Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhật thực ngày 1-8: Ở Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu xảy ra lúc 15 giờ 04 phút 06 giây khi mặt trăng đi vào quỹ đạo của mặt trời và sẽ kết thúc vào lúc 19 giờ 38 phút 37 giây. Trong khi đó, nhật thực toàn phần xảy ra từ lúc 16 giờ 11 phút 07 giây và kết thúc lúc 18 giờ 21 phút 28 giây (tính theo giờ Hà Nội). Và thời gian cực đại của nó là lúc 17 giờ 21 phút 08 giây. Đó là giờ khắc mà những nhà thiên văn học đã dự đoán từ trước và sự chờ đợi của người dân đang hân hoan chờ đón thời khắc chị Hằng “lấn sân ông bố khó tính”. Để thông tin thêm về hiện tượng tự nhiên kỳ thú này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Phường (ảnh), Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam.

Không còn là hiện tượng xa lạ gì đối với các nhà khoa học về lĩnh vực vũ trụ, bởi ngay trong thế kỷ 21 này, hiện tượng nhật thực cũng đã diễn ra tới 5 lần. Còn trong quá khứ, hiện tượng này cũng đã xuất hiện khá nhiều. Là một hiện tượng khoa học lý thú của thiên nhiên, không chỉ có các nhà khoa học mới quan sát được mà giờ đây người bình thường cũng có thể quan sát, chiêm ngưỡng. Nhật thực lần này sẽ xảy ra vào ngày 1-8, gồm hai vùng: vùng nhật thực toàn phần và vùng nhật thực một phần.

PV: Thưa ông, nhật thực toàn phần và nhật thực một phần khác nhau ở chỗ nào?

Ông Nguyễn Đức Phường Vùng nhật thực toàn phần chỉ quan sát thấy trong một dải hẹp có bề rộng là 236,9km, kéo dài nửa vòng trái đất, bắt đầu từ Canada, dọc theo Bắc đảo Greenland, trung tâm nước Nga, Trung Quốc và Mông Cổ. Vì nó là một dải hẹp nên chỉ những vùng nào nằm trong phạm vi quét qua của dải nhật thực toàn phần mới quan sát được toàn bộ đĩa mặt trăng che lấp mặt trời. Nhật thực toàn phần bắt đầu xảy ra từ 16 giờ 11 phút, kéo dài khoảng 3 giờ, đến 18 giờ 21 phút thì kết thúc. Thời điểm đạt cực đại của nhật thực toàn phần sẽ kéo dài trong vòng 2 phút 27 giây vào lúc 17 giờ 21 phút (giờ Hà Nội) tại khu vực Bắc nước Nga. Và, duy nhất chỉ có vùng này mới quan sát được nhật thực toàn phần đạt cực đại. Ở Việt Nam, người dân chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần.

Tại sao ở Việt Nam chúng ta lại chỉ quan sát được nhật thực một phần?

– Bởi dải nhật thực toàn phần chỉ quan sát được trong một vùng rất hẹp. Do đó, ở Việt Nam không thể quan sát được nhật thực toàn phần, mà chỉ quan sát được nhật thực một phần.

Cao Bằng là địa điểm có thể quan sát được tỷ lệ mặt trăng che khuất mặt trời lớn nhất là 73,2%. Tại Hà Nội, quan sát được diện tích mặt trời bị che khuất khoảng 67,3% vào lúc 18 giờ 35 phút (nhật thực đạt cực đại). Tuy nhiên, có thể bắt đầu quan sát được từ lúc 17 giờ hơn. Và, hầu hết các vùng trên lãnh thổ Việt Nam đều có cơ hội quan sát được nhật thực một phần trong ngày 1-8 này. Song, do vệt nhật thực quét từ Bắc vào Nam nên các tỉnh càng gần cực Bắc của Việt Nam thì quan sát được càng rõ, còn các tỉnh phía Nam sẽ rất khó để quan sát được. Vì, TP.HCM lúc đó mặt trời đã rất gần đường chân trời nên khả năng quan sát được là rất ít.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ở Việt Nam không thể quan sát được nhật thực một phần vào dịp này, ông giải thích ra sao?

– Có thể đó là thông tin từ một số nhà khoa học không chuyên sâu về lĩnh vực này, nên họ tính toán thời điểm nhật thực một phần xảy ra tại Việt Nam chưa chính xác. Vào lúc 18 giờ 35 phút tại Hà Nội, nhật thực một phần sẽ đạt cực đại, vì bây giờ là mùa hè nên vào thời điểm này vẫn có thể quan sát được khá tốt. Tuy vậy, do thời điểm này mặt trời đã khá gần đường chân trời nên phải đứng trên cao và nhìn về hướng tây. Lần này, nhật thực xuất hiện vào tầm chiều tối nên mặt trời đã đi qua một lớp khí quyển dày, lớp khí quyển sẽ hấp thu lượng ánh sáng mặt trời nên ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không hề có hại.

Nhật thực có phải là một hiện tượng phổ biến?

– Nhật thực và nguyệt thực đều là những hiện tượng quy luật của tự nhiên, các nhà khoa học dựa vào sự chuyển động của mặt trăng và mặt trời nên có thể dự đoán được chính xác thời gian xảy ra, và kéo dài trong bao lâu.

Thường thì một năm xảy ra ít nhất 2 lần nhật thực, thậm chí có năm xảy ra 3-4 lần. Nguyệt thực thì chu kỳ xảy ra ít hơn. Có thể thấy, nhật thực xảy ra khá phổ biến, nhưng không ít người dân ở những vùng sâu, vùng xa lại cho rằng đó là hiện tượng bí ẩn thuộc về tâm linh, ghê gớm lắm.

Vào ngày 24-10-1995 nhật thực toàn phần đã xảy ra ở Phan Thiết. Đợt nhật thực toàn phần tới sẽ xảy ra vào ngày 22-7-2009. Trong lần nhật thực này, dải nhật thực toàn phần bắt đầu từ Ấn Độ, qua Nepal, Trung Quốc sau đó đi vào phía Nam của Thái Bình Dương. Còn dải nhật thực một phần sẽ được quan sát thấy ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Khánh (thực hiện)

Bình luận (0)