoại ngữ vì đó là hành trang không thể thiếu trong quá trình hội nhập.
Anh Nguyễn Văn Tịnh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) nói có thể tổ chức một không gian trong trường mà khi bước vào đó sinh viên bắt buộc phải dùng tiếng Anh để rèn luyện kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.
Còn anh Phạm Gia Cường (ĐH Thái Nguyên) đề nghị Đoàn, Hội phối hợp với các hệ thống đào tạo trong trường để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Phó bí thư Đảng ủy ĐHQG TP.HCM Nguyễn Công Mậu chỉ ra phải giúp sinh viên tự tin hơn trong giao tiếp, làm việc nhóm để các bạn đủ bản lĩnh, tự tin trong tiến trình hội nhập với sinh viên các nước khi cộng đồng ASEAN hình thành.
“Điều này nói có vẻ đơn giản nhưng không dễ làm. Tôi nghĩ cần phải phối hợp chặt chẽ trong hoạt động Đoàn, Hội giữa hai ĐH Quốc gia với các ĐH vùng, vai trò của tổ chức đại diện quyền lợi của sinh viên cần thể hiện rõ nét hơn” – ông Mậu phát biểu.
Từ góc nhìn khác, anh Lê Hải Đăng (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) nói sinh viên năng động nhưng nhiều bạn vẫn chưa sẵn sàng hội nhập và đề xuất: “Đẩy mạnh giáo dục các nét văn hóa truyền thống dân tộc làm điểm tựa cho giới trẻ trong hành trang hội nhập”.
Trong khi đó anh Hồ Phi Hải (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) mong muốn được đưa các kỹ năng thực hành xã hội vào giảng dạy trong chương trình đào tạo chính thức vì “sinh viên hiện rất thiếu kỹ năng”.
Cần thêm hoạt động giao lưu sinh viên quốc tế, liên kết giữa sinh viên trong nước với du học sinh VN ở nước ngoài, cung cấp thông tin về các nước trong cộng đồng ASEAN nhiều hơn… là những đề xuất của đại biểu tại hội nghị.
Nói như phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên VN Bùi Quang Huy rằng hội nghị đã chọn chủ đề rất thời sự và khá rộng nên điều cần là lúc này Đoàn, Hội phải bắt tay làm, tạo môi trường giúp sinh viên rèn luyện, đủ sức cạnh tranh với nguồn nhân lực các nước trong khu vực khi hội nhập.
QUỐC NGUYÊN
(TTO)

Bình luận (0)