Sau khi Liên minh Châu Âu (EU) đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga như một phần của vòng trừng phạt mới nhằm vào nước này do cuộc chiến ở Ukraina, giá dầu Brent tăng hơn 4% và giao dịch ở mức khoảng 110USD/thùng.
Tổ hợp lọc hóa dầu Taneco ở Tatarstan, Nga.
Châu Âu trả bao nhiêu để mua năng lượng của Nga?
Theo tính toán của các nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Bruegel ở Brussels, EU trả 450 triệu USD mỗi ngày cho dầu và 400 triệu USD mỗi ngày cho khí đốt nhập khẩu từ Nga. Điều đó có nghĩa là doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đang hỗ trợ ngân sách của Điện Kremlin, bổ sung vào dự trữ ngoại tệ có thể giúp Nga hỗ trợ đồng rúp và bù đắp một phần cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đóng băng phần lớn dự trữ ngoại tệ của Nga ở nước ngoài.
Châu Âu là khu vực mua dầu thô lớn nhất của Nga, chiếm 138 triệu tấn vào năm 2020 trong tổng số 260 triệu tấn xuất khẩu của Nga – tương đương 53%. Tổng thể, 25% nhu cầu dầu của Châu Âu được nhập từ Nga.
Các nhà phân tích của Bruegel cho rằng điều đó có nghĩa là các nước Châu Âu nên sẵn sàng áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu, chẳng hạn như miễn phí giao thông công cộng và khuyến khích dịch vụ đi chung ôtô. Nếu những cách thức này không hiệu quả, sẽ cần đến những biện pháp khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như lái xe theo biển chẵn lẻ. Các biện pháp tương tự đã được thực hiện trong lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của OPEC, khi Đức áp đặt các ngày Chủ nhật cấm ôtô.
Tác động đến thị trường dầu toàn cầu
Rất có thể giá dầu sẽ còn cao hơn nữa bởi dầu mỏ là hàng hóa toàn cầu. Điều đó có nghĩa là giá xăng, giá điện sẽ cao hơn, đẩy lạm phát cao hơn và là lực cản đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Nga có thể sẽ sản xuất và xuất khẩu ít dầu hơn sau khi mất khách hàng lớn nhất là Châu Âu. Các mặt hàng xuất khẩu của Nga không thể đơn giản được chuyển hướng từ Châu Âu lân cận sang Châu Á xa xôi do những hạn chế về vận chuyển và hậu cần. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có một sự xáo trộn lớn về dòng chảy dầu thô của thế giới.
Dù Nga có thể tìm được những người mua dầu thô khác như Ấn Độ, nhưng không chắc rằng Nga sẽ có thể bán toàn bộ lô hàng thường xuất khẩu cho Châu Âu.
Lệnh cấm của EU có ý nghĩa gì đối với giá xăng?
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ, khi giá dầu tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraina, giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng lên trên 4 USD/gallon và tiếp tục duy trì ở mức này kể từ đó. Mỹ cũng đang đến gần mùa hè, mùa cao điểm tiêu thụ xăng.
Tuy nhiên, một nhân tố làm giảm giá là việc chính quyền Tổng thống Joe Biden giải phóng dầu khẩn cấp từ kho dự trữ dầu chiến lược. Mỹ đang giải phóng khoảng một triệu thùng mỗi ngày trong vòng 6 tháng, tương đương với 180 triệu thùng.
Al Salazar – Phó Chủ tịch cấp cao của Enverus Intelligence – cho biết, nếu không có việc xả kho dầu dự trữ khẩn cấp, giá xăng sẽ thậm chí còn tăng cao hơn hiện tại. Nhưng rõ ràng có những dấu hỏi lớn về điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ đạt giới hạn 180 triệu thùng theo kế hoạch. Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thị trường dầu thô tại thời điểm đó.
Các nhà sản xuất dầu khác có thể tăng sản lượng không?
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+, đang ở vị trí tốt nhất để bù đắp cho nguồn cung bị mất, nhưng điều đó khó xảy ra. Đầu tiên, Nga là thành viên của OPEC+. Bất kỳ động thái nào chống lại Nga đều có nguy cơ gây nguy hiểm cho liên minh lâu nay vốn có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định giá dầu toàn cầu. Mối lo ngại lớn hơn là một số thành viên của OPEC+ đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch hiện tại do xung đột chính trị và tình trạng thiếu đầu tư. Các nước OPEC+ đã dần dần tăng sản lượng khoảng 430.000 thùng mỗi ngày kể từ mùa hè năm ngoái, trong một nỗ lực ổn định để trở lại mức sản xuất trước đại dịch. OPEC+ nhóm họp lại vào ngày 5.5 và phần lớn dự kiến sẽ duy trì các kế hoạch hiện tại là chỉ tăng dần sản lượng.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)