Học sinh tham gia quét dọn, làm đẹp cây kiểng trong nhà trường. Ảnh: T.D
|
Hoạt động giáo dục không chỉ diễn ra ở nhà trường, ở giờ học chính khóa mà bất kỳ nơi đâu người thầy có tâm huyết sẽ tìm những phương pháp phù hợp để lồng ghép vào hoạt động hằng ngày nhằm mang lại cho học sinh một giá trị tích cực nơi cuộc sống các em.
Một phụ huynh hồng hộc chạy vào trường thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm một lớp 8 là tại sao lại phạt con họ đi làm vệ sinh trong nhà trường? Theo lời vị phụ huynh này, ở nhà con mình chưa phải cầm cái chổi quét dọn, chưa bao giờ phải giặt quần áo, chưa phải phụ cha mẹ làm việc nhà, tất cả cha mẹ đều tự làm hết. Con chỉ mỗi việc học cho tốt, các môn học điểm cao, rảnh thì đi chơi cùng bạn ở công viên, còn không thì chơi trên máy tính hay đại loại một thiết bị công nghệ thông minh nào đó…
Giờ nghe con nói phải tới trường đi dọn vệ sinh 3 buổi chiều, vị phụ huynh này phát hoảng lên, sợ con không quen công việc nặng nhọc, bẩn thỉu mất vệ sinh. Nếu cần thiết họ có thể đóng tiền phạt cho nhà trường nếu con họ có lỗi chứ cha mẹ đã cực khổ, vất vả là mong con không phải trải qua những việc làm như dọn vệ sinh… Nghe xong, giáo viên chủ nhiệm nhẹ nhàng mời vị phụ huynh ngồi xuống, rồi từ tốn giải thích: “Thưa chị, có thể ngay bây giờ và trong khoảng thời gian ngắn nữa chị sẽ có một vài điểm nào đó không đồng tình ngay với tôi, song mong chị hãy thật sự lắng nghe tôi vài phút, cho phép tôi trình bày mục đích của cách giáo dục này…”. Chuyện trao đổi khá nhiều nhưng có điểm quan trọng mà theo cách giải thích của cô giáo chủ nhiệm là: Thứ nhất, công việc không có gì quá nặng nhọc, học sinh kết hợp với lao công nhà trường chỉ quét dọn lá vàng rụng, nhặt túi hộp hay bao nilon cho vào thùng rác loại nhỏ sau đó đưa đến “bãi tập kết” trước cổng trường. Thứ hai, cho con của chị tham gia lao động cũng là một cách vận động chứ con trai gì mà trắng trẻo, yếu ớt. Thứ ba, cho học sinh thấy được sự vất vả của cô lao công trong bất kỳ thời tiết nắng mưa khắc nghiệt như thế nào (cho dù học sinh chỉ lao động trong buổi chiều thời tiết bình thường) qua đó kết hợp giáo dục giá trị của lao động. Sau cùng, nhắc nhở học sinh về ý thức bảo vệ môi trường qua việc các bạn học cùng trường đã xả rác bừa bãi.
Tuy không đồng ý hoàn toàn mọi vấn đề giáo viên chủ nhiệm phân tích nhưng phụ huynh cũng thống nhất với cô giáo sẽ để con mình đi dọn vệ sinh 3 buổi chiều.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ đi học – mười mấy năm về trước – mỗi tuần có 2 lớp học sẽ trực nhật toàn trường, trong lớp chia ra các nhóm nhỏ đi dọn vệ sinh như quét sân trường, phát quang bụi rậm, nhổ cỏ dại trong các bồn hoa, dội sạch nhà vệ sinh, đưa rác thải đi đốt hay đưa đến bãi rác… Tuy có mệt thật, mồ hôi nhễ nhại, song lúc đó học sinh đứa nào cũng vui vì được làm cùng các “đồng nghiệp” thú vị là thầy cô giáo, là bạn học, tất cả cùng chung tay giúp nhau nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của lớp mình, tự nhiên các bạn học sinh gần gũi quan tâm đến nhau. Khi kết thúc buổi làm việc, cả lớp ngồi bệt xuống sân uống nước nói cười vui vẻ. Còn bây giờ gần như ngôi trường nào cũng thuê người dọn vệ sinh từ quét dọn sân trường, dọn dẹp nhà vệ sinh đến những việc như quét phòng học, lau bảng… Tất nhiên rằng, có lao công thì giáo viên chủ nhiệm bớt đi việc quản lý học sinh ngoài giờ để tập trung vào nhiều việc chuyên môn hơn – vốn đã rất nặng nề ở các trường công lập. Học sinh thì không còn quá lo lắng đi trễ giờ trực nhật lớp, không còn mất nhiều thời gian đi lao động chung, như vậy lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, ở khía cạnh nâng cao ý thức làm công việc chung và giá trị lao động công ích thì lại hạn chế.
Thời gian gần đây qua báo chí hay truyền hình, mọi người nếu có quan tâm sẽ thấy ở các nước phát triển phương Tây, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính đối với các tội hay lỗi vi phạm pháp luật chưa đến mức độ hình sự, thì tùy theo các lỗi đó để yêu cầu bắt buộc phải tham gia lao động công ích, bất kể là thành phần nào trong xã hội.
Vì vậy tôi rất đồng ý với cách giải quyết của giáo viên chủ nhiệm với học sinh và cách giải thích đầy phương pháp sư phạm có tình có lý với phụ huynh trong mối quan hệ gia đình – nhà trường hướng đến hoàn thiện nhân cách của học sinh. Qua đó tạo nên những công dân có trách nhiệm với sai phạm của mình và có ích cho một xã hội thân thiện.
Nguyễn Minh Thanh
(Giáo viên Trường THCS Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM)
Tuy không đồng ý hoàn toàn mọi vấn đề cô giáo chủ nhiệm phân tích nhưng phụ huynh cũng thống nhất với giáo viên sẽ để con mình đi dọn vệ sinh 3 buổi chiều. |
Bình luận (0)