Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không để có hiện tượng “bắt nạt” trong giáo dục!

Tạp Chí Giáo Dục

GV ân cần, gần gũi sẽ giúp HS tự tin hơn trong học tập (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.TRINH
Hiện tượng “bắt nạt” trong nhà trường không phải gần đây mới xuất hiện, nhưng bây giờ được nói đến nhiều hơn, một phần vì sự xuất hiện khá dày, phần khác, đó là biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu văn minh, thiếu tính giáo dục cần phải triệt để khắc phục.
Các biểu hiện thường thấy là:
Thứ nhất, giáo viên (GV) “bắt nạt” học sinh (HS) bằng lời nói, hành động, thái độ…; GV dùng quyền uy để gây ra sự áp chế, đè nén HS, buộc HS phải nghe theo, làm theo, dù hợp lý hay không, và không cho các em được nêu ý kiến. Các lời mắng mỏ có tính sỉ nhục, sự phê bình không xác đáng, nhất là đánh đòn, là hình thức “bắt nạt” rõ nét.
Thứ hai, cán sự lớp “bắt nạt” bạn học bằng việc kiểm tra, khảo bài, nhắc nhở các hoạt động… Dưới danh nghĩa truyền đạt ý kiến hay yêu cầu của GV, không ít thành viên ban cán sự lớp có thái độ, lời nói, hành động có tính cưỡng bách bạn học, có khi vượt qua yêu cầu của GV.
Thứ ba, “Sao đỏ” khi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng có hành vi mang tính “bắt nạt”. Việc kiểm tra khăn quàng, huy hiệu Đoàn, cách ăn mặc, tóc tai, đi trễ về sớm…, nói chung là để duy trì quy củ trong nhà trường nhưng trong nhiều trường hợp thể hiện sự quyền uy quá mức, có tính chất “bắt nạt” bạn học, thậm chí gây khó khăn cho cả GV.
Thứ tư, ban giám hiệu “bắt nạt” GV bằng việc kiểm tra, đánh giá, phân công, bình xét thi đua. Biểu hiện của sự “bắt nạt” là khi ban giám hiệu thực hiện quyền quản lý của mình một cách không cần thiết, không đúng lúc, không đúng chỗ, gây khó khăn, ức chế cho GV, và có trường hợp đã phản ứng tiêu cực.
Thứ năm, phụ huynh “bắt nạt” GV. Một số phụ huynh có “thế lực” có thể gây áp lực cho GV trong việc đánh giá, nhận xét con em mình; hoặc khi GV có hoạt động nào đó mà phụ huynh cho là không thỏa đáng có thể nặng lời, thậm chí dùng bạo lực hay các đối xử bất công khác, đối với GV.
Thứ sáu, phụ huynh “bắt nạt” HS. Trong một số trường hợp, vì sự va chạm giữa các HS với nhau hoặc không chấp nhận sự phân xử của nhà trường về các mâu thuẫn của HS, phụ huynh có thái độ, hành động không phù hợp với các em (mắng chửi, đe dọa, đánh đập…).
Thứ bảy, HS “bắt nạt” HS. Hiện tượng này hiện nay khá phổ biến, với việc hình thành các nhóm để “xử” HS không thuộc nhóm mình có mâu thuẫn hoặc bất hòa; hoặc việc “xử” đó chỉ để ra uy, thể hiện quyền lực, chứ không nhằm giải quyết các mâu thuẫn. Hay việc HS khỏe hơn, gia đình có thế lực hơn có thể ăn hiếp bạn học yếu thế hơn.
Thứ tám, các thành phần xấu “bắt nạt” HS. Bên ngoài trường học, đôi lúc xuất hiện những thành phần xấu gây sự đánh HS, trấn lột hoặc cưỡng đoạt tài sản của các em…
Các biểu hiện “bắt nạt” đó có thể thể hiện mức độ khác nhau nhưng có mặt ở hầu hết các trường học. Có lẽ không hiệu trưởng nào khẳng định chắc chắn rằng ở trường mình hoàn toàn không có hiện tượng “bắt nạt”; cũng như không có GV nào cam đoan ở lớp mình không có hiện tượng “bắt nạt”. Và có lẽ cũng không phụ huynh nào dám chắc là con mình không bị “bắt nạt” trên lớp hoặc chưa từng bị ảnh hưởng của sự “bắt nạt” nào đó.
Gần như sự “bắt nạt” nào cũng thể hiện một sự không bình đẳng, công bằng; điều đó diễn ra trong nhà trường lại càng không phù hợp; nếu đối tượng chịu ảnh hưởng của sự “bắt nạt” đó là HS thì hậu quả có thể nặng nề, dai dẳng không phải chỉ trong thời gian ngắn. Chúng ta phải xác định ngay rằng, trường học phải thực sự là môi trường thân thiện, tiến bộ. Bất kỳ sự “bắt nạt” nào cũng là điều không tốt, là một biểu hiện của sự bất ổn về mặt đạo đức học đường. Do đó, các biểu hiện kèn cựa, thủ đoạn, đối phó lẫn nhau, tranh giành quyền lực… hoàn toàn không nên có ở môi trường này. Các hành vi bạo lực, làm nhục, hoặc các biểu hiện phân biệt đối xử, bất công cũng phải hết sức tránh xuất hiện ở đây.
Để xây dựng một môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, tiến bộ, không có sự “bắt nạt”, trước hết, đội ngũ quản lý phải trong sáng, tiến bộ, đặt mục tiêu giáo dục con người lên trên hết. Do đó, không thể bổ nhiệm những cán bộ “lem nhem”, “khéo tranh thủ”… đứng đầu nhà trường. Từ đội ngũ cán bộ tốt mới có thể làm gương và quản lý các GV một cách tích cực, hiệu quả. Và từ đây mới có thể đứng lớp bằng trái tim, bằng trách nhiệm và hạn chế thấp nhất các biểu hiện không lành mạnh.
Trúc Giang (TP.HCM)
Một HS không bị ảnh hưởng, hấp thu bởi bạo lực (dù tinh thần hay thể chất) thì mới có thể trở thành người biết kiềm chế sử dụng bạo lực khi trưởng thành. Một xã hội tiến bộ, nhân văn, hạn chế xuống cấp đạo đức phải gồm nhiều con người như thế. Và mọi thứ bắt đầu từ nhà trường, phải bắt đầu ngay hôm nay!
 

Bình luận (0)