“Dù TP.HCM đang là vùng xanh song các nhà trường không được chủ quan trong phòng chống dịch khi đón học sinh. Việc dạy và học để “bình thường hoá” cần linh hoạt trong chuẩn bị cơ sở vật chất phòng chống dịch”.
Không chủ quan dù TP.HCM đang là vùng xanh
Yêu cầu này được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nêu ra với các nhà trường trong cuộc họp giao ban Covid mới đây.
Không chủ quan khi thành phố là vùng xanh
Nhằm chuẩn bị tốt nhất việc mở cửa trường đón học sinh khối mầm non, tiểu học và lớp 6 trở lại trường từ ngày 14-2, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết, ngay sau Tết sở đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Qua kiểm tra thực tế, nhận thấy sự chuẩn bị của các đơn vị rất tốt, theo đúng tinh thần hướng dẫn của thành phố. Việc đi học lại sau kỳ nghỉ Tết của học sinh khối 7 đến 12 ổn định, không có biến động về số ca F0 trong trường, thậm chí có chiều hướng giảm. Sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh tại các cấp khối lớp rất cao, ngay cả với các khối nhỏ khi các em chưa tiêm vắc-xin.
“Đây là cơ sở, tín hiệu tốt và là cơ hội để từng nhà trường, ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ giáo dục năm học, tạo môi trường học tập sinh hoạt lành mạnh, phát triển thể chất toàn diện cho học sinh khi trong suốt thời gian dài vừa qua các em phải học trực tuyến”, ông Dương Trí Dũng đánh giá.
HẠN CHẾ CÁC KHOẢN THU KHÔNG CẦN THIẾT Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh, khi học sinh các khối lớp trở lại trường, nhà trường cần ưu tiên công tác chuyên môn về kiểm tra, đánh giá, tập trung đánh giá năng lực học sinh sau thời gian học trực tuyến, mở rộng dần các hoạt động giáo dục trong nhà trường tuỳ theo tình hình dịch. Hạn chế các hoạt động có thu với phụ huynh học sinh nếu không cần thiết để tránh làm ảnh hưởng đến đời sống phụ huynh. Nếu có thu cần theo thỏa thuận với phụ huynh và phù hợp với tình hình thực tế.
|
Lưu ý công tác tổ chức, đảm bảo an toàn đón học sinh từ ngày 14-2, lãnh đạo Sở yêu cầu các trường cần kiểm tra lại việc khử khuẩn, bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất thiết yếu, nhất là bồn rửa tay, máy đo thân nhiệt, khai báo y tế. Tiếp tục triển khai, chuẩn bị sẵn sàng phòng cách ly, phòng dự phòng để chủ động xử lý tốt tình huống có F0 trong nhà trường.
“Dù cấp độ dịch của thành phố đang là vùng xanh nhưng nhà trường không chủ quan, luôn đảm bảo chuẩn bị cơ số phòng dự phòng. Không nhất thiết phải lấy phòng học làm phòng dự phòng. Với trường có cơ sở vật chất hạn chế thì có thể huy động phòng chức năng, hội trường làm phòng dự phòng, đảm bảo thực hiện kịp thời công tác phòng chống dịch khi có ca nhiễm xảy ra”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định, để hoạt động dạy và học được “bình thường hóa”, các đơn vị phải linh hoạt trong chuẩn bị cơ sở vật chất phòng chống dịch. Đặc biệt, việc tập huấn tuyên truyền cho học sinh mầm non, tiểu học, phối hợp với phụ huynh phải được làm sâu hơn nữa vì các em còn nhỏ, chưa thể tương tác với giáo viên một cách bài bản, thầy cô cũng khó nhận biết những biểu hiện của trẻ.
Cạnh đó, cần quan tâm tiêm đủ mũi cho đội ngũ, khai báo y tế, thực hiện đúng quy định khi đến trường. Phân công phân vai cụ thể từng thành viên nhà trường. Công tác phối hợp với địa phương luôn sẵn sàng. Tiếp tục thực hiện 5K, chia nhóm trong nhà trường.
Lồng ghép tình huống giả định phòng dịch cho học sinh
Việc diễn tập phòng chống dịch là một trong những yêu cầu đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp. Về điều này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng chỉ rõ, công tác diễn tập phòng phải được thực hiện theo điều kiện thực tế của từng đơn vị. Và phải được làm sâu, làm nhiều lần trong cả quá trình tổ chức giảng dạy.
Dù vậy, việc diễn tập cần thực hiện một cách nhẹ nhàng, có thể lồng ghép trong giờ ra chơi, trong giờ sinh hoạt qua các tình huống giả định cho học sinh để không gây áp lực, hoang mang trong đội ngũ.
Ông Dương Trí Dũng lưu ý, việc xác định F0, F1 là nhiệm vụ của ngành y tế, nhà trường giáo viên chỉ phối hợp cung cấp thông tin, không làm thay, không chỉ định khi chưa được ngành y tế chỉ định, tránh làm ảnh hưởng, xáo trộn đến tâm lý phụ huynh, học sinh và đội ngũ. Ngành y tế sẽ có điều chỉnh các quy định về F0, F1 phù hợp theo tình hình mới.
Ngoài ra, ông Dũng yêu cầu các trường tổng hợp số liệu tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để khi có quyết định của thành phố thì tổ chức tiêm ngay, tiêm an toàn cho trẻ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)