TPHCM hiện có 1,7 triệu học sinh các cấp học và yêu cầu chăm sóc sức khỏe, ngăn chặn bệnh tật, rủi ro phát sinh trong môi trường học đường, đặt ra rất lớn. Nếu không được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp thì lỗ hổng y tế học đường vẫn phát sinh, gây hậu quả đau lòng.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn trong giờ thể dục.
Câu chuyện đau lòng
Sau câu chuyện đau lòng khiến một nữ sinh lớp 6 (Trường THCS Phan Bội Châu quận Tân Phú TPHCM) tử vong sau khi bị giáo viên đánh và có tiền sử bị bệnh động kinh, các nhà quản lý giáo dục của quận mới giật mình.
Lật lại hồ sơ quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh ở trường này, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú mới phát hiện lỗ hổng khó tin là trong hầu hết các mẫu phiếu khám sức khỏe cũ lẫn mới chỉ ghi tên trường, lớp, học sinh, còn mục quan trọng về tiểu sử sức khỏe thì bỏ trống. Đây là minh chứng dẫn đến việc nữ sinh trên có tiền sử bệnh mãn tính nhưng không được thông báo cho giáo viên bộ môn biết và việc hành xử nặng tay của giáo viên môn công nghệ đã dẫn đến sự cố đáng tiếc – cướp đi mạng sống của học trò nhỏ.
Điều đáng nói ở đây là tuy thực hiện đúng quy định – có phòng y tế học đường khang trang, có nhân viên y tế chuyên trách nhưng tiểu sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe của những học sinh cần quan tâm đặc biệt thì nhà trường không hay biết (!?). Vậy trên địa bàn TPHCM, hiện có bao nhiêu trường học chỉ tiến hành khám sức khỏe học sinh cho có lệ, rồi lại xếp hồ sơ vào tủ như cảnh báo của Phòng GD-ĐT quận Tân Phú?
Sau sự cố nêu trên, nhiều hiệu trưởng đã giật mình, yêu cầu nhân viên y tế rà soát, xem xét kỹ hồ sơ khám sức khỏe ban đầu của học sinh. Một hiệu trưởng trường THCS ở quận 11 cho biết, sau khi nắm lại số học sinh có vấn đề về sức khỏe, nhất là có tiền sử bệnh mãn tính như động kinh, tim bẩm sinh…, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn, nhất là thể dục phải quan tâm đặc biệt đến các em này.
Khảo sát một số trường học ở các quận nội thành cho thấy, việc quản lý hồ sơ sức khỏe của học sinh khá tốt. Nhân viên y tế học đường Nông Thị Đềm, Trường THCS Lê Quý Đôn quận 3, cho biết: “Vào đầu năm học nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh toàn trường một lần. Chúng tôi không chỉ lưu vào sổ tình trạng sức khỏe, tiểu sử bệnh tật của từng học sinh mà còn thông báo cho phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm để thông tin cho tất cả giáo viên bộ môn biết, cùng phối hợp chăm sóc, quan tâm.
Cũng theo chuyên viên này, những học sinh có vấn đề về sức khỏe, bị các bệnh mãn tính như suyễn, động kinh, tim… đều được nhà trường quan tâm đặc biệt, trong đó giáo viên thể dục phải biết rõ để cho phép các em tham gia hoạt động thể chất phù hợp. Mới đây, phát hiện một học sinh bị chứng động kinh, nhà trường đã sơ cứu rồi đưa đi cấp cứu và thông báo ngay cho gia đình. Năm ngoái, một học sinh của trường bị ngã gãy tay và nhờ được sơ cứu đúng phương pháp trước khi đưa đi bệnh viện đã giảm thiểu chấn thương.
Từ kinh nghiệm xử lý những trường hợp học sinh bị bệnh đột ngột, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho rằng việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực chuyên trách cho mạng lưới y tế học đường rất quan trọng. Cùng với nhân viên y tế, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần được tập huấn để khi phát hiện học sinh nào có vấn đề bất thường về sức khỏe thì công tác sơ cấp cứu ban đầu phải đúng phương pháp, tránh để xảy ra chuyện đáng tiếc.
100% trường có chuyên trách y tế
Với thực tế học sinh ở các trường học trên địa bàn TPHCM quá đông, trong đó nhiều trường có trên dưới 2.000 – 3.000 học sinh thì việc quản lý, theo dõi hồ sơ sức khỏe học đường không đơn giản. Đó là chưa kể việc tổ chức khám sức khỏe đầu năm học cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, vì chi phí khám sức khỏe được ấn định 10.000 đồng/em.
Với khoản chi phí eo hẹp như thế và số lượng khám thường quá đông, học sinh chỉ được khám sơ sài về mắt, béo phì, răng miệng, cân nặng, chiều cao là chính. Còn việc cần thiết là khám tổng quát, xét nghiệm máu, siêu âm, đo điện tim đồ… để phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh tật ban đầu vượt quá tầm của nhà trường – một chuyên viên y tế học đường bộc bạch.
Tuy các trường học ở TPHCM đã cố gắng thành lập phòng y tế và tuyển dụng nhân viên y tế chuyên trách, nhưng đến nay vẫn còn 24% số trường thiếu chuyên viên chuyên trách về y tế có trình độ trung cấp trở lên. Một trong những lý do khiến nhân sự y tế học đường biến động là thu nhập quá thấp, điều kiện làm việc căng thẳng.
Để tháo gỡ, giải quyết khó khăn này, trong năm qua, UBND TPHCM đã thông qua “Đề án về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với viên chức y tế học đường”. Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, đề án này là cơ sở pháp lý để các trường học đầu tư cho mạng lưới y tế học đường bài bản, chuyên nghiệp hơn. Theo đó, đến năm 2016, 100% trường học phải có chuyên viên chuyên trách về y tế học đường đạt trình độ trung cấp y tế trở lên, tuyệt đối không còn kiêm nhiệm.
Cũng theo ông Nguyễn Minh, công tác y tế học đường không chỉ quan tâm đến sức khỏe học sinh mà còn làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ giáo viên. Hiện nay, Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận là đơn vị quản lý hồ sơ sức khỏe của học sinh bằng phần mềm chuyên nghiệp. Tất cả học sinh có vấn đề về sức khỏe cần lưu ý hoặc bệnh mãn tính đều được phòng y tế học đường của trường thống kê đầy đủ và tham mưu cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh biết để cùng quan tâm, chăm sóc học sinh.
Ông Nguyễn Minh lưu ý rằng các trường học phải quan tâm, rà soát danh sách học sinh có vấn đề về sức khỏe, bệnh mãn tính và cân nhắc khi cho các em tham gia các hoạt động giáo dục thể chất tại trường hoặc dã ngoại. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chủ động cung cấp thông tin về sức khỏe, tiểu sử bệnh tật của con em mình cho nhà trường để phối hợp chăm sóc sức khỏe cho học sinh tốt hơn.
KHÁNH HÀ
(SGGP)
Bình luận (0)