Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giấu bệnh, khổ thầy lẫn trò

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh cần hợp tác chặt chẽ với nhà trường để tạo điều kiện cho trẻ mang hội chứng tự kỷ hòa nhập với môi trường học tập
Hiện nay, không ít phụ huynh có con bị chứng tự kỷ hay mắc một số bệnh lý nhưng lại cố tình giấu khiến nhà trường gặp không ít khó khăn khi giúp trẻ hòa nhập với môi trường học tập.
Điều này không chỉ để lại hậu quả cho bản thân học sinh (HS) đó mà còn có thể liên lụy đến những HS khác. Đây là trăn trở của nhiều lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là các trường TH và THCS.
Giấu bệnh vì… sĩ diện
Hội chứng tự kỷ có nhiều loại, trong đó chủ yếu tập trung ở những HS tăng động giảm chú ý hoặc những HS sống khép kín. Hầu hết phụ huynh có con mắc phải hội chứng này đều trao đổi kỹ với nhà trường để giáo viên (GV) có phương pháp dạy phù hợp. Tuy nhiên có một số phụ huynh vì nhiều lý do khách quan, cảm thấy con bệnh chỉ ở mức độ nhẹ nên đã cố tình giấu. Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Chúng tôi đã gặp một số trường hợp HS mang hội chứng tự kỷ nhưng phụ huynh không trao đổi với nhà trường ngay từ đầu năm học. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là do trẻ mang hội chứng này ở mức độ nhẹ nên phụ huynh muốn giấu bệnh để con được hòa nhập hoặc là do sĩ diện, không muốn cho nhà trường biết về vấn đề mà họ cho là không may mắn, chưa tốt…”. Có một số phụ huynh dù nhà trường đã mời lên hợp tác vẫn khăng khăng giấu giếm vì cho rằng con mình học tốt, cớ sao lại mang hội chứng tự kỷ?
Trong khi đó, cô Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cho biết: “Mấy năm về trước, tôi gặp trường hợp một HS có dấu hiệu tự kỷ, em vẫn học rất tốt nhưng hành động lại khác với những HS khác như không thể tập trung lâu khi nghe cô giảng, mỗi lúc làm bài không được em vò đầu bứt tai gầm gừ với những bạn khác… Chúng tôi lo lắng nếu không điều chỉnh kịp thời em có thể gây nguy hiểm đến các HS trong lớp. Tuy nhiên, khi trao đổi với phụ huynh thì họ khăng khăng chối bệnh, cứ đưa ra bằng chứng là em đó học rất giỏi. Phải một thời gian phân tích kỹ thì phụ huynh đó mới đưa con đến chuyên khoa trị liệu tâm lý”.
Không chỉ bị hội chứng tự kỷ, một số HS mang các bệnh khác cũng được phụ huynh giấu. Hiệu trưởng một trường TH ở Q.Bình Thạnh chia sẻ: “Trường chúng tôi có một trường hợp HS mắc bệnh lao nhưng từ đầu năm học phụ huynh không trao đổi với nhà trường. Đến khi nhà trường thấy em này xin nghỉ học thường xuyên để đi khám bệnh thì mới biết được bệnh tình của em. Cũng may em mắc bệnh lao xương, không có tính chất lây lan, nguy hiểm đến HS khá. Khi biết được nguyên nhân, nhà trường đã tạo mọi điều kiện để em vừa đi khám bệnh, vừa đảm bảo đúng bài vở ở lớp”.
Hợp tác giúp trẻ sớm hòa nhập
Theo nhiều hiệu trưởng trường TH và THCS, việc phụ huynh thiếu hợp tác với nhà trường sẽ gây bất lợi cho trẻ. Cô Ngô Nguyễn Thiên Trang chia sẻ: “Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh lý gì, đặc biệt là hội chứng tự kỷ thì phụ huynh nên nói rõ với nhà trường để hai bên cùng hợp tác, điều chỉnh hành vi của trẻ, giúp trẻ hạn chế những hành vi bộc phát, có thể gây hại cho những HS khác”.
“Khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh lý gì thì phụ huynh nên hợp tác với nhà trường, không để con ngoài xã hội”, cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh), chia sẻ.
Việc phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh lý gì không hề khó. Cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh), phân tích: “Cần khoảng 2-3 tuần là GV có thể phát hiện ra HS có hội chứng tự kỷ hay không vì trẻ tự kỷ thường sống trầm cảm, ít giao tiếp hoặc có hành vi thái quá, phản ứng rất dữ, đập phá tự do… Khi đó, GV sẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, trao đổi với phụ huynh để có thể đưa HS đến chuyên khoa khám cụ thể hơn. Nếu phụ huynh không chịu hợp tác với nhà trường để tìm biện pháp khắc phục thì HS đó khó có khả năng tiếp nhận kiến thức như HS khác. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh lý gì thì phụ huynh nên hợp tác với nhà trường, không để con ngoài xã hội”.
Nếu phụ huynh có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường thì HS mang hội chứng tự kỷ có thể được hạn chế hoặc hoàn toàn điều trị hết. “Nhiều trường hợp HS tự kỷ được phụ huynh hợp tác chặt chẽ với nhà trường và các cơ sở trị liệu chuyên khoa đã giúp các em giảm dần hội chứng này, thậm chí có một trường hợp HS tự kỷ kiểu sống cô lập, nhút nhát đã được chữa khỏi hoàn toàn khi lên lớp 6”, thầy Bùi Ngọc Phi cho biết.
Vấn đề trăn trở của nhiều trường học hiện nay là việc thiếu sân chơi. Cô Phạm Thị Thủy băn khoăn: “Ngoài việc cung cấp kiến thức nhẹ nhàng cho HS mang hội chứng tự kỷ, GV sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để các em có mối liên kết chặt chẽ với bạn bè nhiều hơn. Tuy nhiên, việc sân trường quá nhỏ, trường lại không có phòng chức năng, bộ môn riêng nên đây cũng là một trong những hạn chế để tạo hoạt động vui chơi cho trẻ…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Khi lo lắng, HS… ị luôn ra quần
GV một trường THCS ở Q.1 kể: Có GV trong trường chúng tôi chịu cảnh oái oăm khi HS (lớp 6) bị chứng tự kỷ thường tè, thậm chí là… ị ra quần mỗi khi em lo lắng về vấn đề học tập. Nhưng khi nhà trường mời phụ huynh lên trao đổi, hết lần này đến lượt nọ cũng không thấy họ đâu, đến khi chịu lên trường gặp GV thì lại một mực chối bệnh. 
 
 

 

Bình luận (0)