Học sinh Đà Nẵng hào hứng với Ngày hội sách viết về Hoàng Sa
|
Tiết chớm xuân se lạnh. Nơi góc trưng bày hiện vật minh chứng chủ quyền Hoàng Sa đông nghịt người. Đâu đó lời vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, Bùi Văn Tiếng vang vọng: “Hoàng Sa chỉ mất khi người Việt Nam cuối cùng thôi nghĩ về Hoàng Sa”.
Bao nhiêu năm qua, những công dân Đà Nẵng vẫn đau đáu với Hoàng Sa. Mỗi sưu tầm, sáng tác về quần đảo này như những “con dấu” đóng vào lý lịch thăng trầm của Hoàng Sa – một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời!
Lá thư từ Vincen
“Trường Sa, Hoàng Sa đối với Việt Nam cũng như là hai bàn tay đối với mỗi công dân vậy” – từng lời lẽ của cô nữ sinh Hồ Thị Thanh Thảo, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng trong vai một người anh trai xa quê hương, đang du học tận đất nước Italia xa xôi gửi người em gái đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông khiến hàng trăm khách tham quan ở Bảo tàng Đà Nẵng lặng đi. Những đôi mắt hướng về phía người đọc như muốn nuốt từng lời trong bức thư gợi nhắc về Hoàng Sa – huyện đảo trực thuộc Đà Nẵng và là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn sâu vào những đôi mắt rực lửa ấy, tôi chợt nhận ra rằng, qua bao thăng trầm thời cuộc, Hoàng Sa không chỉ ở trong tim những thế hệ cha anh một thời từng xông pha trận mạc, mà ngay cả trong huyết quản của người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, tình yêu dành cho đầu sóng Hoàng Sa vẫn dồn dập vỗ bờ.
Bước sang tuổi 18, gương mặt tròn đậm nét thư sinh, ít ai nghĩ em lại chấp bút viết thành một bức thư nồng nàn tình yêu nước. Lại càng ít ai nghĩ, chính em lại hóa thân vào một người anh đang du học tận đất nước Italia xa xôi để bày tỏ tình cảm của mình một cách chân thành, ý nghĩa đến vậy: “Anh trở về làm cậu sinh viên hai mươi tuổi bình thường, sáng đi học, tối về đọc tin tức biển Đông. Anh đã ký tên cho chiến dịch “Mười ngàn chữ ký phản đối Trung Quốc xâm phạm trái phép biển Đông”, anh cũng sẽ cố gắng khẳng định với mọi người ở đây, với bạn bè ở trường của anh rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Ý tưởng độc đáo, giọng điệu gần gũi, tình yêu biển đảo chân thành mà sâu sắc, Thanh Thảo vượt qua gần 88 ngàn bài thi trong cuộc thi “Viết về Hoàng Sa thân yêu” do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Huyện đảo Hoàng Sa, Hội Sử học thành phố Đà Nẵng tổ chức. Em đã đánh thức tình yêu Hoàng Sa trong hàng triệu trái tim. “Vốn đã được nghe nhiều về Hoàng Sa qua các tiết học ngoại khóa, được nghe các bác cựu chiến binh kể chuyện và thực tế diễn biến của Hoàng Sa những ngày tháng qua, em rất muốn làm một việc gì đó thực sự có ý nghĩa để bày tỏ tình yêu của mình với Hoàng Sa. Tình cờ được biết về cuộc thi, em liền chọn viết một bức thư thể hiện tình yêu của một người con xa quê. Em nghĩ càng xa quê hương, mới thấm thía hơn bao giờ hết ý nghĩa Tổ quốc mình”, Thanh Thảo trải lòng.
Khúc ca của một thầy giáo
Đang là một giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, thầy Phan Trần Duy Lam lại chọn cách gửi tình yêu biển đảo của mình vào những ca từ lay động lòng người. Anh bảo rằng, đó cũng là cách anh truyền lửa cho thế hệ học trò về niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc. “Năm 2012, trong một buổi tập huấn về giáo dục bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo, những hình ảnh của báo cáo viên gợi về Hoàng Sa: Giếng nước, ngọn hải đăng… đã giúp mình có ý tưởng đầu tiên. Qua những buổi thực tế, mình bắt gặp hình ảnh những người ngư dân bám biển, những anh hải quân ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khúc hát Hoàng Sa ra đời từ đó”, anh Lam nhớ lại.
Hồ Thị Thanh Thảo với bức thư đạt giải nhất viết về Hoàng Sa
|
Anh Lam bộc bạch: “Mình nghĩ giáo viên lịch sử truyền tình yêu, lòng tự hào quê hương qua tiết dạy, là Tổng phụ trách Đội mình sử dụng âm nhạc”. 12 năm làm công tác Đội, anh luôn trăn trở làm sao để giáo dục các em một cách toàn diện về đức trí, văn thể mỹ, kỹ năng sống, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử cách mạng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền biển đảo. Anh bảo, mình hạnh phúc mỗi khi nghe học trò cất tiếng hát các ca khúc của mình, nhất là với Khúc hát Hoàng Sa. Dù đã hàng trăm lần hát, nhưng mỗi lần nghe lại vẫn thấy rạo rực. Tôi lặng đi. Thì ra tình yêu Tổ quốc không đâu cao xa, ở ngay trong tâm khảm của những con người chân chất, bình dị như anh – một giáo viên miệt mài cõng chữ trên bục giảng.
Mỗi người dân là một vọng hải đài
Còn nhớ ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng từng nói rằng: “Đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thì quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa và hàng ngàn đảo lớn nhỏ nữa như Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn… đều gắn bó máu thịt với tất cả người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài, chứ không riêng gì với người Đà Nẵng. Có điều như là duyên phận của lịch sử, người Đà Nẵng gắn bó nhiều hơn với quần đảo Hoàng Sa”. Cũng như vậy, khó có thể kể hết những cái tên đau đáu với Hoàng Sa. Hồ Thị Thanh Thảo hay Phan Trần Duy Lam chỉ là hai trong hàng ngàn vạn con dân của Đà Nẵng đang từng phút, từng giây hướng về mảnh đất đứt lìa chưa được lành vết thương ấy.
Mỗi người Đà Nẵng đều có một cách yêu Hoàng Sa của riêng mình. Và như thế có muôn vàn hình thức biểu hiện. Còn nhớ đầu năm 2014, người Đà Nẵng biết đến hành động yêu nước của anh Trần Thắng, Việt kiều đang sinh sống, làm việc tại bang Connecticut (Hoa Kỳ), đã sưu tầm 150 tấm bản đồ và 3 cuốn atlat, trao tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng. Ở một góc độ khác, đầu năm học 2014-2015, biển đảo Hoàng Sa đã được đưa vào giáo trình lịch sử các cấp học trên toàn thành phố. Đó là chưa kể hàng trăm tiết học ngoại khóa, các buổi dã ngoại từ bậc mầm non cho tới THPT đều hướng về Hoàng Sa với những câu chuyện sống động của nhân chứng sống trực tiếp kể lại thông qua hiện vật. Nói như thầy giáo Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám rằng: “Giáo dục thế hệ trẻ trước hết là hình thành cho các em một nhân cách tốt. Và không có gì tốt hơn, đó là tạo điều kiện cho các em “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” những sự kiện, nhân chứng liên quan tới một thời hào hùng dựng nước, giữ nước của thế hệ cha anh”. Chính cảm nhận từ tâm khảm của các em không có bài học lịch sử nào nhàm chán, một khi tình yêu Tổ quốc ăn sâu vào máu thịt”…
Người Đà Nẵng dù ở đâu vẫn luôn hướng về biển, về Hoàng Sa. Trên những lối cát mòn dẫn ra biển vẫn còn hằn in những vết lõm chân trần của ngư dân xuất chuyến biển đầu năm. Tôi nghiệm ra rằng, suốt hàng trăm năm qua, những ngư dân nối đời này sang đời khác, không chỉ quăng quật trên sóng biển lênh đênh kiếm con tôm mớ cá để mưu sinh mà họ còn là những người lính lặng thầm giữ biển. Những vết chân hằn in trên bãi cát mịn nơi bãi biển sớm mai; những hành động sưu tầm atlat, bản đồ; những lá thư, khúc hát nồng nàn tình yêu biển đảo hay những đóng góp lặng thầm khác của người dân Đà Nẵng hướng về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu của mình… như những “con dấu” đóng vào “lý lịch” trên hành trình đòi lại chủ quyền tất yếu của Hoàng Sa thiêng liêng!
Phan Hàn Giang
Bình luận (0)