Người dân cả nước sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực một phần. Cao Bằng là địa điểm có thể quan sát rõ nhất, với tỷ lệ Mặt trăng che khuất Mặt trời lên đến 73,2%.
Theo ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ, do dải nhật thực quét từ phía bắc xuống nên ở Việt Nam, các địa phương càng gần biên cực bắc càng có cơ hội quan sát rõ, đặc biệt là Cao Bằng, với độ che phủ Mặt trời hơn 73%. Hà Nội cũng là địa điểm tốt để xem nhật thực. Thời gian có thể bắt đầu quan sát là khoảng 16-17h ở Cao Bằng, 17h30-18h ở Hà Nội (tại thủ đô, nhật thực đạt cực đại vào 18h30).
Với các tỉnh miền Trung và miền Nam, cơ hội xem nhật thực không nhiều vì lúc đó mặt trời đã xuống quá sát đường chân trời. Muốn xem được, người dân ở đây phải thật nhanh chân, chọn địa điểm rất cao và bầu trời thoáng đãng.
Để xem nhật thực, cần chọn một vị trí cao, không có vật cản che khuất tầm nhìn. Với khu vực xung quanh Hà Nội, đỉnh Ba Vì là một nơi khá lý tưởng, hoặc lên các tòa nhà cao tầng, nhìn về hướng Tây.
Ông Phường khuyến cáo không nên nhìn trực tiếp vào mặt trời bởi sẽ bị tổn hại mắt rất nặng. Ngay cả khi mặt trời sắp lặn, ánh sáng của nó cũng sẽ gây hại cho mắt nếu nhìn lên vẫn thấy chói. Bạn chỉ có thể nhìn bằng mắt thường nếu mặt trời sắp lặn có màu đỏ cam, chứng tỏ ánh sáng khi đến mắt bạn đã phải xuyên qua bầu khí quyển dày và bị hấp thụ rất nhiều.
Cũng theo các chuyên gia, nên quan sát nhật thực qua một tấm phim chụp ảnh, phim X-quang hay kính thợ hàn. Cũng có thể đặt tấm gương vào chậu nước có pha mực hay thuốc tím để làm dịu bớt ánh sáng. Tuy nhiên cách này không hiệu quả lắm với trường hợp mặt trời sắp lặn.
Để có thể chụp ảnh, quay phim nhật thực, bạn cần có máy ảnh độ phóng đại lớn, có bộ lọc chuyên dụng.
Tại Việt Nam lần này chỉ quan sát được nhật thực một phần vì nước ta nằm ở rìa dải nhật thực toàn phần, quét qua các nước ở vĩ độ cao. Thời gian nhật thực toàn phần thực sự kéo dài 2 phút 27 giây. Khi đó, mặt trăng sẽ che phủ hoàn toàn mặt trời, quét trên một dải hẹp của trái đất, từ rìa đông bắc của Canada, đến đầu mũi của Greenland, một phần Nga, Trung Quốc và Mông Cổ.
Một vùng rộng hơn nhiều sẽ có cơ hội nhìn thấy nhật thực một phần, là khi mặt trăng che phủ không toàn toàn mặt trời, bao gồm hầu hết châu Âu và châu Á, vùng đông bắc của Bắc Mỹ.
Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng đi vào khoảng giữa trái đất và mặt trời, che một phần ánh sáng chiếu xuống trái đất và tạo ra bóng tối tạm thời phủ xuống một phần hành tinh chúng ta. Và vì cả 3 thiên thể cùng quay, nên bóng tối quét một đường qua trái đất,
Lần gần đây nhất Việt Nam có nhật thực là ngày 29/3/2006. Sắp tới vào ngày 22/7/2009, thế giới cũng có nhật thực toàn phần và Việt nam cũng có thể quan sát hiện tượng này. Đây sẽ là lần nhật thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21, với thời gian che kín hoàn toàn đến 6 phút 39 giây. Nhưng nó diễn ra vào thời kỳ gió mùa và chỉ có thể nhìn thấy nếu thời tiết thuận lợi.
Thuận An – Hải Hà (theo Vnexpress.net)
Bình luận (0)