Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng để trẻ thấy sự thiếu công bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Để HS cảm nhận được sự yêu thương, các thầy cô cần giữ gìn, chia sẻ mọi chuyện trong học tập và cuộc sống (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Trinh
Cách đây không lâu, trên đường về nhà sau giờ học, con gái tôi (đang học lớp 5) kể lại chuyện “bầu ban chấp hành chi đội lớp”. Ban chấp hành có 5 bạn, còn ứng cử viên có 7 bạn, sau khi bầu, có 2 bạn cùng phiếu đứng vị trí thứ 5 nhưng cô chọn bạn nam vì cho rằng trong số 4 bạn đã đắc cử chỉ có… 1 bạn nam.
Con tôi cho biết bạn nữ có cùng phiếu bị loại đã khóc nức nở trong lớp, rồi sau khi ra chơi còn khóc thêm lần nữa, không biết vì không được tham gia ban chấp hành hay vì cảm thấy oan ức. Sau khi hỏi kỹ con gái về việc bầu cử trên lớp, tôi thấy cô giáo có những cách làm chưa phù hợp với quy cách bầu cử thông thường. Tuy nhiên, có lẽ lứa tuổi lên 10, học sinh (HS) chưa hiểu nhiều về quy cách đó mà chỉ có thể cảm nhận được qua việc thực hiện quy cách đó, mình có được tôn trọng không?, có công bằng không?…
Với HS tiểu học, do chưa va chạm cuộc sống nhiều nên trường học là môi trường xã hội lớn nhất của các em; những điều tốt đẹp hay chưa tốt đẹp trong cuộc sống phần lớn được các em nhìn nhận qua môi trường này. Các ấn tượng, khái niệm đầu tiên về những nhận thức lớn lao của cuộc sống, của xã hội như bình đẳng, bất công, nhân ái… phần lớn bắt nguồn từ đây. Trong đó, môi trường lớp học phải là nơi thứ hai sau gia đình HS có thể cảm thấy yên tâm nhất bởi sự yêu thương, chăm sóc của thầy cô cũng như được bày tỏ tình cảm, ý kiến, hành vi một cách tự do, đầy đủ nhất. Trong khi đó, HS THCS và THPT, nhận thức đã có phần đầy đủ, hoàn thiện hơn; cảm nhận về cách ứng xử, hành xử của giáo viên trên lớp với các em cũng trở nên rõ ràng, cụ thể hơn. Trong nhiều trường hợp, các em có thể không “vô tư” như HS tiểu học mà có quan sát, phân tích, phán đoán, nhận xét. Do đó, các em có thể ghi nhận tất cả lời nói, cử chỉ của giáo viên và đánh giá thái độ, tình cảm của giáo viên đối với bản thân, với các bạn khác. Từ đây, các em cũng có thể có ý thức, khái niệm một cách sơ nét về sự công bằng, khách quan…, cũng như về lẽ phải, sự chính đáng.
Do đó, trường học phải là nơi trẻ cảm thấy công bằng chứ không phải bất công, bị phân biệt đối xử do nhà nghèo, tư chất kém, địa vị gia đình bình thường hay do sự yêu ghét, quen thân của giáo viên hoặc bản thân bị khuyết tật… Ở đây, chỉ cần có “cảm thấy”, “cảm giác” chứ không nhất thiết đã có điều đó xảy ra trên thực tế thì cũng là một nỗi ám ảnh rồi. Cảm giác bị “đì” có lẽ là một trong những cảm giác đáng sợ nhất của tất cả HS, bởi cảm giác đó rất nặng nề và ít nhiều chi phối đến các cảm giác khác, đến các hành động của các em. Việc HS bị nhắc nhở do thiếu tiền trường, do học kém vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ, do tư chất bình thường hay do lỗi nào đó… đều có thể để lại cho các em những ấn tượng không hay về tính công bằng. Từ đó hình thành nên nhận thức sai lệch về công bằng cũng như việc thực hiện cho mục tiêu công bằng, bình đẳng khi trẻ lớn lên.
Đó là chưa kể các cảm giác không công bằng do “được” lớp trưởng, tổ trưởng “để ý” nhắc nhở nhiều lần hay “đánh giá” với giáo viên, do sự thiếu hòa đồng mà cho rằng các bạn không chơi với mình, do sức khỏe kém mà cảm thấy không vui khi đến lớp. Tức là có rất nhiều lý do để trẻ cảm thấy môi trường lớp học chưa phải là nơi thân thiện, gắn bó hay thực sự tốt đẹp, bình đẳng.
Lâu nay, khẩu hiệu trong nhà trường thường thấy là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Có thể phụ huynh cố gắng giúp con mình có được tâm trạng tốt nhất khi đến lớp, bằng việc chăm sóc sự học của con một cách chu đáo, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhà trường, tạo mối quan hệ tích cực với giáo viên…; nhưng bao nhiêu đó là chưa đủ để trẻ thực sự có cảm giác tích cực khi đi học. Bởi gần như suốt ngày, HS được tiếp xúc với thầy cô, được nghe giảng, được nghe nói chuyện, được nhìn thấy các cách thức ứng xử… và qua đó có thể học tập rất nhiều điều để định hình nhân cách, tính cách.
Nguyễn Minh Tâm (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Cần vun đắp lòng tin cho trẻ
Nhân chuyện bầu cử trong lớp, con gái tôi nhắc lại việc cháu không được lớp trưởng (đồng thời là chi đội trưởng) chọn vào nhóm 5 bạn dự đại hội liên đội của trường do cháu và lớp trưởng có sự “cạnh tranh” nhiều mặt trong lớp. Tôi hiểu nỗi buồn của con và khuyên không nên xem việc tham gia ban cán sự lớp hay chi đội là một điều gì quá đặc biệt để rồi nếu không được bầu chọn thì trở nên thất vọng. Nhưng có lẽ qua việc của mình và của bạn, con tôi đã có chút cảm giác về sự không công bằng trong lớp rồi. Nếu những sự việc tương tự cứ lặp lại thì có thể lòng tin, tình cảm của con tôi đối với cô giáo ít nhiều bị ảnh hưởng, cũng từ đó có thể ảnh hưởng đến nhận thức của cháu về một số khái niệm cơ bản của cuộc sống như lẽ phải, sự công bằng…
 
 

Bình luận (0)