Mỗi ngày trung bình TP.HCM vẫn ghi nhận 200 ca F0 trong trường học. Dù vậy, các nhà trường đã rất chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái. Tới đây thành phố sẽ có điều chỉnh về Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học để phù hợp hơn với tình hình mới.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp
Trường học chủ động dù F0 tăng cao
Trong 1 tuần dạy và học trực tiếp (từ ngày 5 đến 10-3), Trường THPT Bình Phú (Q.6) xuất hiện 137 ca nghi nghiễm học sinh trong đó 3 ca phát hiện tại trường, cùng 9 giáo viên F0.
Cô Hồ Thị Xuân Phương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, công tác phòng chống dịch của trường hiện đươc siết chặt. Nhà trường khử khuẩn, hướng dẫn cách ly học sinh. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch của học sinh.
Thời điểm này, huyện Cần Giờ có 24 lớp/510 lớp đang học trực tuyến, tập trung chủ yếu ở bâc tiểu học với 18 lớp. Dù số F0 trong nhà trường vẫn cao song theo bà Võ Thị Diễm Phượng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện), các nhà trường ngày càng chủ động, linh hoạt thích ứng với các tình huống khi có F0 xuất hiện trong trường.
Hiệu trưởng nhà trường chủ động liên hệ với trạm y tế địa phương, từ đóng góp của y tế để quyết định lớp học chuyển sang học trực tuyến hay vẫn duy trì trực tiếp.
“Dự kiến sang đầu tuần sau các lớp sẽ đi học trực tiếp trở lại. Ngay khi UBND TP.HCM có văn bản điều chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch trong nhà trường, phòng GD-ĐT đã chủ động đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện, phối hợp với trung tâm y tế huyện, phòng giáo dục huyện, tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng, y tế trường để thống nhất nội dung về phương án xử trí trường hợp F0 xuất hiện trong trường”, bà Võ Thị Diễm Phượng chia sẻ.
Về việc trang bị kit test, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ cho hay trước đó phòng đã chủ động tham mưu UBND huyện cấp cho mỗi trường 50 bộ. Với nguồn hỗ trợ từ thành phố, phòng đã cho rà soát lại tình hình thực tế của các trường để phân bổ hợp lý.
Q.Bình Thạnh là một trong những địa phương có số ca nghi nhiễm trong trường học khá cao. Tuy nhiên hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã cơ bản kiểm soát được nguy cơ lây lan trong nhà trường, chủ động chuyển đổi hình thức dạy học trong từng tình huống, đảm bảo an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.
“Thời gian đầu khi số F0 trường học tăng cao, các nhà trường còn lúng túng song với với sự hỗ trợ của y tế địa phương, sự linh hoạt của các nhà trường tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát. Những học sinh F0 đã quay trở lại trường học. Đồng thời nhà trường cũng quan tâm tuyên truyền, vận động phụ huynh để tạo sự an tâm, tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để rèn luyện kiến thức, kỹ năng cho học sinh, hoàn thành nhiệm vụ năm học và nâng cao chất lượng giáo dục…”, đại diện phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh chia sẻ.
Rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, số ca nhiễm Covid-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP hiện vẫn chưa có chiều hướng giảm. Trung bình mỗi ngày vẫn ghi nhận 200 ca nghi nhiễm tại các trường, ở tất cả các bậc học.
Trước diễn biến dịch hiện tại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh, các trường cần tập trung hoạt động phòng chống dịch, tiếp tục linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch giáo dục tại nhà trường, phù hợp với tình hình từng đơn vị.
Trong đó, các hoạt động nội trú, bán trú, căng tin trong nhà cần phải hết sức chú trọng, làm sao đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy học và đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất cho học sinh.
“Tới đây Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ phối hợp kiểm tra, rà soát lại Bộ tiêu chí an toàn trường học, trình UBND TP sớm ban hành bộ tiêu chí mới phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Sẽ có những điều chỉnh bắt buộc nhà trường phải ưu tiên. đảm bảo về khoảng cách, tiêm vắc-xin, hạn chế tối đa lây lan trong nhà trường, nhất là trước biến chủng mới. Đơn vị nào chưa đủ điều kiện thì không được tổ chức bán trú, nội trú, căng tin, nhằm tránh lây lan dịch trong nhà trường…”, ông Dương Trí Dũng nói.
Một lưu ý nữa khi dạy và học trực tiếp, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, khi xuất hiện F0 trong nhà trường, trường học phải chuyển thông tin các em về y tế địa phương nơi học sinh cư trú thì địa phương mới có thể chăm sóc, theo dõi các em.
KIT XÉT NGHIỆM SẼ ĐƯỢC CẤP PHÁT THEO NHU CẦU THỰC TẾ TỪNG TRƯỜNG Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng cho hay, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 (kit xét nghiệm) được trang bị, cấp từ nguồn ngân sách. Vì vậy, khi nhà trường thực hiện tầm soát cần có theo dõi và phản hồi về ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và phòng GD-ĐT để có sự điều chỉnh, bổ sung sinh phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của từng trường. Kit xét nghiệm sẽ được cấp phát theo nhu cầu thực tế các đơn vị. Đơn vị cần số lượng sử dụng nhiều thì phải thông tin kịp thời, đề xuất để hỗ trợ.
|
“Học sinh F0 phải thực hiện điều trị theo quy định của y tế, khi hết thời gian cách ly, điều trị thì y tế xác định các em hoàn thành, được quay lại trường học. Nhà trường không nên cứng nhắc áp dụng chuyên cần của học sinh trong các trường hợp này, có thể sẽ gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt thòi cho học sinh.
F0 là bệnh nhân của ngành y tế nên cần phải được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, trong đó sức khỏe phải được ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phối hợp với y tế chăm sóc, theo dõi các em.
Cũng liên quan đến học sinh là F0, Phó Giám đốc Dương Trí Dũng nêu rõ, đây là những học sinh đang có bệnh. Vì vậy, ưu tiên trước hết là để các em nghỉ ngơi điều trị. Nếu các em không có triệu chứng, phụ huynh có yêu cầu thì khi đó nhà trường, giáo viên mới sắp xếp thời gian để các em học trực tuyến. Tuyệt đối không được ép học sinh F0 học trực tuyến trong thời gian này.
Yến Khương
Bình luận (0)