Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đăng ký nguyện vọng: Không nên chọn đại để học ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng đặt câu hỏi cho Ban tư vấn trong chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”
Tuần qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra ở Trường THPT Tenlơman (Q.1) và Nguyễn Văn Tăng (Q.9). Tại chương trình, các em học sinh đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những vấn đề: Hình thức xét tuyển trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia chính thức khác thế nào so với dự thảo trước đây; nội dung đề thi có thay đổi nhiều không; cùng một chương trình nhưng các trường đào tạo khác nhau như thế nào…
Nội dung đề thi: Dễ hay khó?
Quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi khiến nhiều học sinh thắc mắc: Nội dung đề thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ như thế nào? Dễ hay là khó để phân loại thí sinh?
Em Lê Thị Giang (học lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Văn Tăng) phân vân: “Kỳ thi năm nay có nhiều điểm khác so với các kỳ thi trước đây, vậy nội dung đề thi có gì khác so với những năm trước? Đề khó hay dễ?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nói: “Về cơ bản, đề thi THPT quốc gia năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12, tập trung vào các câu hỏi vận dụng kiến thức, thực hành, không có tính chất đánh đố thí sinh. Đề có phần dễ dành cho thí sinh trung bình có thể đủ điểm để đỗ tốt nghiệp THPT, nhưng cũng có phần câu hỏi nâng cao, mức độ khó hơn để phân loại thí sinh khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ”.
Một học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng hỏi tiếp: “Năm nay chúng em có nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước của các trường ĐH để lựa chọn nguyện vọng? Nếu không căn cứ vào điểm chuẩn thì chúng em nên dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn? Về vấn đề này, ông Đặng Kiên Cường, đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, phân tích: “Năm nay sẽ không còn điểm chuẩn như những năm trước, nhưng các em cũng nên tham khảo điểm chuẩn năm trước các trường lấy cao hay thấp để cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn nguyện vọng”. Nói về cách xét tuyển nguyện vọng, nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng thí sinh phải cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng, đặc biệt là nguyện vọng 1 bởi hầu hết các trường ĐH thuộc tốp trên đã xét tuyển đủ ở đợt đầu tiên, không xét tuyển bổ sung.
Cùng một ngành, các trường đào tạo có khác nhau?
Em Vũ Quang Lộc (học lớp 12A8 Trường THPT Tenlơman) thắc mắc: “Theo dự thảo trước đây của Bộ GD-ĐT, sau khi có kết quả kỳ thi, những thí sinh đỗ tốt nghiệp sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi khác nhau có ghi rõ mã vạch để xét tuyển vào ĐH, CĐ trong 4 đợt. Vậy quy chế chính thức có gì thay đổi không?”.
Cơ hội vào ĐH của thí sinh khá nhiều nhưng các em cần cân nhắc kỹ, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích chứ không phải chọn đại để học ĐH”, ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Theo quy chế kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT vừa công bố, sau khi có kết quả thi, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận thi có mã vạch khác nhau để xét tuyển nguyện vọng. Ở đợt 1 chỉ được xét tuyển vào 1 trường, trong 1 trường được xét tối đa 4 ngành hoặc 4 nhóm ngành. Đợt 2, các em có thể sử dụng đồng thời cả 3 giấy chứng nhận thi để đăng ký vào 3 trường khác nhau, mỗi trường có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn cho phép nhiều trường xét tuyển học bạ, không cần xét phiếu điểm kỳ thi THPT quốc gia với điều kiện từng môn trong tổ hợp môn xét tuyển của 5 học kỳ THPT (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) phải đạt 6,0 trở lên để xét tuyển ĐH và 5,5 trở lên để xét tuyển CĐ. Như vậy, cơ hội vào ĐH của thí sinh khá nhiều nhưng các em cần cân nhắc kỹ, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích chứ không phải chọn đại để học ĐH”.
Mặc dù học sinh có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, cùng một ngành các em có thể đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề các em quan tâm là chương trình đào tạo giữa các trường giống và khác nhau như thế nào? Em Đặng Ngọc Anh Thư (học lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Văn Tăng) đặt câu hỏi: “Hiện có nhiều trường đào tạo các ngành kế toán – kiểm toán, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, quản trị kinh doanh… Vậy có sự khác biệt nào trong khung chương trình đào tạo giữa các trường?”.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phân tích: “Cùng một ngành, các trường đều đào tạo theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT khoảng 70-80%; 20-30% còn lại đào tạo theo đặc thù, thế mạnh riêng của từng trường”.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
HỎI – ĐÁP
Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành quản trị kinh doanh, vậy Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đào tạo có sự khác biệt gì?(Một học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Tăng hỏi)
– Ông Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, trả lời: Hiện có nhiều trường đào tạo ngành này, nhưng tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, sinh viên được đào tạo theo chuẩn quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ học tập chính, lớp học không quá 30 sinh viên và sinh viên được chú trọng vào đào tạo kỹ năng mềm.
Học ngành thiết kế thời trang ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngoài học phí ra sinh viên có phải đóng thêm khoản nào khác không?(Một học sinh Trường THPT Tenlơman hỏi)
– ThS. Phan Thị Mỹ Hạnh, đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trả lời: Không chỉ ngành thiết kế thời trang mà tất cả các ngành đào tạo tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngoài học phí ra sinh viên không phải đóng bất cứ khoản phí nào, kể cả tài liệu học tập các em cũng được nhà trường cung cấp đầy đủ. Riêng ngành thiết kế thời trang, nhà trường có xưởng may với rất nhiều máy móc, nguyên liệu có sẵn nên các em không phải đóng thêm tiền cho những khoản phí này.
Minh Châu (ghi)
 
 

Bình luận (0)