Một tiết học thực tế ở rừng Sơn Trà của HS Trường THCS Lý Tự Trọng
|
“Em không ngờ ở gần trường mình lại có nơi bảo tồn nhiều loài động vật, linh trưởng quý hiếm đến vậy. Được tận mắt quan sát, em thấy chúng rất đáng yêu và cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt”. Em Trần Quốc Việt, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã nói như vậy sau một năm chương trình giáo dục bảo tồn động vật hoang dã được đưa vào trường học.
Lý thú từ tiết học thực tế
Cuối học kỳ I năm học 2014-2015, hơn 100 học sinh (HS) và 69 phụ huynh ở 4 trường: Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Tiểu học Trần Quốc Toản, THCS Lý Tự Trọng và THCS Nguyễn Chí Thanh (Q.Sơn Trà) được tham quan thực tế các loài động vật, linh trưởng đang sinh sống trên bán đảo Sơn Trà. Chuyến đi được xem là buổi học tổng kết chương trình Nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sau một học kì do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet (đóng tại Q.Sơn Trà) tổ chức.
Em Đặng An Hòa, học lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được đi tham quan thực tế, ngắm nhìn những động vật hoang dã thật trong rừng xanh mà lâu nay em chỉ thấy qua tranh ảnh và bài giảng trên lớp. Sau buổi thực tế này, được nghe các anh chị thuyết giảng về đời sống sinh hoạt của các loài vật, em thấy yêu chúng hơn và sẽ tuyên truyền đến người thân trong gia đình, bạn bè phải bảo vệ động vật hoang dã”. Còn cô Trần Thị Vân Anh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, bộc bạch: “Trong các chuyến du lịch tôi đã được xem các loài động vật hoang dã, thăm thú nơi chúng sinh sống nhưng tôi không ngờ, ở ngay trong không gian phố thị, gần trường học lại có một quần thể các loài động vật hoang dã sinh sống hàng trăm năm. Những chuyến đi thực tế như thế này giúp HS hiểu và yêu hơn các loài động vật. Bởi qua các hình ảnh thực tế, các em dễ hình dung hơn cho bài học của mình”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Thủy, một phụ huynh có con học ở Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, hồ hởi nói: “Mấy hôm nay thấy con háo hức về chuyến tham quan, tôi cũng tranh thủ nghỉ một ngày để cùng đi xem thế nào. Quả thật rất thú vị và bổ ích. Các cháu không chỉ được bồi bổ kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng xã hội, kỹ năng nhận diện ở môi trường thực tế”.
Nâng cao nhận thức bảo tồn
Bán đảo Sơn Trà nằm ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển. Theo số liệu thống kê, có khoảng 350 cá thể voọc chà vá chân nâu, chia làm nhiều gia đình và các loài khỉ, bò sát khác quần tụ sinh sống. Do địa hình ba mặt giáp biển, mặt còn lại là đường bộ nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại nên đời sống của quần thể các loài bò sát, linh trưởng ở đây hầu như khó có khả năng di chuyển xa. Vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn sự sinh trưởng của các loài này luôn là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, việc bảo tồn không thể xuất phát từ một cá nhân hay một nhóm người mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Với phương châm tuyên truyền tình yêu động vật đến mọi đối tượng, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã GreenViet đã triển khai từ nhiều góc độ. Trong đó, chương trình dành cho HS được chú trọng đưa vào trường học.
Đầu năm 2014, trung tâm đã phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà tổ chức chương trình Nâng cao nhận thức đa dạng sinh học tại khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cho HS ở 4 trường thí điểm trên địa bàn quận. Với mục đích tạo cơ hội cho HS tìm hiểu sự đa dạng sinh học tại địa phương, chung tay bảo tồn quần thể loài voọc chà vá chân nâu cũng như các loài động vật quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà. Theo đó, các hình ảnh đặc trưng gồm loài voọc chà vá chân nâu, khỉ… đã được lồng ghép giảng dạy giúp các em nhận thức đúng về loài linh trưởng đang được cả thế giới chung tay bảo vệ. “Ở Sơn Trà nhưng ít em HS nào, thậm chí cả phụ huynh biết rằng ở “sân sau” nhà mình lại có một nơi tập trung nhiều loài linh trưởng quý hiếm của thế giới sinh sống như thế này. Qua đó các em tận mắt nhìn thấy cuộc sống của các loài linh trưởng, nhận biết tập tính của chúng để có thêm kiến thức và tình yêu động vật. Đặc biệt, qua lớp học, được tham quan thực tế, các em có thay đổi nhận thức hẳn về vấn đề bảo vệ động vật”, chị Lê Thị Trang, nhân viên Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã GreenViet – người trực tiếp phụ trách công tác giảng dạy cho HS, cho biết.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã GreenViet, chia sẻ: “Hướng đến sự bảo tồn bền vững, ngoài chiến dịch truyền thông tại địa phương thì việc đưa chương trình vào nhà trường là điều cần thiết. Các em sẽ được xem triển lãm hình ảnh các loài động vật ở khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và tìm hiểu sự đa dạng sinh học của bán đảo này thông qua các tiết học ngoại khóa hay trò chơi; đi thực tế tìm hiểu tập tính của loài voọc chà vá chân nâu. Chính các em là những nhà truyền thông không chỉ trong tương lai mà ngay cả hiện tại gây nên sự lan tỏa trong mỗi gia đình”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Chương trình dự kiến triển khai trong thời gian 8 năm (từ 2012 đến 2020). Trong tương lai, nếu giáo trình bảo tồn đa dạng sinh học với những tiết học ngoại khóa lý thú được đưa hẳn vào nhà trường thì tính cộng hưởng, tuyên truyền sẽ được mở rộng và lâu bền”, anh Nguyễn Hữu Vỹ nói. |
Bình luận (0)