Em Nguyễn Viết Gia Khải cùng thầy giáo hướng dẫn bên sản phẩm “Thùng rác thông minh”
|
Với sản phẩm “Thùng rác thông minh” dành cho mọi đối tượng, em Nguyễn Viết Gia Khải, học sinh lớp 9/7 Trường THCS Chu Văn An (Thanh Khê, Đà Nẵng) đã xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh khác, đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP năm học 2014-2015.
Có vẻ ngoài hiền lành, rụt rè, Gia Khải chỉ tỏ ra mạnh dạn khi trình bày về ý tưởng và quá trình sáng tạo ra sản phẩm “Thùng rác thông minh” của mình.
Ý tưởng đến rất tình cờ
Gia Khải cho biết: “Ý tưởng thực hiện “Thùng rác thông minh” đến với em một cách rất tình cờ. Đó là có lần em đọc trên báo bài Văn hóa hai thùng rác – nét đẹp bị bỏ quên ở Sài Gòn. Không hiểu sao sau khi đọc xong bài báo đó, hình ảnh về chiếc thùng rác bị bỏ quên cứ lởn vởn mãi trong đầu em. Sau đó, nhà trường thông báo về cuộc thi khoa học kỹ thuật, thế là em chọn ngay đề tài “Thùng rác thông minh”. Việc chọn đề tài này, em nghĩ sẽ giúp người bỏ rác dễ dàng phân biệt được đâu là thùng rác vô cơ, đâu là thùng rác hữu cơ để tránh việc tiện đâu bỏ đó. Như vậy sẽ giúp các nhà máy thu gom rác dễ dàng tái chế, bảo vệ môi trường”.
Gia Khải kể: Khoảng tháng 12-2014, em trình bày ý tưởng “Thùng rác thông minh” lên các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường. Khi được thầy cô đồng ý triển khai, em bắt tay vào làm ngay. Chi tiết nào khó hoặc gặp vấn đề khó giải quyết, em đều nhờ thầy Trà Lam Khôi, giáo viên trong trường tư vấn, hướng dẫn. Hơn 3 tháng miệt mài, với nhiều lần tưởng chừng bỏ cuộc. “Máy nhìn có vẻ giản đơn nhưng để phát ra hệ thống âm thanh, công tắc đèn hai màu phân biệt thùng rác vô cơ, hữu cơ và đèn cảm ứng hồng ngoại nhận biết khi có người thì phát âm thanh có rất nhiều bo mạch. Chi tiết bo mạch nào cũng khó. Nhất là với đèn cảm ứng nhận diện khi có người đi qua. Những loại đèn đó phải nhờ ba em mua tận Hà Nội, vậy mà đến 2 lần bị cháy”, Gia Khải chia sẻ.
Những khó khăn dần được Gia Khải khắc phục nhờ tính kiên trì, sự động viên của ba mẹ và thầy cô giáo. Cuối cùng, sản phẩm “Thùng rác thông minh” được hoàn thiện. Gia Khải cho biết: “Ưu điểm của thùng rác là khi có người thân nhiệt trên 360C đi ngang qua là hệ thống âm thanh tự động đọc lời nhắc. Hệ thống đèn led trên hai thùng rác được bật. Tiếp đó là âm thanh vang lên:“Chào các bạn đến với thùng rác thông minh. Các bạn chú ý, thùng màu đỏ bên trái là bỏ rác vô cơ, thùng màu xanh lá cây bên phải là để bỏ rác hữu cơ. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định nhé. Cảm ơn các bạn”. Gia Khải cho biết thêm, trong vòng 45 giây, âm thanh sẽ phát lặp lại 3 lần. Đối với người khiếm thính thì có thể sờ tay phân biệt chữ rác vô cơ và rác hữu cơ bởi các chữ được cắt ghép nổi, dễ cảm nhận bằng tay.
Tính năng thân thiện với môi trường
Sản phẩm “Thùng rác thông minh” của Gia Khải đã thuyết phục được Ban Giám khảo cuộc thi bởi các tính năng thân thiện môi trường, tiện cho người sử dụng. Với các bộ phận công tắc, bộ cảm ứng hồng ngoại, biến thế (220V-12V), mạch điều khiển đèn led, máy MP3, hai bộ đèn led và loa, Gia Khải cho biết tổng chi phí để hoàn thành sản phẩm này khoảng 1 triệu đồng. “Nếu đưa vào áp dụng thực tế thì sẽ đỡ tốn chi phí hơn do khi tiến hành sáng tạo, có nhiều chi tiết không phù hợp, lắp vào bị hư hỏng nên em phải đi mua vật liệu khác”, Gia Khải nói.
Trong khi đó, thầy Trà Lam Khôi, giáo viên hướng dẫn Gia Khải, cho biết: “Điểm đáng ghi nhận ở sản phẩm “Thùng rác thông minh” là có thể dùng cho cả người khiếm thị, khiếm thính”.
Chia sẻ về thành công bước đầu của mình, Gia Khải trải lòng: “Sắp tới em sẽ mang sản phẩm đi thi cấp toàn quốc ở Đồng Tháp. Nhưng em không đặt nhiều kì vọng ở vòng này. Cái chủ yếu là em muốn làm thế nào để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm để tất cả mọi người có thể ứng dụng rộng rãi vào việc thu gom rác, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là trong thời gian này, khi TP.Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng Năm văn minh, văn hóa đô thị, hướng tới một TP xanh – sạch – đẹp, đáng sống, thân thiện thì điều trước tiên là phải tìm cách bảo vệ môi trường ngay từ những việc nhỏ nhất nhưng không kém phần quan trọng như thu gom, phân loại rác”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Đây không phải là lần đầu tiên Gia Khải tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo dành cho học sinh. Trước đó vào năm học lớp 5, khi đi trên đường thấy nhiều bả kẹo cao su bám đầy lòng đường, vỉa hè, em đã nghĩ ra cách làm dụng cụ cạo bả kẹo cao su để làm sạch đường phố, bảo vệ môi trường. |
Bình luận (0)