Cùng với việc tăng giá xăng dầu và điều chỉnh giá cả một số mặt hàng thiết yếu do tác động của thị trường thế giới, trên thị trường trong nước xuất hiện hiện tượng một số mặt hàng cũng “vào hùa” tăng giá. Để ngăn chặn tình trạng nói trên nhằm mục tiêu bình ổn giá cả thị trường, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt biện pháp kiên quyết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú cho biết:
– Trước hết, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề không tăng giá điện, giá than, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo các DN sản xuất công nghiệp trực thuộc quyền quản lý sản xuất các mặt hàng trọng yếu cho xã hội, như: TCty Thép, TCty Giấy, TCty Hoá chất… phải kiềm chế không ồ ạt tăng giá, bằng các biện pháp tiết kiệm tối đa mọi loại chi phí để giảm giá thành, thậm chí sẽ có cả việc giảm lợi nhuận để duy trì biện pháp bình ổn giá.
Cụ thể, TCty Than sẽ giảm lợi nhuận khoảng 400 tỉ đồng; TCty Điện lực giảm lợi nhuận khoảng 400 tỉ đồng… Và khi những DN này duy trì được mức giá đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường thì những DN khác cũng khó mà viện lý do để “tát nước theo mưa”. Đây sẽ là những cố gắng rất lớn trong việc chỉ đạo sản xuất.
Còn trên lĩnh vực lưu thông hàng hoá, vấn đề nào sẽ được Bộ Công Thương “đưa” vào tham gia nhiệm vụ bình ổn giá cả trên thị trường, thưa ông?
– Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo các DN trong hệ thống của mình tổ chức tốt hệ thống phân phối, tăng mạnh sản xuất hàng hoá về số lượng, tăng lượng hàng hoá dự trữ để cung ứng cho thị trường trong những thời điểm cần thiết nhằm không có “kẽ hở” trên thị trường cho các đối tượng lợi dụng tung tin thiếu hàng hoá để lũng đoạn thị trường, đẩy giá cả hàng hoá lên cao như đã từng xảy ra.
Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương – mà trực tiếp là thông qua hệ thống các sở công thương ở các tỉnh – để kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động di chuyển, biến động của các hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu xã hội ở trên các địa bàn, để Bộ Công Thương và chính quyền các cấp cùng các ngành liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, nhằm bình ổn giá khi cần thiết.
Các hành vi vi phạm về quản lý giá cả bấy lâu nay, hình thức xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để răn đe. Trong thời điểm này sẽ có gì thay đổi không, thưa ông?
– Trước hết, Bộ Công Thương sẽ trực tiếp chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cương quyết thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua đó, sẽ xử phạt rất nghiêm khắc tất cả các đối tượng có hành vi “tát nước theo mưa” tăng giá gây bất ổn thị trường.
Để làm tốt được vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện và triển khai quy định về thực hiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lợi dụng để đầu cơ găm hàng tăng giá, tung tin thất thiệt… nhằm mục đích trục lợi, gây bất ổn giá cả thị trường trong lúc tình hình kinh tế khó khăn.
Việc xử phạt những hành vi vi phạm về giá trong thời điểm này sẽ phải được thực hiện rất nghiêm minh. Cụ thể như các loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ có điều kiện, có giấy phép chuyên ngành, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh… như giấy phép vận tải hành khách, giấy phép vận tải hàng hoá chẳng hạn…, nếu có vi phạm về giá thì sẽ lập tức bị áp dụng hình thức xử phạt rút giấy phép; thậm chí, sẽ bị rút giấy phép vĩnh viễn không cấp lại cho những đối tượng đã vi phạm về giá trong giai đoạn này.
Đây là những việc làm sẽ rất khó khăn, nhưng với mục tiêu bình ổn thị trường, Bộ Công Thương sẽ cùng các cơ quan chức năng sẽ làm kiên quyết để thực hiện tốt các yêu cầu bình ổn giá cả thị trường như đã nêu.
– Xin cảm ơn ông!
Công Thắng (laodong.com.vn)
Bình luận (0)