Đó là tên của một chương trình thúc đẩy học nghề, phân luồng đào tạo do các báo Giáo Dục, Tuổi Trẻ, Kinh tế Sài Gòn và Quỹ Thời báo Kinh tế Sai Gòn tổ chức trong thời gian gần đây. Kế hoạch “ Nhất nghệ tinh” (NNT), dự kiến các hoạt động: xây dựng quỹ học bổng dành cho học sinh học nghề, tổ chức hội thảo phân luồng đào tạo, tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp, tổ chức thi tay nghề và vận động hỗ trợ trang thiết bị nâng cấp trường nghề.
Đến nay, chương trình học bổng đã được hai báo Tuổi Trẻ và Giáo Dục vận động (từ tháng 5) đạt kết quả tốt. Nhiều doanh nghiệp và hàng chục trường trung cấp, cao đẳng đại học có hệ trung cấp đã xây dựng nên quỹ học bổng trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và các suất miễn (100%) hoặc giảm (50%) học phí. Dự kiến năm đầu tiên chương trình học bổng này sẽ hỗ trợ cho khoảng 300 học viên trung cấp nghề (hoặc chuyên nghiệp) với mỗi suất bình quân 8 triệu đồng, cho cả khóa học. Năm nay học bổng NNT chỉ nhằm giúp bạn trẻ khó khăn về kinh tế có điều kiện học trung cấp, chưa tính tới các đối tượng học nghề ngắn hạn. Theo tiến độ chương trình, khoảng tháng 10, học bổng Nhất nghệ tinh sẽ được tổ chức xét chọn và trao cho học viên.
Cũng theo kế hoạch, một ngày hội tư vấn nghề nghiệp sẽ được báo Giáo Dục tổ chức nhằm định hướng bạn trẻ học nghề, góp phần cùng ngành giáo dục phân luồng đào tạo. Năm nay, ngày hội này sẽ được tổ chức với chủ đề “Bước kế tiếp cho tương lai”, sớm hơn so với dự kiến của chương trình NNT, do kết hợp để tư vấn giúp thí sinh chọn nguyện vọng 2-3, kỳ thi tuyển sinh đại học 2009. Ngày hội sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16 tới đây tại Nhà hát Hòa Bình. Một trong những điểm nhấn của ngày hội sẽ là hoạt động định hướng học sinh vào trung cấp nghề hoặc chuyên nghiệp với sự tham gia tư vấn, triển lãm của hàng chục trường nghề.
Bên cạnh, chương trình NNT cũng phác họa kế hoạch thông tin quảng bá rộng rãi gồm các hoạt động tổ chức hội thảo khoa học- thực tiễn về các vấn đề liên quan đến khuyến khích học nghề; nâng cao chất lượng dạy và học nghề; các hoạt động tôn vinh nghề nghiệp theo hướng “nhất nghệ tinh , nhất thân vinh”, khắc họa chân dung các bạn trẻ thành đạt xuất thân từ trường nghề, cống hiến sức lao động vì sự nghiệp phát triển kinh tế, cộng đồng. Đó sẽ là những hoạt động phong phú, sinh động, góp phần cùng ngành, cùng các lực lượng xã hội làm tăng giá trị lao động nghề nghiệp trong cuộc sống.
NHUẬN ĐỨC
Bình luận (0)