Công tác tư vấn phân luồng học sinh sau THCS được TP.HCM thực hiện bền bỉ, dài hơi trong suốt năm học, theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”. Thậm chí đi từng quận huyện, gõ từng cổng trường để tư vấn, chia sẻ cho phụ huynh, học sinh hiểu…
Công tác tư vấn phân luồng hướng nghiệp sau THCS được các trường ở TP.HCM thực hiện xuyên suốt năm học
“Mưa dầm thấm lâu”!
Sau buổi tư vấn hướng nghiệp do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức tại trường, chị Nguyễn Thu Hường (phụ huynh học sinh lớp 9, Trường THCS Khánh Hội, Q.4) nán lại, mạnh dạn đến gặp ban tư vấn đặt câu hỏi.
Chị cho biết, con chị có sức học trung bình yếu nhưng gia đình vẫn mong muốn con tiếp tục theo học bậc THPT, còn con thì lại có nguyện vọng rẽ sang học nghề.
“Gia đình lo rằng con còn nhỏ, nếu ra học nghề và sau này đi làm luôn thì thiệt thòi so với chúng bạn nên vẫn luôn tạo điều kiện, đông viên con chọn học 1 trường THPT công lập. Thế nhưng con tha thiết đi học nghề sửa chữa điện tử vì con thích từ nhỏ, cũng hay mày mò sửa đồ điện trong gia đình”, chị Hường bày tỏ.
Trước băn khoăn này của chị, bà Nguyễn Xuân Mai – Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, việc sau THCS, một bộ phận học sinh lựa chọn học nghề không phải là sự thiệt thòi cho các em mà đó là sự phù hợp. Nếu bản thân học sinh đã xác định được năng lực của bản thân, sở trường, đam mê trong một lĩnh vực nào đó thì đó là điều “đáng mừng”.
“Trong bất cứ môi trường nào, chỉ cần con có đam mê thì nhất định con sẽ thành công. Nếu sức học con yếu, việc thi tuyển sinh 10 sẽ có thể tạo thêm áp lực cho con. Đặc biệt nếu con có trúng tuyển thì cũng rất khó để theo học lâu dài suốt 3 năm THPT…”, bà Mai phân tích.
Với những tư vấn của chuyên gia, chị Nguyễn Thu Hường vui vẻ cho hay, chị “như được cởi bỏ tâm tư” và sẽ tôn trọng lựa chọn của con.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thu Hường là câu chuyện hướng nghiệp, phân luồng điển hình mà ngành giáo dục TP.HCM đang thực hiện với học sinh sau THCS nhiều năm nay. Trong đó, việc tư vấn cho phụ huynh, học sinh theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu” luôn được đặt lên hàng đầu…
“Ngay từ đầu năm học lớp 9, GVCN đã nắm danh sách những học sinh có sức học yếu, trung bình để theo sát, động viên các em nỗ lực. Trong suốt năm học, bám sát sức học của học sinh, GVCN sẽ thường xuyên liên hệ với phụ huynh, trao đổi, gặp gỡ riêng phụ huynh về vấn đề học tập của các em, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của gia đình để có hướng tư vấn phù hợp nhất”, thầy Tân Trung Nghĩa (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4) chia sẻ.
Theo thầy Nghĩa, để hướng nghiệp, phân luồng học sinh lớp 9 đạt hiệu quả thì điều quan trọng nhất là phải giúp phụ huynh hiểu và nhìn ra năng lực thực sự của con em mình, từ đó sẽ tự lựa chọn và quyết định được hướng đi phù hợp.
Có những phụ huynh, GVCN phải tư vấn rất nhiều lần, trong mỗi giai đoạn học tập của học sinh, không phải để phụ huynh thấy rằng con mình không đủ năng lực mà làm sao để phụ huynh đánh giá được rằng con em có thế mạnh nào, sẽ phù hợp nhất với hướng đi nào.
“Cuối năm học, trước thời điểm đăng ký nguyện vọng thi tuyển sinh 10, nhà trường sẽ tổ chức các chương trình hướng nghiệp phân luồng với sự tham gia của các trường nghề, trung tâm GDNN – GDTX. Cạnh đó, đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế ở các trường nghề… Đối tượng phụ huynh, học sinh tham gia có sự chọn lọc, đáp ứng sát nhất nhu cầu của phụ huynh, học sinh”, Thầy Nghĩa bổ sung.
Từ cách làm “mưa dầm thấm lâu”, hàng năm tỷ lệ học sinh sau THCS của trường THCS Nguyễn Huệ chủ động lựa chọn các hướng đi học nghề, học Trung tâm GDNN-GDTX luôn dao động từ 20-30%.
Gõ cửa từng trường để… phân luồng, hướng nghiệp
Năm học 2022-2023, TP.HCM tiếp tục thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS, theo nguyên tắc 70% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ tiếp tục học THPT công lập qua kỳ thi tuyển sinh 10; 30% còn lại sẽ theo học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề, học Trung tâm GDNN – GDTX, Trung tâm GDTX hoặc trường THPT ngoài công lập…
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh khẳng định, dù TP.HCM phấn đấu thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS tuy nhiên, việc phân luồng hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Nhà trường, GVCN chỉ làm công tác tư vấn, hướng nghiệp giúp phụ huynh, học sinh đánh giá được đúng năng lực học tập và lựa chọn được hướng đi sau THCS phù hợp nhất.
“Tại TP.HCM, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh khối 9 là câu chuyện được ngành giáo dục thực hiện một cách dài hơi, bền bỉ, có lộ trình xuyên suốt từ đầu năm học chứ không phải đến khi thi tuyển sinh 10 mới thực hiện. Các trường THCS thực hiện đa dạng nhiều hoạt động hướng nghiệp học sinh…
Nhiều năm nay, trước thời điểm thi tuyển sinh 10, Sở GD-ĐT phối hợp với phòng GD-ĐT các quận, huyện và Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức chương trình tư vấn phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS. Chương trình đã bền bỉ đi từng quận, huyện, đến từng trường THCS nói chuyện, chia sẻ với phụ huynh, học sinh khối 9 về kỳ thi tuyển sinh 10, các hướng đi sau THCS… Cộng hưởng với quá trình tư vấn của nhà trường, GVCN trong suốt năm học đã giúp phụ huynh, học sinh tự chọn được hướng đi phù hợp, giúp công tác phân luồng học sinh sau THCS của thành phố ngày càng đạt hiệu quả”, ông Hồ Tấn Minh phân tích.
Đánh giá cao ý nghĩa mà chương trình tư vấn, phân luồng học sinh sau THCS do Tạp chí Giáo dục TP.HCM thực hiện trong nhiều năm qua, cô Trương Thúy Uyên (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn, Q.4) khẳng định, chương trình đã góp phần hỗ trợ rất hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS tại trường.
“Từ chỗ không hiểu rõ vai trò của việc phân luồng, đến nay nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên cũng đã nhận thức một cách đúng đắn về vai trò của công tác này. Thậm chí, năm học này có trường hợp học sinh giỏi cấp thành phố cũng… quyết định đăng ký học nghề thay vì thi tuyển sinh 10 vì nhận thấy sự phù hợp và xác định được đúng đam mê”, cô Uyên bày tỏ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)