Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gia đình là gốc rễ nuôi dưỡng nhân cách

Tạp Chí Giáo Dục

Khi bàn đến vai trò của gia đình, nhiều nhà giáo dục nhận định nhân tố này chính là gốc rễ cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
Có người lại cho rằng, đó là nhân tố chủ đạo, điều này cũng không sai. Bởi, một con người tốt hay chưa tốt thì đều có sự ảnh hưởng nhất định từ môi trường gia đình. Một đứa trẻ khi sinh ra, môi trường đầu tiên phải từ chính gia đình của mình, gia đình tốt thì cá nhân tốt, gia đình xấu thì cá nhân đó cũng lệch lạc, méo mó. Sự ảnh hưởng của đứa trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời không ai khác là từ gia đình, đó là sự tác động từ cha mẹ, ông bà cũng như các thành viên khác. Trải qua những năm tháng đầu đời, khi đứa trẻ biết tham gia vào môi trường xung quanh, ý thức bắt đầu phát triển và dần dần khẳng định được giá trị cá nhân trong gia đình và xã hội – tất cả điều đó, đầu tiên phải từ mỗi gia đình. Nếu như cha mẹ biết chăm sóc, nuôi dưỡng, uốn nắn, sửa chữa khuyết điểm ngay từ nhỏ thì trẻ sẽ rất ít có cơ hội bị nhiễm thói hư, tật xấu từ xã hội. Ngược lại, nếu như thiếu sự chăm chút từ cha mẹ, cùng với đó là những bất hòa, xung đột trong gia đình thì đều để lại dấu ấn, vết hằn trong tâm của mỗi đứa trẻ, đó cũng là mầm mống của những hành vi lệch lạc sau này.
Theo các nghiên cứu của các nhà tội phạm học, những đứa trẻ hư phần lớn được sinh ra ở những gia đình có vấn đề (xung đột, bạo lực, khuyết thiếu…). Vì thế, vai trò của gia đình cũng như giáo dục gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Gần đây, báo chí cũng đã phản ánh nhiều về tình trạng: Vợ giết chồng, chồng giết vợ; con giết cha mẹ; cha mẹ giết con, hay hàng loạt những vụ bạo lực, ly hôn… Nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh của xã hội, mà chỉ là những thiểu số, phản ánh một bộ phận trong đại gia đình Việt Nam đang biết giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp.
Tuy nhiên, phải nói rằng, vai trò, chức năng của gia đình hiện nay có phần sa sút: Lối sống thực dụng, coi trọng tiền bạc hơn tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ đang ngày càng len lỏi trong các gia đình. Do đó, mỗi người chúng ta cần phải hướng về gia đình, thấy rõ vai trò, chức năng của gia đình và thể hiện trách nhiệm với chính gia đình của mình. Gia đình là tế bào của xã hội, một tế bào khỏe mạnh thì cơ thể mới phát triển tốt. Mỗi công dân muốn cống hiến, muốn phụng sự Tổ quốc tốt thì đầu tiên phải có tình yêu thương từ gia đình. Bởi vậy, nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã nhấn mạnh: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Gia đình luôn là nền tảng, là gốc rễ của nhân cách con người.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công (Đồng Nai)

Bình luận (0)