Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đăng ký xét tuyển: Nhiều cơ hội cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Quốc Cường (thứ 3 từ phải qua) tư vấn cho học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên
Không chỉ được miễn thi tốt nghiệp, những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt yêu cầu sẽ được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng. Điểm mới này khiến các em học sinh (HS) của  Trường THPT Trần Khai Nguyên, THPT Phú Nhuận, THPT Hùng Vương và THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức.
Áp dụng ở các trường có đề án tuyển sinh riêng
Tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, em Đậu Ngọc Tường Vy (học lớp 12) thắc mắc: “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có quy định miễn thi môn ngoại ngữ cho các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, TOEIC, IELTS. Em muốn hỏi, các chứng chỉ này phải đạt tiêu chuẩn như thế nào mới được miễn thi?”. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, khẳng định: Theo quy định được Bộ GD-ĐT công bố ngày 26-2, những thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ, hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOEFL ITP 400 điểm, TOEFL iBT 32 điểm, TOEIC 400 điểm (do ETS cấp) hoặc IELTS 3.5 điểm (do ETS, BC hoặc IDP cấp) sẽ được miễn thi tốt nghiệp. Điểm để tính cho việc xét tốt nghiệp môn ngoại ngữ là 10 điểm.
Cũng đặt câu hỏi liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ, em Trần Nguyễn Tú Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận) băn khoăn: “Em nghe nói thí sinh muốn sử dụng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có môn thi ngoại ngữ thì vẫn phải thi môn này. Nhưng cũng có thông tin là nhiều trường vẫn xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ. Vậy cụ thể hình thức xét tuyển đó là như thế nào?”. Là trường có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đầu vào, ThS. Hoàng Đức Bình, đại diện Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Tuy chứng chỉ ngoại ngữ không được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia nhưng các thí sinh vẫn có thể sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng. Cụ thể, Trường ĐH Hoa Sen dành tối đa 10% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp giữa kết quả 3 năm THPT và chứng chỉ Anh văn quốc tế vào tất cả các ngành tuyển sinh bậc ĐH và CĐ. Theo đó, những thí sinh có điểm thi IELTS 6.5 trở lên, hoặc điểm thi TOEFL iBT 89 trở lên (đối với các ngành bậc ĐH); IELTS 6.0 trở lên, hoặc điểm thi TOEFL iBT 80 trở lên (đối với các ngành bậc CĐ); có điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đạt từ 6,0 điểm trở lên đối với bậc ĐH hay 5,5 điểm trở lên đối với bậc CĐ sẽ được tham gia xét tuyển vào trường.
Tương tự, ThS. Nguyễn Đăng Quang, Phó trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết: Trường dành 20% chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Anh để xét tuyển thẳng các thí sinh tốt nghiệp THPT 2015, đạt điểm IELTS quốc tế từ 6.0 trở lên hoặc tương đương, có điểm trung bình học bạ của môn toán và môn văn đạt từ 6,0 trở lên.
Ngành sư phạm có yêu cầu về ngoại hình
Có ý định đăng ký vào ngành sư phạm nên em Phan Nguyễn Quỳnh Phương (học lớp 12A3 Trường THPT Hùng Vương) hỏi: “Em nghe nói một số ngành sư phạm đòi hỏi phải có yêu cầu khi tuyển sinh đầu vào. Vậy yêu cầu cụ thể ra sao?”. ThS. Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Các thí sinh dự thi ngành sư phạm tại trường có yêu cầu là không bị dị tật, không được nói ngọng, nói lắp; nam cao 1m55, nữ cao 1m50 trở lên. Đây là điều kiện bắt buộc nhằm xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy trong mắt học trò”. Yêu cầu này cũng được áp dụng tương tự đối với thí sinh thi vào các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa ngành sư phạm tiếng Anh với ngôn ngữ Anh, ThS. Nguyễn Ngọc Trung phân tích: Về chương trình học, 2 ngành trên có 70% khối lượng kiến thức giống nhau. 30% còn lại khác nhau ở chỗ: Ngành sư phạm tiếng Anh có học những học phần về tâm lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm và thực tập sư phạm; còn ngành ngôn ngữ Anh được học những kiến thức chuyên sâu về tiếng Anh thương mại, phiên dịch… Ngoài ra, khi học ngành sư phạm tiếng Anh, các em được miễn học phí toàn bộ 4 năm học. Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ trở thành giáo viên dạy môn tiếng Anh bậc phổ thông. Tuy nhiên, học sư phạm tiếng Anh ra các em cũng có thể không đi dạy mà làm việc cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu học ngôn ngữ Anh ra mà muốn đi dạy, các em có thể học thêm khóa nghiệp vụ sư phạm”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Trường ĐH Văn Lang giảm học phí cho sinh viên là anh (chị) em ruột
TS. Hoàng Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin Trường ĐH Văn Lang, cho biết từ năm 2014, trường đã áp dụng chính sách xét giảm học phí cho các sinh viên là anh (chị) em ruột cùng học tại trường. Cụ thể, đối với sinh viên có anh (chị) em cùng đang học, mỗi sinh viên được giảm 12% học phí; đối với sinh viên có anh (chị) là cựu sinh viên đã học tại trường được giảm 8% học phí. Ngoài ra, trường cũng có chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm theo sự hợp tác giữa trường với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, sinh viên sẽ được nhà trường bảo lãnh tín chấp để vay 80% học phí từ ngân hàng.
 
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xét tuyển mức điểm chung cho tất cả các ngành
Trả lời câu hỏi của một học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền về phương thức xét tuyển, ThS. Trần Duy Can, đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: Năm 2015, trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức để xét tuyển vào trường ở các khối thi: A, A1, D1. Các khối thi đều tính hệ số 1.  Riêng đối với ngành ngôn ngữ Anh xét tuyển các môn: Toán, ngữ văn, tiếng Anh thì môn toán, ngữ văn hệ số 1, môn tiếng Anh nhân hệ số 2.
Giống như các năm trước, năm 2015, trường áp dụng một mức điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành và chuyên ngành. Do đó, thí sinh khi đăng ký nguyện vọng vào trường không cần quan tâm thứ tự các ưu tiên trong giấy đăng ký vì mức điểm tất cả các ngành là ngang nhau. Ngoài ra, dù đăng ký ngành ngay từ đầu nhưng sinh viên sẽ được học chung tất cả các học phần trong 3 học kỳ đầu. Sau đó, trường sẽ tổ chức định hướng thông tin lại để các em lựa chọn lại ngành học phù hợp với mình.
Linh Vy (ghi)
 
 

Bình luận (0)