Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Nóng” với thông tin kỳ thi THPT quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – cung cấp cho học sinh những thông tin hữu ích về thị trường lao động trong thời gian tới
Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên áp dụng một kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” mới mẻ nên trong buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12), các em học sinh mong muốn Ban tư vấn giải đáp những điểm mới của kỳ thi này.
Nắm bắt cơ hội từ nguyện vọng 1
Ngay sau phần tư vấn chung về kỳ thi THPT quốc gia, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM) liên tiếp được các em học sinh “truy” tới cùng những thông tin về kỳ thi “2 trong 1”. Em Đỗ Quỳnh Anh (lớp 12C3) hỏi: “Em được biết sau kỳ thi THPT quốc gia, mỗi học sinh sẽ được phát 4 phiếu chứng nhận kết quả. Vậy em có thể nộp 4 phiếu này vào 4 trường ĐH, CĐ cho đợt tuyển sinh đầu tiên hay không?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Thị Thanh Mai khẳng định: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi chỉ được áp dụng cho 1 đợt xét tuyển và được đánh số thứ tự riêng nên trường hợp thí sinh nộp hơn một giấy chứng nhận kết quả thi là vi phạm. “Thời gian từ nay đến khi kỳ thi THPT vẫn còn dài, vì thế các em nên cân nhắc việc chọn ngành cho phù hợp. Cụ thể là nghiên cứu chỉ tiêu, điểm chuẩn, nguyện vọng bổ sung của những trường mà các em quan tâm để khi có kết quả thi sẽ có sự cân nhắc phù hợp trong việc chọn trường. Theo tôi, các em nên nắm bắt cơ hội vào ĐH, CĐ ngay từ nguyện vọng 1 vì cơ hội vào được ngành và trường mình ưa thích càng về sau càng hẹp dần. Thậm chí, nhiều ngành ở một số trường ĐH, CĐ đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên”, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết.
Bên cạnh đó, TS. Lê Thị Thanh Mai cũng lưu ý: Muốn được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì điều đầu tiên là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Đây là điều kiện bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ hiện nay. Vì thế, các em không nên “ôm” quá nhiều môn thi để xét tuyển nhiều khối ngành. Ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, các em nên chọn môn thứ 4 để vừa đảm bảo kết quả tốt nghiệp THPT lẫn ĐH thì việc ôn thi sẽ nhẹ nhàng hơn, khả năng đậu vào ĐH thuận lợi hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề nộp giấy chứng nhận kết quả thi, em Đậu Ngọc Quỳnh Trang (học sinh lớp 12) thắc mắc: “Em nghe nói ĐHQG TP.HCM cho phép thí sinh được nộp tối đa 4 nguyện vọng trong cùng một giấy chứng nhận vào 4 ngành của các trường thành viên. Vậy em có thể nộp nguyện vọng 1 vào khoa y và các nguyện vọng 2, 3, 4 vào ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa… được không?”. Với câu hỏi này, TS. Lê Thị Thanh Mai đã đính chính lại: “Những thông tin mà em vừa nêu là phương án được ĐHQG TP.HCM dự kiến trước đây. Tuy nhiên, sau cuộc họp bàn phương hướng tuyển sinh 2015 với các trường thành viên vào tháng 1 vừa qua, ĐHQG TP.HCM đã quyết định thay đổi cách thức nộp hồ sơ xét tuyển so với phương án dự kiến vì lý do giải pháp kỹ thuật và để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Theo đó, mỗi thí sinh chỉ được xét tuyển tối đa 4 nguyện vọng vào cùng một trường trong mỗi đợt xét tuyển. Phương hướng tuyển sinh đề ra trước đây sẽ được họp bàn lại kỹ lưỡng để có thể áp dụng cho những năm sắp tới”.
Bài thi riêng không gây áp lực cho thí sinh
“Muốn được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì điều đầu tiên là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Đây là điều kiện bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ hiện nay. Vì thế, các em không nên “ôm” quá nhiều môn thi để xét tuyển nhiều khối ngành”, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết.
Song song với việc áp dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, học bạ 3 năm THPT để xét tuyển, một số trường ĐH, CĐ cũng sẽ có những bài thi để kiểm tra năng lực thí sinh. Em Mai Thảo Tường (lớp 12C4) hỏi: “Liệu các bài thi này có gây áp lực thi cử thêm cho học sinh không?”. Đại diện một trong những trường có bài thi riêng, TS. Trần Phú Vinh (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Thí sinh tham dự làm bài thi kiểm tra năng lực vào Trường ĐH Luật TP.HCM là những thí sinh đã vượt qua tổ hợp xét tuyển (xét từ cao xuống thấp gồm điểm kỳ thi THPT quốc gia (chiếm 60%) và điểm trung bình tích lũy học bạ trong 3 năm THPT (chiếm 20%). Điểm bài thi này chiếm 20% số điểm vào trường, gồm 2 phần: Trắc nghiệm (45 phút) và tự luận (60 phút) với nội dung liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp. “Bài kiểm tra này nhằm đánh giá năng lực của thí sinh có phù hợp với các chuyên ngành luật hay không. Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào nên sẽ không có áp lực gì. Những vấn đề được nhà trường kiểm tra là những kiến thức phổ quát về lịch sử, chính trị, xã hội… Còn các câu hỏi tư duy logic nhằm đánh giá khả năng và kỹ năng xử lý các vấn đề, tình huống gặp phải, phát sinh trong thực tế hàng ngày”, TS. Trần Phú Vinh khẳng định. Tương tự, ThS. Nguyễn Diệu Anh (đại diện Trường ĐH Tân Tạo) cũng khẳng định: Để được xét tuyển vào trường, ngoài kết quả các môn thi theo tổ hợp môn thuộc các ngành được trường công bố, các thí sinh sẽ phải tham dự vòng phỏng vấn để thể hiện mình có phù hợp với chuyên ngành đã chọn hay không. Với các thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, trường sẽ yêu cầu thí sinh viết một bài thi khoảng 2.000 từ về ước mơ, nguyện vọng của mình kèm theo thư giới thiệu của giáo viên hoặc lãnh đạo nhà trường về chuyên ngành em muốn theo học. Do đó, bài thi này không gây áp lực nào cho học sinh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
HỎI – ĐÁP
Trường ĐH Luật TP.HCM có chuyên ngành sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 văn bằng cử nhân, điều này đúng không?
– TS. Trần Phú Vinh (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM) trả lời: Ngành mà em nói là chuyên ngành quản trị – luật. Với chuyên ngành này, sinh viên phải học trong 5 năm, khi ra trường sẽ được cấp 2 bằng: Cử nhân luật và cử nhân quản trị kinh doanh; có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: Dịch vụ công cộng, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tư vấn quản trị, tư vấn tài chính…
Ngành nội thất, thời trang và đồ họa ở Trường ĐH Hoa Sen xét tuyển theo 3 hình thức như thế nào?
– ThS. Nguyễn Ngọc Tú (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) trả lời: Các em có thể tham gia một trong 3 hình thức xét tuyển gồm: Điểm thi môn ngữ văn và 2 môn năng khiếu (của các trường tổ chức thi); hoặc điểm tuyển tập nghệ thuật, điểm phỏng vấn và điểm môn ngữ văn (trong đó từng điểm thành phần được tính hệ số 1); hoặc điểm thi môn năng khiếu (vẽ trang trí màu hoặc tương đương) và điểm môn thi ngữ văn (điểm môn năng khiếu tính hệ số 2, môn ngữ văn tính hệ số 1).
Linh Vy (ghi)
 
 

Bình luận (0)