Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT sẽ được triển khai đầu tiên ở lớp 10 trong năm học 2022-2023. Nhiều điểm mới của chương trình đang khiến học sinh, phụ huynh, thậm chí là giáo viên quan tâm, lo lắng…
Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh sớm được định hướng nghề nghiệp một cách phù hợp nhất
Dù là học tự chọn song các nhà giáo dục khẳng định, sẽ không có chuyện học sinh không chọn môn học nào thì suốt 3 năm THPT sẽ không được tiếp cận kiến thức môn học đó.
Theo Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, học sinh sẽ học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục địa phương. Cạnh đó, học sinh sẽ học 2 môn tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2; Cùng với đó là 5 môn học tự chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm môn khoa học tư nhiên (vật lý, hoá học, sinh học), nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).
Cô Hoàng Thị Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức) khẳng định, chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT dù phát triển theo định hướng giáo dục hướng nghiệp song vẫn hướng tới mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh. Như vậy, sẽ không có chuyện học sinh không lựa chọn môn học nào thì sẽ không được tiếp cận kiến thức môn học đó trong suốt 3 năm THPT.
“Một số môn học trong nhóm môn tự chọn sẽ có các chuyên đề học tập, học sinh sẽ được chọn các chuyên đề phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các em và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Như vậy, với các chuyên đề này, căn cứ theo khả năng tổ chức của nhà trường, các em sẽ được tiếp cận với các kiến thức ở các môn học mà các em không lựa chọn”, cô Hảo cho hay.
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, với chương trình GDPT 2018 các trường THPT đã có tới 4 năm để chuẩn bị, nên không thể nói là bị động, lúng túng được.
Từ 2018, trong phương hướng nhiệm vụ bậc trung học hàng năm, Sở GD-ĐT đều nhắc nhở các trường phải xây dựng chiến lược. Vì thế, hiệu trưởng các trường THPT đều phải có sự hình dung, chuẩn bị để sẵn sàng triển khai một cách chủ động và hiệu quả nhất Chương trình GDPT 2018 khi đến thời điểm triển khai.
“Sự chuẩn bị ở đây bao gồm chuẩn bị về nguồn lực, cơ sở vật chất, kịch bản, chương trình để thực hiện chương trình. Nếu các trường có sự nghiên cứu, đánh giá, chuẩn bị từ sớm thì chắc chắn sẽ không gặp khó khi triển khai. Việc các nhà trường gặp khó trong cách thức thực hiện thi”, ông Hồ Tấn Minh nói.
Để chuẩn bị cho việc tổ chức chọn lựa sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu dạy học tự chọn và dạy học các môn học thuộc nhóm môn lựa chọn (THPT) theo Chương trình GDPT 2018 tại các cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị lãnh đạo các đơn vị rà soát điều kiện thực hiện tại đơn vị. Đối với cấp THCS, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát tình hình đội ngũ giáo viên giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học môn tự chọn; xây dựng kế hoạch triển khai dạy học môn tự chọn đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đối với cấp THPT, hiệu trưởng các trường rà soát lại tình hình đội ngũ giáo viên giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học môn tự chọn và các môn học thuộc nhóm môn lựa chọn; xây dựng kế hoạch triển khai dạy các môn học tự chọn và các môn học thuộc nhóm môn lựa chọn đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Việc báo cáo gửi về Sở GD-ĐT trước ngày 31-3. Năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp tục được thực hiện cuốn chiếu ở bậc lớp 3, 7, 10 cùng với khối lớp 1, 2. Tại TP.HCM, thực hiện Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới hiện các cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn về tổ chức dạy học ở các môn học tự chọn như âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 do thiếu nhân sự. Riêng bậc THPT, việc thiết kế các môn học thuộc nhóm môn lựa chọn cũng khiến nhiều trường lúng túng. |
Khi học sinh trúng tuyển vào lớp 10, lúc đó nhà trường mới tư vấn để giúp các em lựa chọn các nhóm môn học theo nguyện vọng, sở thích, giúp các em dễ dàng định hướng nghề nghiệp sau này một cách sát nhất, phù hợp nhất. Nhiệm vụ của nhà trường là thông tin đến học sinh, phụ huynh rằng nhà trường có bao nhiêu giáo viên lý, hoá, sinh, sử…, cấu trúc của nhà trường sẽ có bao nhiêu lớp ở các môn học tự chọn để học sinh chọn. Căn cứ vào những thông tin này, học sinh, phụ huynh sẽ nghiên cứu để lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, Chương trình GDPT 2018 còn có 105 tiết chuyên đề ở các nhóm môn, tuỳ theo điều kiện thực tế của trường để tổ chức. Với những học sinh chọn lý, hoá, sinh thì các tiết chuyên đề này các em có thể tiếp tục chọn chuyên đề lý, hoá, sinh để học hoặc chọn thêm các chuyên đề học tập ở các bộ môn khác trong nhóm môn tự chọn mà các em không lựa chọn học.
“Việc chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT mà tới đây là lớp 10 được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu, giúp học sinh sớm xác định được năng lực, sở trường của bản thân để chọn các ngành nghề phù hợp là hết sức cần thiết. Dù vậy, triển khai thế nào cho hiệu quả, hợp lý nhất lại còn phụ thuộc nhiều vào cách thức tổ chức của mỗi nhà trường – mà ở đây là sự chủ động, mạnh dạn, nghiên cứu bài bản của hiệu trưởng mỗi đơn vị”, ôn Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.
Yến Khương
Bình luận (0)