TS. Nguyễn Đức Nghĩa giải đáp thắc mắc cho học sinh Trường THPT Hiệp Bình tại phần tư vấn riêng
|
Thích ngành dược nhưng học lực không giỏi thì phải làm thế nào? Muốn học ngành quản trị nhà hàng khách sạn hay hướng dẫn viên du lịch nhưng ngoại hình không đẹp thì có theo đuổi được không?… Đó là băn khoăn của nhiều học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.
Học lực khá vẫn có thể theo ngành y – dược
Em Hoàng Quân (học lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Trãi) hỏi: “Em muốn thi vào ngành dược của Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhưng các năm trước trường lấy điểm chuẩn rất cao trong khi học lực của em chỉ ở mức trung bình khá. Vậy làm thế nào để em có thể học ngành này? Trường có đào tạo hệ TC, CĐ không?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đặng Văn Tịnh, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Điểm chuẩn ngành dược của Trường ĐH Y dược TP.HCM trong những năm gần đây rất cao, khoảng 26 điểm. Trường có xét tuyển ngành này ở bậc TC và CĐ: Điểm chuẩn bậc CĐ năm 2013 lấy 23 điểm, năm 2014 lấy 22 điểm. Các em có thể cân nhắc giữa việc nộp hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Y dược TP.HCM hay nộp vào các trường ĐH có điểm chuẩn thấp hơn. Hiện khu vực phía Nam có một số trường đào tạo ngành này như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ… Sắp tới tại TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đào tạo ngành này. Thông thường các trường ngoài công lập lấy điểm chuẩn khoảng 15-16. Một lưu ý nữa là nếu các em nộp nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Y dược TP.HCM thì có thể điền các nguyện vọng con là bậc CĐ. Ngoài ra, các em có thể học cử nhân hóa học và sinh học, sau đó học thêm văn bằng 2 ngành dược thì sau 3 năm các em có bằng ĐH ngành dược”.
Cùng với ngành dược, nhiều học sinh cũng đặt câu hỏi cho ngành y. Tuy nhiên, điểm chuẩn ngành này ở Trường ĐH Y dược TP.HCM cao ngang hoặc hơn ngành dược khiến nhiều em băn khoăn. Về vấn đề này, ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp – việc làm ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: “Ngoài Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có đào tạo ngành y, tại TP.HCM có thêm một trường công lập đào tạo ngành này nữa là Khoa Y trực thuộc ĐHQG TP.HCM. Năm nay không còn thi “3 chung” nên khoa xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia và học bạ. Các em lưu ý là điểm chuẩn năm trước của Khoa Y ĐHQG TP.HCM là 23,5 điểm”.
Ngoài hệ thống trường công lập, hiện nay tại TP.HCM có một số trường ngoài công lập cũng đào tạo ngành y. Do đây là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao nên khi sơ tuyển có nhiều điều kiện cao hơn các ngành khác. TS. Hoàng Anh Tuấn Kiệt, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Tân Tạo, cho biết: “Trường ĐH Tân Tạo hiện có đào tạo Khoa Y. Để xét tuyển vào khoa này, tất cả các môn học ở bậc THPT và các môn thi trong tổ hợp xét tuyển cũng phải đạt từ 7.0 điểm trở lên. Ngoài ra các em còn phải trải qua một vòng phỏng vấn ở trường”.
Băn khoăn về ngoại hình, ngoại ngữ
Cùng với ngành y – dược, khối ngành dịch vụ như nhà hàng khách sạn, hướng dẫn viên du lịch cũng được học sinh quan tâm, đặc biệt là các em nữ.
Em Trần Ngọc Hoàng Yến (học lớp 12A3 Trường THPT Hiệp Bình) phân vân: “Chiều cao của em khá khiêm tốn, vậy có học ngành hướng dẫn viên du lịch được không? Hướng dẫn tour trong nước có cần giỏi tiếng Anh không?”. Trả lời thắc mắc này, ThS. Nguyễn Hữu Công, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn, khẳng định: “Ngoại hình chỉ là một phần rất nhỏ ảnh hưởng đến vấn đề xin việc, điều quan trọng nhất là muốn theo đuổi nghề này các em phải có sở thích, niềm đam mê, năng động… Các công ty du lịch đúng là có xem xét yếu tố ngoại hình nhưng họ chỉ lưu ý là ngoại hình ổn, không dị tật; còn phần quan trọng nhất vẫn là trình độ kiến thức và lòng đam mê. Về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì hướng dẫn viên quốc tế hay hướng dẫn viên nội địa đều rất cần bởi các em không chỉ phục vụ khách Việt mà còn cả khách nước ngoài”.
Một nữ sinh khác hỏi tiếp: “Em thích ngành quản trị nhà hàng khách sạn nhưng học lực chỉ trung bình khá, vậy em có theo đuổi được không? Nếu không giỏi tiếng Anh thì phải làm thế nào?”.
Ông Vũ Xuân Thành, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, phân tích: “Học lực của các em chưa giỏi vẫn có nhiều cơ hội để học ngành này. Hiện tại ngành quản trị nhà hàng khách sạn đào tạo ở nhiều bậc, từ TC đến ĐH. Ngành này ở Trường ĐH Hoa Sen những năm gần đây có điểm chuẩn 14-15. Ngoài ra, ngành này đòi hỏi phải có năng lực tiếng Anh nên nếu hiện tại các em học chưa giỏi tiếng Anh thì khi vào ĐH phải cố gắng thêm; đồng thời sẽ có giảng viên hướng dẫn, hỗ trợ cho sinh viên. Ở Trường ĐH Hoa Sen, một số môn chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn dạy bằng tiếng Anh và tất cả các môn đều phải làm đề án thuyết trình nên các em cần trang bị cho mình ngoại ngữ tốt”.
Bài, ảnh: Minh CHâu
Hơn 450 trường ĐH, CĐ dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Năm 2015, ngoại trừ ĐHQG Hà Nội có phương thức tuyển sinh riêng thì hơn 450 trường ĐH, CĐ còn lại đều dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Nếu thí sinh chỉ đăng ký môn thi để xét tốt nghiệp thì được miễn lệ phí thi, còn đăng ký thêm môn để xét tuyển ĐH, CĐ thì mỗi môn đóng 35.000 đồng. Thí sinh lưu ý là khi làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia, những thí sinh có đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ mới được cấp phiếu điểm. Trong 4 phiếu điểm, thí sinh sẽ nộp 1 phiếu để xét nguyện vọng 1. Nguyện vọng này cho phép các em đăng ký 4 ngành trong một trường theo thứ tự A, B, C, D. Ngành nào đỗ trước sẽ được cấp giấy chứng nhận. Nếu không đỗ cả 4 ngành trong 1 trường thì các em mới dùng 3 phiếu còn lại để xét nguyện vọng bổ sung.
|
HỎI – ĐÁP
Em đã nộp phiếu điểm để xét tuyển vào một trường ĐH rồi, nhưng muốn thay đổi thì có được phép rút ra không? (một học sinh Trường THPT Hiệp Bình thắc mắc)
– TS. Nguyễn Đức Nghĩa,Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, trả lời: Chỉ trong giai đoạn xét tuyển nguyện vọng 1, cứ 3 ngày/lần các trường ĐH công bố số lượng, điểm dự kiến thì các em có quyền rút hồ sơ để nộp vào trường khác nếu có nguy cơ rớt. Còn ở các nguyện vọng bổ sung thì các em không được quyền rút hồ sơ.
Em muốn theo học ngành báo chí ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) nhưng thấy điểm chuẩn ngành này rất cao. Vậy em có thể theo đuổi niềm đam mê của mình hay không vì học lực của em chỉ ở mức khá? Ngành này sẽ đào tạo những kỹ năng gì? (một HS Trường THPT Tân Bình hỏi).
– Ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp – việc làm ĐHQG TP.HCM, trả lời: Ngành báo chí truyền thông ở Trường ĐH KHXH&NV đào tạo những kỹ năng cứng về làm báo mạng, báo giấy, báo hình… như lấy tin, viết bài, biên tập… Ngoài ra còn đào tạo một số kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhóm… Điểm chuẩn ngành báo chí truyền thông luôn đứng ở tốp đầu của Trường ĐH KHXH&NV. Vì vậy, em có thể tham khảo thêm một số ngành khác gần với ngành này (cũng có thể làm báo) như ngôn ngữ, văn học…
D.Bình (ghi)
|
Bình luận (0)