Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần có giáo viên tâm lý đúng nghĩa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh được học với các hình ảnh sinh động về tình bạn, tình thương yêu gia đình… trong tiết giáo dục công dân. Ảnh chụp tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM. Ảnh: Anh Khôi
Qua đọc các bài viết về vấn nạn bạo lực học đường trên Giáo dục TP.HCM (trang 7, ngày 3 và 6-4), tôi xin mạn phép có vài ý kiến thêm về vấn đề này – một thực trạng đang nóng bỏng hiện nay.
Học sinh không thích bạo lực
Có thể nói rằng đa số học sinh không bao giờ mong muốn bạo lực học đường xảy ra. Bạn bè cùng lớp đánh nhau là “vạn bất đắc dĩ”, do các cháu bế tắc trong hành xử các mối quan hệ thôi.
Từ vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây ở Trà Vinh, tôi liên tưởng đến chuyện xảy ra với con gái tôi khi cháu còn học trung học. Khi xảy ra chuyện xung đột giữa bạn bè, cháu thường chủ động trực tiếp dùng hết khả năng của mình để trao đổi, giải thích nhằm xóa bỏ những mâu thuẫn. Nhưng do thiếu kỹ năng xử lý xung đột, cháu đã gặp phải những hệ lụy đáng buồn là bị bạn cô lập, thậm chí là bị bạn đánh cho một trận tơi bời. Đúng là hình ảnh trong sáng, ngây thơ, vô tư, đáng yêu vốn có của tuổi học trò đã bị hoen ố nghiêm trọng bởi những hình ảnh không đẹp từ các vụ “tự xử” của một số học sinh. Nhất là những nữ sinh được coi là phái đẹp “chân yếu tay mềm” lại “xuất chiêu”. Bạo lực học đường xảy ra thật đáng buồn khi nguyên nhân hết sức đơn giản: Do không tuân theo ý định của “thủ lĩnh nhóm”, do xích mích nhỏ vì hiểu lầm, không cho xem bài kiểm tra…, và nguyên nhân chính do học sinh không có đủ kỹ năng sống để giải quyết. Các cháu tuổi teen là lứa tuổi tâm lý đang dần hoàn thiện nên khá nông nổi, khả năng kiềm chế kém. Nếu bị kích động là các cháu có thể “động thủ” ngay lập tức để thể hiện máu “anh hùng”. Nhiều cháu khi đến trường rất muốn thổ lộ với cô giáo chủ nhiệm để nhờ giúp đỡ nhưng sợ lộ bí mật, bị bạn bè tẩy chay. Ngày con gái tôi còn học ở bậc tiểu học, cháu đã bị đánh vì không chịu nghe lời một nhóm bạn hay gây gổ trong lớp. Cháu đã “cầu cứu” đến cô giáo chủ nhiệm. Có lẽ do không có nhiều thời gian tìm hiểu và thiếu kinh nghiệm về xử lý tình huống sư phạm nên cô giáo đã nổi giận gọi tên những bạn đã đánh con tôi vào phòng ban giám hiệu nhà trường và rao giảng những lý thuyết về tình bạn, lòng yêu thương con người. Sau sự kiện đó, gia đình tôi phải chuyển trường cho con vì cháu bị bạn bè xa lánh và rất sợ khi đến trường. Vẫn biết chuyển trường không phải là cách phù hợp nhất đối với cháu. Từ đó, nếu có mâu thuẫn gì với bạn bè, con tôi tự giải quyết hoặc đem ấm ức ở trường về giãi bày cùng cha mẹ. Nhưng nhiều tình huống xảy ra xích mích giữa các cháu, chúng tôi không thể giúp cháu giải quyết một cách triệt để. Không ít lần, cháu đã ngậm ngùi giấu nỗi lòng không biết chia sẻ cùng ai.
Cần có giáo viên tâm lý đúng nghĩa
Mong ước của phụ huynh là những tâm sự của học sinh cần phải được giữ bí mật, bởi các cháu rất ngại bị bạn bè cô lập, tẩy chay vì “mách lẻo” chuyện của chúng với người lớn. Người được học sinh gửi gắm niềm tin đó phải có đủ kiến thức, kỹ năng về tâm lý lứa tuổi để các cháu “tâm phục, khẩu phục”. Và theo chúng tôi, người có thể thực hiện được mong ước này chính là một giáo viên tâm lý đúng nghĩa. Phụ huynh cũng như các cháu học sinh cần một giáo viên tư vấn tâm lý được đào tạo cơ bản ở nhà trường, đảm nhiệm công việc góp ý, định hướng và gỡ rối cho các cháu khi gặp bất hòa, mâu thuẫn. Các cháu rất cần một giáo viên chuyên ngành tâm lý lứa tuổi học sinh để tâm sự, chia sẻ, bày tỏ những vướng mắc về tình bạn, tình yêu, về kỹ năng giải quyết hài hòa các mối quan hệ… Khi những ấm ức, nguyện vọng được giãi bày thì tâm trạng các cháu mới được thoải mái, sẽ tập trung học tốt hơn. Và quan trọng hơn hết là những băn khoăn, bức bối khi gặp mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh sẽ có nhiều cách hóa giải, sẽ giảm được chuyện bạo lực học đường không đáng có xảy ra.
Hiện nay, những giáo viên tâm lý đó được đào tạo cơ bản ở các khoa tâm lý tại trường ĐH sư phạm và nhiều trường ĐH khác. Chính những giáo viên tâm lý sẽ chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của học sinh để định hướng, chia sẻ chứ không chỉ dừng lại ở điểm tựa để các cháu tự tìm đến khi gặp vướng mắc, ức chế.
Lan Phương (Biên Hòa, Đồng Nai)
 
Bạo lực học đường xảy ra thật đáng buồn khi nguyên nhân hết sức đơn giản: Do không tuân theo ý định của “thủ lĩnh nhóm”, do xích mích nhỏ vì hiểu lầm, không cho xem bài kiểm tra…, và nguyên nhân chính do học sinh không có đủ kỹ năng sống để giải quyết. 

Bình luận (0)