Khi tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, HCDC khuyến cáo cần lưu ý “hiệu ứng tâm lý” của trẻ. Khâu tổ chức phải đảm bảo một chiều tránh trẻ tiêm cùng lúc 2 mũi…
Quy trình tiêm chủng cho trẻ lưu ý đến hiệu ứng tâm lý khi tiêm chủng (ảnh minh họa)
Lưu ý “hiệu ứng tâm lý” khi tiêm cho trẻ
Trong chương trình tập huấn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mới đây, bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư (Phụ trách tiêm chủng HCDC) cho hay, quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi phải đảm bảo nghiêm ngặt an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch.
Cụ thể: phụ huynh sẽ cầm phiếu đồng ý tiêm chủng dẫn học sinh đến khu vực khám sàng lọc. Tại đây bác sĩ sẽ khám và chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm cho trẻ. Phụ huynh sau đó sẽ dẫn trẻ đến bàn tiêm. Sau khi tiêm xong trẻ sẽ được cấp giấy xác nhận đã tiêm chủng, được theo dõi và khám lại sau tiêm.
Đại diện HCDC cho biết, trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm cộng đồng. Với trẻ không đi học sẽ được tiêm tại điểm tiêm lưu động trên địa bàn. Với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện có chuyên khoa nhi vào thời điểm tiêm chủng sẽ được tiêm tại bệnh viện.
Lưu ý quy trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại trường học, bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư chỉ rõ, trường học phải đảm bảo điều kiện mặt bằng tương ứng với số đội tiêm và số trẻ; Bố trí đầy đủ chỗ ngồi cho phụ huynh, học sinh; Nơi chờ tiêm phải rộng, thoáng, bố trí khuất nơi tiêm, có nước đường. Có thể trang bị thêm bánh, sữa để tránh trường hợp trẻ mệt, đói dẫn đến trẻ ngất, ảnh hưởng đến quá trình tiêm chủng; Khu vực tiêm nên tránh ánh nắng chiếu vào, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ; Nơi khám tiêm phải rộng, có đủ ghế ngồi cho trẻ. Nên có phòng tiêm hoặc vách ngăn để tránh hiệu ứng lây lan tâm lý.
“Hiệu ứng lây lan tâm lý khi tiêm vắc-xin đã gặp phải trong đợt tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Một số trường ở quận 3, 5 đã ghi nhận các chùm trường hợp nhập viện do phản ứng tâm lý. Khi vào bệnh viện, bác sĩ xác nhận do tâm lý. Trong những trường hợp mà HCDC được báo cáo thì đó là những chùm 5, 7 hoặc 10 trường hợp. Nếu chúng ta tổ chức tiêm chủng không tốt thì rất dễ dẫn đến việc lây truyền tâm lý, làm ảnh hưởng đến nhiều trẻ khác. Việc có vách ngăn là để tránh đối tượng trẻ ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi khu vực kia”, bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thư, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tâm lý chưa ổn định, vì thế nơi xử trí phản ứng sau tiêm tại điểm tiêm cần được bố trí làm sao để trẻ không thấy được quá trình xử trí, tránh trường hợp trẻ đang đợi tiêm hoặc đang tiêm mà thấy trường hợp phản ứng sau tiêm thì dễ rơi vào phản ứng tâm lý, dễ dàng ngất theo.
Đặc biệt, bác sĩ Minh Thư khuyến cáo, quy trình tiêm chủng cần phải đảm bảo một chiều, có nhân viên hướng dẫn đầy đủ trẻ từ khu vực này sang khu vực kia để tránh trẻ tiêm 2 mũi trong 1 buổi tiêm. Trẻ chỉ được cấp giấy xác nhận tiêm chủng khi đã được tiêm, tuyệt đối không cấp trước khi trẻ chư tiêm.
“Đây là tình huống đã từng xảy ra trong đợt tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. HCDC đã ghi nhận có nhiều tình huống vì sợ tốn thời gian mà ghi giấy xác nhận sau tiêm trước khi trẻ được tiêm. Điều này sẽ dẫn đến 2 hệ lụy: trẻ có thể tiêm nhầm 2 mũi và trường hợp này đã từng xảy ra. Hoặc nếu ghi giấy xác nhận trước thì trẻ có thể từ chối chưa tiêm”, bác sĩ Minh Thư nói.
TP.HCM có khoảng 970.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Thư cho rằng mỗi trường nên có một nhân viên hướng dẫn, điều phối buổi tiêm chủng để phụ huynh đưa trẻ đi đúng lộ trình. Việc tiêm chủng nên tổ chức tiêm theo đơn vị từng lớp, tiêm hết lớp này mới đến lớp khác để dễ dàng quản lý trẻ. Trước khi tiêm chủng nhà trường cần phải lấy đồng thuận, tránh trường hợp trẻ. đến điểm tiêm mới lấy đồng thuận sẽ dẫn đến việc phải trả lại vắc-xin…
Đảm bảo an toàn tiêm chủng
Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 970.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, 950.000 trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục và 20.000 trẻ ngoài nhà trường.
Ngành giáo dục hiện đang tiến hành lấy đồng thuận tiêm vắc-xin cho trẻ ở phụ huynh. Từ tỷ lệ đồng thuận tiêm, địa phương sẽ tập hợp hồ sơ, nhập dữ liệu, đăng ký điểm tiêm phối hợp với ngành y tế để thẩm định điểm tiêm, bố trí số lượng nhân viên y tế phù hợp. Theo nhiều địa phương, hiện nay tỷ lệ đồng thuận tiêm thấp nhất là ở lứa tuổi mầm non do trẻ còn nhỏ, phụ huynh còn nhiều băn khoăn về an toàn tiêm chủng, phản ứng sau tiêm.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho hay, việc tiêm vắc-xin hiện nay dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh song là quyền lợi của trẻ vì thực tế cho thấy vắc-xin vẫn là lá chắn phòng dịch tốt nhất. Vì thế, nhà trường, giáo viên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng sự đồng thuận cao nhất.
Lãnh đạo sở giáo dục lưu ý, đối tượng tiêm lần này trẻ 5 đến dưới 12 tuổi còn khá nhỏ. Do vậy rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và ngành y tế, đảm bảo an toàn cao nhất trong tiêm chủng cho trẻ.
“Khi có kế hoạch tiêm, địa phương phải thực hiện theo đúng kế hoạch. Nếu có điều chỉnh điểm tiêm, đối tượng tiêm thì phải có báo cáo, tránh trường hợp nay thông báo mai điều chỉnh. Lần này tôi khuyến cáo các địa phương, nhà trường quán triệt trong khâu tổ chức, tuyệt đối không chạy theo điều chỉnh để đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, dễ dàng theo dõi được quá trình tiêm của trẻ”, ông Dương Trí Dũng đề nghị.
Giang Quân
Bình luận (0)