Cuộc thi “Sáng tạo công nghệ vì vấn đề lương thực thực phẩm” không chỉ là sân chơi giúp HS giao lưu, trải nghiệm, thử sức mình trong môi trường nghiên cứu của giảng đường đại học mà còn là cơ hội để các bạn HS thể hiện sự quan tâm của mình đến các vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh lãng phí nguồn lương thực, thực phẩm…
Tham gia cuộc thi, các bạn học sinh được trải nghiệm nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học
Những sáng tạo hữu ích
Cuộc thi U-Invent mùa 4 do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VN-UK) tổ chức vào đầu tháng 3-2022 đã thu hút 300 HS trên địa bàn thành phố quan tâm và tham gia. Trong số hàng chục đề tài mang đến cuộc thi, có nhiều đề tài được đánh giá chất lượng và có tính ứng dụng cao.
Xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân cuộc thi, team các bạn HS đến từ Trường THPT Hòa Vang (huyện Hòa Vang) mang đến cuộc thi sản phẩm hộp đựng thực phẩm làm từ rơm, bã mía… Lê Thị Nhung Nguyệt, HS lớp 11 – Trưởng nhóm cho biết: “Xuất phát từ thực trạng các hàng quán thường sử dụng hộp xốp, nhựa, túi nilon để bán thức ăn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nên nhóm đã đưa ra sáng kiến làm hộp đựng thực phẩm từ các loại nguyên liệu nông nghiệp có sẵn ở Hòa Vang. Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, sáng tạo, nhóm đã sáng chế thành công loại hộp làm từ rơm, bã mía rất an toàn với sức khỏe con người, giá cả phải chăng và có thể tái chế”. Theo nhóm, để hoàn thành chiếc hộp phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc đi thực tế tìm hiểu nguồn nguyên liệu rồi làm sạch, khử khuẩn các bã mía, rơm thu về sau đó mới tiến hành ép và đặc biệt là không dùng chất kết dính hóa học. Ước tính mỗi chiếc hộp sản xuất đơn lẻ có giá 5 ngàn đồng nhưng nếu sản xuất số lượng lớn, giá thành giảm xuống khoảng 3 ngàn đồng/hộp. Hộp sau khi sử dụng đựng thực phẩm xong có thể tiếp tục tái chế thành đất trồng cây. Nhóm cũng đưa ra giải pháp để tiết kiệm chi phí thì sẽ thu mua lại hoặc quy đổi bằng các sản phẩm có giá trị tương đương. So với thị trường, các loại hộp khác tương đương giá nhưng không tái sử dụng được.
Nhóm 4 HS đến từ Trường THPT Phan Châu Trinh và THPT chuyên Lê Quý Đôn đã thuyết phục ban giám khảo cuộc thi để đoạt giải nhì bởi ứng dụng quản lý thực phẩm trên điện thoại F004Scan. Võ Vân Nguyên (HS lớp 12, Trường THPT Phan Chu Trinh) trưởng nhóm cho biết: “Nhóm đã làm thử nghiệm trên các dòng chuối, ở một nguồn nhập để làm thí nghiệm, phân tích lấy chỉ số thành phần dinh dưỡng. Chỉ cần quét mã QR thực phẩm qua app thì sẽ hiển thị nguồn gốc, chất lượng, thời hạn sử dụng và lời khuyên dùng. Tương lai, nhóm sẽ phát triển trên các dòng thực phẩm khác”.
Nhóm 5 bạn HS đến từ 3 trường: THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh và THPT chuyên Lê Quý Đôn đã kết hợp ý tưởng để tạo ra bộ xử lý thông tin giúp mọi người dễ dàng quản lý được lượng thực phẩm trong tủ lạnh một cách hiệu quả, hạn chế được tối đa sự lãng phí. Thái Trần Nhật Huy – thành viên của nhóm cho biết, với bộ xử lý thông tin này yêu cầu chúng ta in ra mã QR để dán lên vỏ thực phẩm. Sản phẩm có mã QR dán sẵn được mua về khi đưa qua thiết bị thì phần camera sẽ quét mã QR và truyền thông tin đó đến bộ xử lý thông tin. Từ bộ xử lý thông tin thì những thông tin về ngày và giờ sản xuất sẽ được hiển thị qua màn hình LCD đồng thời thông tin ấy sẽ được truyền qua một chiếc app “Miracle Scanner”. Bộ lưu trữ của sản phẩm sẽ lưu tất cả các thông tin về sản phẩm cho đến khi sản phẩm hết hạn thì chiếc app sẽ báo về điện thoại cho người dùng đồng thời bộ phận âm thanh của sản phẩm sẽ phát ra âm thanh giúp cho người dùng biết được sản phẩm đã hết hạn. “Trong tương lai, nhóm sẽ phát triển thêm các bộ phận khác như cảm biến nhận biết mùi, đo nồng độ khí CH4 CO2 từ thực phẩm hết hạn. Quét được thực phẩm mua từ chợ, tạp hóa và các cửa hàng khác ngoài siêu thị. Phát triển thêm về màn hình hiển thị, phân loại được nhiều loại thực phẩm. Nâng cấp thêm các chức năng của app “Miracle warehouse” như những lời tuyên truyền với người dùng tác hại của thức ăn quá hạn cũng như nhắc nhở mọi người không lãng phí đồ ăn”, Nhật Huy cho biết thêm.
Trải nghiệm STEM ở môi trường đại học
Sân chơi U-Ivent không đơn thuần là một cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ. Đây còn là những tiết học ứng dụng STEM giúp HS trải nghiệm vừa học vừa thực hành trong môi trường đại học. Võ Vân Nguyên chia sẻ: “Dịch Covid-19 khiến việc học cũng như tham gia cuộc thi gặp nhiều khó khăn. Thay vào đó, em cùng các bạn có rất nhiều trải nghiệm thực tế. Đó là sự tin tưởng lẫn nhau. Được các anh chị sinh viên và giảng viên ở VN-UK hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thiện sản phẩm. Lúc đầu em chỉ muốn tham gia vui chơi, tìm hiểu cảm giác nghiên cứu ở đại học nó như thế nào. Nhưng sau thời gian tham gia, em học hỏi được nhiều từ kỹ năng làm việc cho đến được định hướng con đường nghiên cứu khoa học”.
Cuộc thi thu hút gần 300 học sinh THPT tham gia với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao
Đến từ ngôi trường vùng ven, Nhung Nguyệt bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia sân chơi hữu ích. Trong 3 tháng qua, em và các bạn không chỉ trải qua những giờ phút thi đấu, cạnh tranh trực tiếp mà còn được tham gia các buổi huấn luyện hàng tuần về tư duy thiết kế, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình; được cập nhật/giới thiệu công nghệ từ các chuyên gia đầu ngành; Được hướng dẫn và đồng hành cùng đội ngũ cố vấn/huấn luyện viên – là giảng viên và các chuyên gia đầu ngành tại doanh nghiệp ở các lĩnh vực công nghệ, kinh tế xã hội trên từng bước đường biến ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm khoa học công nghệ hữu hình, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Các đội thi cũng được hỗ trợ về không gian làm việc và thí nghiệm tại Không gian sáng chế và phòng lab của VN-UK”.
TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương – Giám đốc VN-UK chia sẻ, làn sóng khởi nghiệp cùng sự phát triển thần tốc của KHCN, đặc biệt từ năm 2019 khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, đã khẳng định số hóa là lẽ sống còn. Định vị bản thân là một tổ chức giáo dục tiên phong trong đổi mới phát triển, từ năm 2018, VN-UK đã triển khai tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo dành cho HS THPT U-Invent, dựa trên mô hình Invent for the Planet (IFTP) được tổ chức thường niên bởi Đại học Texas A&M (Hoa Kỳ). Theo định hướng phát triển mô hình giáo dục STEM tại Đà Nẵng, Cuộc thi U-Invent đã được VNUK tổ chức thường niên dành cho các bạn HS THPT trên địa bàn với mong muốn tạo sân chơi thú vị và bổ ích cho các bạn HS THPT trong toàn thành phố tham gia nghiên cứu, sáng tạo KHCN, kỹ thuật, vận dụng kiến thức học đường để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Tham gia U-Invent, các thí sinh được trao cơ hội huấn luyện từ các chuyên gia đang hoạt động trong ngành, được tư vấn và hoàn thiện ý tưởng của mình trong quá trình “thai nghén” các sản phẩm/dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết thực của cuộc sống hay cộng đồng xung quanh.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)