Chuyên viên tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” giải đáp các thắc mắc của học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo. Ảnh: D.Bình
|
Hai số báo trước, Giáo dục TP.HCM đã đăng ý kiến của các thầy cô giáo nói về những điểm mới trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Số báo này, tòa soạn tiếp tục đăng ý kiến của các em học sinh bày tỏ sự băn khoăn về những thay đổi sẽ diễn ra trong kỳ thi sắp tới.
Phạm Quốc Tùng (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):
Băn khoăn phần tự luận môn tiếng Anh
Trong dự thảo kỳ thi THPT quốc gia được công bố trước đây, môn tiếng Anh là môn thi trắc nghiệm. Nhưng theo quy chế thi chính thức, môn tiếng Anh lại có thêm phần tự luận. Vậy phần tự luận trong bài thi tiếng Anh cụ thể như thế nào? chiếm bao nhiêu phần trăm? có giống với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước không? Nếu giống với đề thi ĐH, CĐ trước đây thì liệu mức độ khó của đề thi có gây khó khăn cho những học sinh chỉ sử dụng kết quả môn tiếng Anh để xét tốt nghiệp hay không? (đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trước đây theo hình thức trắc nghiệm và câu hỏi cũng tương đối dễ đối với học sinh trung bình). Em nghĩ Bộ GD-ĐT nên có một thông báo cụ thể hoặc đề thi mẫu để những học sinh phải sử dụng môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc không quá lo lắng cho kỳ thi sắp tới.
Đặng Quốc Việt (học sinh lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):
Xin rút hồ sơ xét tuyển khó khăn không?
Đây là năm đầu tiên thí sinh dự thi được tự lựa chọn môn thi cho mình mà không phải lo lắng về sự trùng lắp về thời gian thi. Theo em, điều này sẽ dễ dẫn đến thực trạng thí sinh của một số khối thi tăng đột biến, cũng đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh ở một số trường có khối thi này sẽ tăng cao. Dù Bộ GD-ĐT khẳng định việc lựa chọn trường, ngành học hoàn toàn do thí sinh chủ động, thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển ở trường này để nộp vào trường khác trong thời gian 20 ngày kể từ ngày công bố đợt xét tuyển nhưng em vẫn rất lo ngại về vấn đề này. Liệu thủ tục rút hồ sơ có thuận lợi hay không?, nhất là khi nhiều thí sinh vì muốn “an toàn” cho chính mình mà nộp hồ sơ vào những trường thuộc tốp trung bình, có điểm đầu vào thấp. Có thể nói đây là vấn đề khiến nhiều học sinh và phụ huynh bận tâm nhất trong thực trạng trường ĐH nào cũng muốn “hút” thí sinh để tuyển cho đủ chỉ tiêu.
Nguyễn Thảo Vy (học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM):
Vừa mừng, lại vừa lo
Dù quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 quy định rất chi tiết và có nhiều điểm lợi cho thí sinh nhưng em và các bạn lại có nhiều băn khoăn, vừa mừng vừa lo cho kỳ thi sắp tới. Mừng vì hai quy chế đã bớt cho học sinh một kỳ thi, tiết kiệm được thời gian và sự căng thẳng không cần thiết… Quy chế của cả hai kỳ thi cũng tập hợp được những chính sách khuyến khích, ưu tiên phù hợp cho từng đối tượng dự thi.
Tuy nhiên, dù đã có những giải đáp và hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia tư vấn cũng như thầy cô giáo trong trường nhưng chúng em vẫn rất lo lắng bởi đây là năm đầu tiên áp dụng hai quy chế này. Cấu trúc đề thi, độ “mở” của đề thi, cách tổ chức thi…, liệu có ảnh hưởng tới tâm lý của thí sinh hay không? Và khi thi ở các cụm do các trường ĐH chủ trì thì giám khảo sẽ chấm ra sao để điểm thi của thí sinh ở các vùng miền không bị chênh lệch, qua đó đảm bảo điểm tuyển sinh vào các trường ĐH thực sự chất lượng? Đặc biệt, Bộ GD-ĐT có dám khẳng định sẽ không để xảy ra sai sót, tiêu cực như tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây?
Hồ Lê Trọng Vỹ (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu TP.HCM):
Lo cấu trúc đề thi công bố muộn
Thông thường, thời điểm này (đầu tháng 3 – PV) học sinh lớp 12 đã lên kế hoạch ôn tập, đăng ký luyện thi và tập làm thử các đề thi ĐH, CĐ những năm trước. Nhưng hiện nay chúng em vẫn chưa tập trung ôn tập vì không biết cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm nay thế nào. Bộ GD-ĐT cho biết đề thi sẽ có phần kiến thức của các năm học lớp 10, 11 và 12. Vậy khối lượng kiến thức của từng khối trong đề thi cụ thể như thế nào? Em cũng biết nhiều thầy cô đang gặp khó khăn về vấn đề này khi lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. Theo em, Bộ GD-ĐT nên công bố sớm cấu trúc đề thi để giáo viên, học sinh thuận tiện hơn trong việc giảng dạy và ôn tập, không nên để cả thầy lẫn trò cùng rơi vào hoàn cảnh vừa ôn tập, vừa phải… đoán mò.
Ngọc Anh (ghi)
Cô Trần Thị Thu Thủy (giáo viên văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng):
Đề thi sẽ theo cấu trúc như thế nào?
Sau nhiều ý kiến tranh luận trong dự thảo, quy chế chính thức đã giải mã rõ ràng, cụ thể các vấn đề hơn. Việc rút lại còn một kỳ thi sẽ đỡ tốn kém thời gian, công sức của học sinh và giáo viên coi, chấm thi cũng như công tác thi và phục vụ thi. Việc thi trước và chọn trường sau mở ra nhiều cơ hội cho học sinh vào ĐH, tránh được rủi ro trong chọn lựa ngành, trường học.
Tuy nhiên, theo tôi, quy chế chính thức vẫn còn một số khó khăn cho học sinh, đó là phổ điểm phân hóa trình độ học sinh. Đề thi sẽ theo cấu trúc như thế nào?, bởi trước đây đề thi tốt nghiệp khác đề thi ĐH, CĐ. Riêng môn văn trước đây chỉ học và dạy ôn chủ yếu ở phần lớp 12 để các em thi tốt nghiệp, nay ghép hai kỳ thi thì buộc giáo viên phải dạy ôn thêm cả phần lớp 11 nên rất vất vả.
Thiết nghĩ, trong quá trình tạo mã đề, nên có ít nhất 24 mã đề/phòng thi. Bởi theo quy chế, năm nay có từ 40 thí sinh/phòng thi, điều đó chứng tỏ rằng số lượng thí sinh trong phòng đông, nếu có nhiều đề thi chung mã thì việc quay cóp có thể sẽ xảy ra gây lộn xộn, ảnh hưởng đến thí sinh khác.
Việc xét thêm môn văn hoặc toán trong các tổ hợp môn xét tuyển sinh mới tạo điều kiện để nâng cao vị trí môn văn trong nhà trường. Trước đây dự thảo còn chưa rõ ràng, thậm chí còn đưa ra ý kiến đưa môn văn vào như một môn chính để vào trường y. Điều đó còn nhiều bàn cãi. Nhưng nay, văn được xem là môn xét thêm, có nghĩa rằng bên cạnh tổ hợp các môn thi chính, đảm bảo điều kiện cho khối thi thì môn văn được xét thêm. Đây là điều nên có, là niềm vui với người dạy văn. Dù các ngành học ở trường ĐH không liên quan đến văn, nhưng thiết nghĩ, môn văn không chỉ dạy cho người học biết viết văn mà còn dạy cả kỹ năng sống, ứng xử, dạy cách làm người… Bởi vậy, dù là kỹ sư, bác sĩ hay cử nhân, giảng viên… đều cần có một trình độ về văn học nhất định nào đó.
Vĩnh Yên (ghi)
|
Bình luận (0)