Bà Cao Thị Tuyết Nga, phụ huynh học sinh Trường THCS – THPT Diên Hồng đặt câu hỏi cho Ban tư vấn
|
Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức diễn ra ở nhiều trường THPT: Tân Phong, Diên Hồng, Phước Long… Tại đây, các em học sinh (cả phụ huynh) đặt ra nhiều câu hỏi “nóng”: Làm thế nào để học sinh trung bình vào được ĐH? Phần tự luận đề thi ngoại ngữ có làm khó thí sinh?…
Lưu ý khi sơ tuyển
Tại Trường THCS – THPT Diên Hồng, không chỉ có học sinh mà cả phụ huynh cũng tham dự chương trình, đặt nhiều câu hỏi cho Ban tư vấn. Bà Cao Thị Tuyết Nga, phụ huynh em Lê Ngọc Gia Vy (học lớp 11A1), băn khoăn: “Tôi có hai đứa con, một đang học lớp 11 và một đang ôn tập chuẩn bị thi lại ĐH do năm trước bị rớt. Tôi muốn hỏi: Con tôi có phải thi lại những môn xét tốt nghiệp không? Và xin Ban tư vấn cho biết thêm những lưu ý khi làm hồ sơ sơ tuyển”. Về vấn đề này, ông Trà Thành Trung, Trưởng phòng ĐH chính quy, Ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “Thí sinh không trúng tuyển ĐH năm trước là những thí sinh tự do, các em đã có bằng tốt nghiệp THPT nên chỉ đăng ký thi tự chọn những tổ hợp môn dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khi đăng ký sơ tuyển, các em phải lưu ý đọc kỹ thông tin từng trường vì có trường sơ tuyển học bạ điểm bình quân 3 năm THPT, có trường xét điểm học bạ bậc THPT các tổ hợp môn đăng ký xét tuyển… Chẳng hạn, hình thức sơ tuyển của ĐHQG TP.HCM là xét điểm bình quân 5 học kỳ bậc THPT phải đạt từ 6,5 trở lên; trong khi các trường khác sơ tuyển theo hình thức này để vào ĐH là 6,0 trở lên”.
Ông Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, lưu ý thêm: Trong một ngành của một trường có thể xét tuyển nhiều tổ hợp môn. Ví dụ như ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM xét tuyển đến 4 tổ hợp môn. Vì vậy thí sinh cần lưu ý xem tổ hợp môn nào trong học bạ 3 năm THPT có điểm cao nhất thì dùng tổ hợp môn đó để đăng ký sơ tuyển”.
Điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước
Giáo viên Trường THPT Tân Phong chăm chú ghi chép các thông tin mới về kỳ thi THPT quốc gia tại chương trình tư vấn
|
Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 có nhiều điểm khác so với những năm trước. Đặc biệt, năm nay thí sinh đều biết điểm trước khi đăng ký xét tuyển nên có lợi thế rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đăng ký như thế nào để tránh mất cơ hội vào những ngành, những trường mình thích là vấn đề băn khoăn của nhiều học sinh.
Tại Trường THPT Phước Long, em Thiên Ân (học lớp 12C6) đặt giả thuyết: “Em có 4 phiếu điểm tương ứng với việc em có thể nộp xét tuyển vào 4 trường. Tuy nhiên, nếu nguyện vọng đầu bị rớt, 3 phiếu còn lại em có thể tiếp tục nộp xét tuyển vào trường mà em bị rớt nguyện vọng đầu không trong trường hợp trường còn thiếu thí sinh?”. TS. Nguyễn Duy Thục, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn, phân tích: “Nếu em đã rớt nguyện vọng trước thì nguyện vọng đợt sau em sẽ không còn cơ hội vào tiếp trường đó nữa vì theo quy định, nguyện vọng xét tuyển đợt sau của các trường bao giờ cũng bằng hoặc cao hơn nguyện vọng đợt trước”.
“Ở nguyện vọng đầu tiên, em nộp phiếu điểm xét tuyển vào một trường và có thể thay đổi trường trong thời gian quy định. Tuy nhiên, nếu nộp phiếu điểm sau những thí sinh khác thì em có bị thiệt thòi gì không?”, em Bảo Thy (học lớp 12A7) hỏi. Ông Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục thuộc Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Đợt 1 xét tuyển từ ngày 10 đến 30-8, các em được quyền rút phiếu điểm trường này để nộp vào trường khác. Nếu các em thay đổi quyết định và nộp vào trường khác vào ngày cuối cùng của đợt xét tuyển thì hồ sơ của các em cũng có giá trị như thí sinh nộp từ ngày đầu, không bị thiệt thòi gì cả. Tuy nhiên, các em lưu ý là 3 ngày/lần, các trường ĐH sẽ cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển lên website của trường. Do đó các em nên vào tham khảo xem có nhiều thí sinh nộp hồ sơ hay không, điểm ngưỡng tối thiểu của trường đó có thể xét là bao nhiêu để có những điều chỉnh nhất định”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Phần tự luận môn ngoại ngữ đơn giản, không đánh đố thí sinh
Tại Trường THPT Tân Phong, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết: “Thí sinh dự thi ngoại ngữ không chỉ có tiếng Anh mà còn có thể lựa chọn 6 ngoại ngữ khác để thay thế như tiếng Pháp, Đức, Nhật, Trung… Đề thi ngoại ngữ gồm 2 phần: Trắc nghiệm (80%) và tự luận (20%). Các em làm bài thi trắc nghiệm trước, hết thời gian làm bài thì giáo viên thu phiếu trả lời trắc nghiệm và phát đề thi tự luận. Phần tự luận kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh nên sẽ ra đề khá đơn giản, không đánh đố, thí sinh học lực trung bình có thể làm được.
|
HỎI – ĐÁP
Cháu là nữ nhưng lại thích ngành kỹ thuật. Vậy cháu có học ngành kỹ thuật được không? Các trường kỹ thuật có ưu tiên gì cho nữ không?
– Ông Võ Viết Cường, Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trả lời: Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài tuyển nhân viên kỹ thuật là nữ để cân bằng lao động giữa nam và nữ. Hơn nữa, khi làm kỹ thuật, nếu là nữ sẽ có nhiều ưu thế như cẩn thận, tỉ mỉ rất cần thiết trong nghề, đặc biệt là cơ khí hiện nay đã được tự động hóa. Thi vào ngành kỹ thuật, nếu là nữ thì Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ có nhiều ưu tiên như giảm 50% học phí hoặc lấy điểm trúng tuyển thấp hơn các bạn nam khoảng 0,5 điểm. Ngoài ra, khi học ở trường, các em còn có nhiều cơ hội nhận học bổng dành cho sinh viên nữ khối ngành kỹ thuật từ các doanh nghiệp, công ty.
Ngành dược và hóa dược khác nhau như thế nào? (một học sinh Trường THPT Phước Long hỏi)
– PGS.TS Đặng Văn Tịnh, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, trả lời: Ngành dược, sinh viên được đào tạo 5 năm và công tác ở ngành y tế như quản lý và phân phối thuốc, kiểm định đảm bảo chất lượng thuốc. Còn ngành hóa dược đào tạo kỹ sư hóa học, trong đó có một số môn chuyên tổng hợp các phân tử, hợp chất bào chế thuốc. Có thể nói đây là ngành nghiên cứu sâu để tạo ra thuốc cho ngành dược.
M.Châu (ghi)
|
Bình luận (0)