Sự kiện giáo dụcTin tức

Phòng chống cúm A/H1N1 trong trường học: Đã đến lúc phải sống chung với dịch bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y – Sở Y tế phát biểu tại buổi tọa đàm

Sáng 20-8, tại Hội nhà báo TP.HCM, Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Tài Nguyên Phương Đông đã tổ chức buổi tọa đàm “Đại dịch cúm A/H1N1 – cách phòng chống trong trường học”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Phòng GD-ĐT các quận, huyện và hiệu trưởng, cán bộ y tế của nhiều trường học…
Không thể ngăn chặn được sự lây lan
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có khoảng 1.700 ca dương tính với cúm A/H1N1, riêng TP.HCM có gần 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày có từ 20 – 30 ca mới, ngày cao điểm lên tới 100 ca.
Về cơ chế lây lan của cúm A/H1N1, tại buổi tọa đàm, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “So với các bệnh truyền nhiễm, cúm A/H1N1 lây lan rất nhanh. Càng ở những khu vực đông người thì nguy cơ lây lan càng nhanh. Do vậy, số trường có học sinh nhiễm bệnh không chỉ là 1 – 2 trường/ngày mà có thể lên tới cả chục trường”.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng cho biết: “Ở trường học bây giờ không chỉ đơn giản là sự tiếp xúc giữa thầy với trò mà còn nhiều sự tiếp xúc khác. Thầy đi dạy thêm, trò đi học thêm, trường thì cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học mướn mặt bằng. Vì vậy, chuyện nhiễm bệnh chỉ là sớm hay muộn…”.
Quả đúng như vậy, sau ngày tựu trường (17-8), hàng loạt trường trên địa bàn thành phố đã có học sinh nhiễm bệnh. Ngay trong ngày 17-8, tại Trường PTTH tư thục Hòa Bình (102-106 đường Bàu Cát, P.14, Q.Tân Bình), đã phát hiện học sinh dương tính với cúm A/H1N1. Hiện có 41 em đang được cách ly, trường tạm ngưng hoạt động giảng dạy 1 tuần. Tại Trường THPT tư thục Duy Tân (106 đường Nguyễn Giản Thanh, P.5, Q.10) cũng có 3 học sinh được xác định dương tính với cúm A/H1N1. Ngoài ra, cũng có 9 học sinh khác đang được cách ly tại trường, số còn lại cho về nhà. Hiện nay trường tạm thời đóng cửa. Sau khi phát hiện nhiều học sinh nhiễm bệnh, Trường Quốc Văn – Sài Gòn đã biến thành bệnh viện dã chiến. Hiện bệnh viện này đang điều trị và theo dõi cho 87 trường hợp… Không chỉ các trường dân lập, tư thục tổ chức nội trú mới có học sinh “dính” bệnh mà nhiều trường công lập cũng chịu chung số phận. Đó là Trường THCS Lam Sơn, Q.6 với gần 20 học sinh bị sốt, trong đó có nhiều em dương tính. Hay như Trường THCS Chu Văn An, Q.11 cũng có vài học sinh nhiễm bệnh…
Phát hiện nhầm còn hơn bỏ sót

Học sinh đeo khẩu trang để phòng chống cúm A/H1N1

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo: sẽ không ngăn chặn được đại dịch cúm A/H1N1. Vì vậy, “chúng ta phải sống chung với dịch bệnh”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
Sống chung với dịch bệnh nhưng không có nghĩa là buông lỏng, không giám sát như nhiều nước trên thế giới đã làm. Theo đó, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ khuyến cáo: “Nhà trường phải cố gắng phát hiện sớm ca bệnh, dù rằng phát hiện sớm rất dễ dẫn đến nhầm lẫn. Ví dụ như ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, chiều 17-8, nhà trường phát hiện một học sinh có dấu hiệu sốt nên đã cho em về nhà gấp. Ngày hôm sau mới biết em này bị sốt xuất huyết chứ không phải cúm A/H1N1. Nhưng thà rằng chúng ta phát hiện nhầm còn hơn là bỏ sót. Vì chỉ cần một học sinh bị cúm mà học 1 buổi, 1 ngày trong lớp là có thể lây bệnh cho cả lớp”.
Nhưng làm sao để phát hiện sớm, bởi có tới 40% ca bệnh không có triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi… “Mỗi giáo viên, bảo mẫu và học sinh phải quan tâm đến nhau để khi thấy bạn, học sinh trong lớp có dấu hiệu sức khỏe bất thường là cách ly ngay. Không nên đợi đến lúc sốt thì đã trễ rồi”, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ nhấn mạnh.
Cho học sinh nghỉ học, mất bài ai chịu? Đây là một câu hỏi mà nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm trong buổi tọa đàm. Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trả lời: “Trong kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT có dành 2 tuần để các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, UBND TP.HCM cũng quyết định thời gian nghỉ Tết (âm lịch) của học sinh là 2 tuần, nếu học sinh phải nghỉ học vì cúm thì Sở GD-ĐT sẽ rút ngắn thời gian nghỉ Tết và sử dụng thời gian dành cho các hoạt động ngoại khóa để tổ chức phụ đạo cho các em. Ngoài ra, Sở cũng tăng thời gian học buổi thứ hai, đặc biệt là các lớp cuối cấp để đảm bảo các em không bị mất bài”.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, trường nào có dịch thì lùi ngày khai giảng của trường đó, các trường còn lại vẫn khai giảng và học tập bình thường. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ trình UBND TP có những chỉ đạo cụ thể như tạm dừng ngày khai giảng… với yêu cầu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho học sinh, giáo viên, đồng thời phải đảm bảo chất lượng giáo dục trong năm học.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Nhiều trường còn lơ là trong việc phòng chống cúm A/H1N1

Chiều 20-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tới tất cả các trường THPT trên địa bàn. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – cán bộ y tế học đường, Sở GD-ĐT TP đã chỉ ra những hạn chế của một số trường trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều trường mặc dù đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 nhưng thành lập cho có chứ chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Cá biệt có những thành viên trong Ban chỉ đạo chưa biết được nguyên nhân, cách phòng chống dịch bệnh. Một số trường chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương… Bên cạnh những trường lơ là trong việc phòng dịch cũng có không ít trường tỏ ra lo lắng thái quá. Nhiều trường tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh mỗi ngày nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà không sốt. Vả lại, học sinh đông như vậy thì việc đo thân nhiệt cho từng em là không xuể.
Buổi sáng cùng ngày, cuộc họp này cũng được Sở GD-ĐT TP triển khai tới các trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố.
K.Anh

 

Bình luận (0)