Cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng về công nghệ để ứng dụng vào quản lý và giảng dạy
|
Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và dạy học, Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng, phát triển cổng thông tin điện tử trên cơ sở định hướng và phát triển công nghệ mới.
Sử dụng trang thống kê trực tuyến – tổng hợp tự động
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay mọi cơ sở dữ liệu đều tập trung tại cổng thông tin điện tử của sở. Cụ thể, mỗi phòng ban chức năng và chuyên môn đều có trang thông tin riêng; trang thông tin của 24 phòng GD-ĐT quận/huyện và các cơ sở giáo dục cũng nằm trong hệ thống này. Thông tin trên cổng điện tử được cập nhật thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu của ngành đối với các đơn vị, cơ sở giáo dục và xã hội…
Trên cơ sở phát triển cổng thông tin điện tử, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tăng cường các ứng dụng trực tuyến trên hệ thống. Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: “Nói đến việc tăng cường ứng dụng trực tuyến thì hiện nay sở đang tiếp tục phát triển trang báo cáo thống kê trực tuyến – tổng hợp tự động (EMIS). Tính đến cuối năm học 2013-2014 đã có hơn 3.300 đơn vị, cơ sở giáo dục từ nhà trẻ gia đình, lớp mầm non, mẫu giáo độc lập đến các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm GDTX sử dụng để thực hiện báo cáo cuối năm học. Theo đó, số liệu báo cáo đảm bảo chính xác, cập nhật tức thời, đáp ứng tốt yêu cầu công tác. Ngoài ra, giáo viên thuyên chuyển từ các tỉnh/thành khác về thành phố và ngược lại đều có thể đăng ký trực tuyến trên web và nội dung này cũng tương tự cho trang tuyển dụng viên chức. Qua đó, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công tác tổng hợp, thống kê chính xác, đáp ứng tốt yêu cầu công việc”.
Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết thêm, điểm nổi bật của việc xây dựng, phát triển cổng thông tin điện tử phải kể đến là hệ thống phòng họp trực tuyến. Hệ thống đã xây dựng 41 điểm cầu, trong đó điểm cầu Sở GD-ĐT đã kết nối với 16 điểm cầu là cụm trưởng các cụm thi đua khối THPT, GDTX cùng 24 điểm cầu là phòng GD-ĐT. Việc triển khai thành công phòng họp trực tuyến đã góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tiết giảm thời gian đi lại của đại biểu, mở ra hướng đi mới trong công tác tập huấn, trao đổi chuyên môn giữa sở với các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh các trang báo cáo trực tuyến do Bộ GD-ĐT triển khai, Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng trang thông tin “Kiểm định chất lượng giáo dục” nhằm đáp ứng yêu cầu công khai chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT TP.HCM chủ động xây dựng, cải tiến và cập nhật trang báo cáo tốt nghiệp trực tuyến phục vụ công tác báo cáo nhanh của hội đồng thi. Phương thức này tiếp tục duy trì trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015, giúp ban chỉ đạo các kỳ thi cập nhật kịp thời thông tin từ các hội đồng thi để có kết quả báo cáo nhanh, chính xác.
Tin học hóa quản lý trong trường học
Đây được xem là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng quản lý lẫn dạy học. Vì thế, dựa trên hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (thông tư 53) về quy định tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử, Sở GD-ĐT TP.HCM tích cực triển khai phần mềm ứng dụng quản lý giáo dục theo hướng học trực tuyến. Kết quả, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục đều được kết nối internet, ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy. Nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục đã kết nối đường truyền cáp quang, từ đó việc ứng dụng các phần mềm theo hướng trực tuyến đã được triển khai một cách hiệu quả. Đặc biệt, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục được trang bị miễn phí đường truyền cáp quang tốc độ cao và phần mềm quản lý nhà trường XMAS 3.1 nhằm tăng cường khả năng ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập. Riêng về việc sử dụng hộp thư điện tử với tên miền giáo dục @hcm.edu.vn đã đạt 100% tính đến thời điểm này.
Mặt khác, để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học. Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết: “Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình tập huấn “Ứng dụng CNTT và truyền thông trong giáo dục” với nhiều nội dung khác nhau. Theo đó, 175 cán bộ quản lý là thủ trưởng các đơn vị được tập huấn về phần mềm sơ đồ tư duy (Mind Manager) để xây dựng kế hoạch quản lý các nội dung công tác; 204 cán bộ quản lý là phó thủ trưởng phụ trách chuyên môn được tập huấn chuyên đề “Thiết kế bài giảng trực tuyến e-Learning”; 276 giáo viên tập huấn phần mềm Adobe Presenter. Đặc biệt, 100% giáo viên các cấp từ tiểu học, THCS, THPT, GDTX đến TCCN và CĐ biết sử dụng các phần mềm soạn giảng, thiết kế bài trình chiếu. Trong năm vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với IIG Việt Nam tổ chức tập huấn giảng dạy định hướng IC3 Spark cho 115 cán bộ, giáo viên tin học – đây là một chứng chỉ quốc tế do Tập đoàn quốc tế Certiport cung cấp.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Sở GD-ĐT TP.HCM tích cực triển khai phần mềm ứng dụng quản lý giáo dục theo hướng học trực tuyến. Kết quả, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục đều được kết nối internet, ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy. |
Bình luận (0)