Những ngày qua, chung quanh phát biểu “từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã gây ra những “cơn bão” dư luận trái chiều. Người đồng tình thì cho rằng bỏ biên chế để tăng tính cạnh tranh trong đội ngũ giáo viên, sẽ có thêm nhiều người giỏi phục vụ trong ngành giáo dục. Kẻ phản đối thì lo ngại bỏ biên chế, “có ra, có vào” sẽ làm giáo viên không yên tâma công tác, trong khi dạy học là nghề mang tính đặc thù, nhân văn, đòi hỏi phải ổn định lâu dài.
Biên chế từ lâu là vấn đề lớn của mọi ngành, mọi cấp vì nó liên quan đến “vận mệnh” của mỗi người làm việc trong bộ máy Nhà nước. Bởi vậy, khi bàn chuyện bỏ biên chế, có người lo lắng, tâm tư cũng là điều dễ hiểu. Nhưng theo chúng tôi, biên chế nếu không đem lại cho người dạy học những điều kiện tốt để làm việc, không mang lại thu nhập ổn định, không kích thích ngọn lửa yêu nghề thì đó cũng chỉ là một từ hão huyền mà thôi.
Năm 2016, tại một huyện ở thành phố Hải Phòng, có rất nhiều giáo viên phải “dạy thuê”. Tại huyện này, nhiều trường phổ thông có số học sinh ngày một tăng trong khi số giáo viên giậm chân tại chỗ. Hiệu trưởng các trường xin phòng giáo dục, xin huyện cho thêm biên chế giáo viên nhưng không được đáp ứng. Huyện giải thích biên chế của huyện đang dôi dư, tìm cách thải ra bớt chứ không tuyển vào. Khổ nỗi huyện dư biên chế (các ngành khác) mà trường thì thiếu giáo viên. Không thể để học trò một ngày không có giáo viên, một số hiệu trưởng đã “xé rào” tuyển giáo viên vào dạy, kinh phí trả lương vận động từ phụ huynh. Số giáo viên “hợp đồng trường” này được các đồng nghiệp gọi vui là “dạy thuê”. Những giáo viên “dạy thuê” này mỗi tháng được nhận một khoản lương khoán khiêm tốn, ngoài ra họ không nhận được bất kỳ trợ cấp nào khác. Họ không được đóng các loại bảo hiểm xã hội, y tế, nâng lương theo thời gian… như giáo viên hợp đồng chính thức.
Tại Thanh Hóa, vừa qua cũng có hàng trăm giáo viên bị đe dọa cho nghỉ việc vì huyện tinh giản biên chế. Khi dư luận lên tiếng, huyện mới tạm hoãn chủ trương này.
Ở nhiều địa phương khác cũng đã và đang xảy ra tình trạng tương tự. Ngành giáo dục từ lâu không thể tự mình quyết lấy việc tuyển dụng giáo viên. Giáo viên do huyện tuyển (mầm non, tiểu học, THCS) hoặc sở nội vụ địa phương quyết số lượng biên chế trước khi giao sở GD-ĐT tuyển dụng (THPT). Do không chủ động tuyển giáo viên, đội ngũ này luôn bất cập về số lượng, chất lượng, không phù hợp định hướng phát triển…
Thấy rõ vấn đề này, trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói trên, khi đề cập xóa dần biên chế ông muốn nhấn mạnh ở việc cần trao quyền chủ động tuyển dụng về cho ngành giáo dục. “Quan điểm của chúng tôi, trước hết phải nhấn mạnh giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông để họ được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên, tránh bất cập, vênh giữa nhu cầu với thực tế và với tính chất công việc”, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích trên một số tờ báo.
Khi được chủ động tuyển dụng chắc chắn ngành giáo dục sẽ chọn được nhiều người phù hợp công việc, chứ không có tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” như hiện nay. Đây cũng là cơ sở để có thể tính toán tăng thêm thu nhập cho giáo viên do giảm chi phí quản lý cồng kềnh, giảm số giáo viên không làm được việc. Với ý nghĩa như vậy, phạm trù biên chế từ thời bao cấp đã tỏ ra lạc hậu cần xóa bỏ. Mặt khác, khi chuyển qua chế độ hợp đồng thì luật hiện hành cũng quy định khá chặt chẽ trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có việc bảo vệ quyền lợi người lao động.
Một khi đội ngũ giáo viên được tinh lọc và an tâm với nghề thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục nước nhà sẽ có sự phát triển.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)