Thời điểm này, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, phương án ôn tập cho học sinh lớp 12, đảm bảo các em nắm vững kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên trong giờ học môn hóa
Phân hóa năng lực học sinh để ôn tập
Ngay sau khi hoàn thành kỳ kiểm tra cuối học kỳ I, hơn 400 học sinh lớp 12 của Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) bắt đầu bước vào đợt củng cố, bổ sung kiến thức phân hóa theo đối tượng học sinh, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, từ kết quả kiểm tra học kỳ I, trường lọc ra những học sinh có sức học trung bình, kém để xây dựng kế hoạch riêng bổ trợ kiến thức theo ban học, tổ hợp môn mà học sinh lựa chọn trên lớp và bổ trợ miễn phí theo nhóm vào chiều thứ bảy hàng tuần. Ngoài ra, những học sinh có sức học kém còn được giáo viên bộ môn dò bài bổ sung. “Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, các tổ bộ môn đã xây dựng các bộ đề ôn tập. Theo đó, học sinh bám vào các bộ đề ôn tập để rèn luyện, củng cố kiến thức, kỹ năng. Hiện tại, trong thời khóa biểu buổi 2, trường cũng sắp xếp để tăng cường bổ trợ kiến thức ở các môn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Tùy theo môn học, theo phân ban sẽ tăng từ 1-2 tiết/tuần. Riêng các bộ môn tăng 2 tiết/tuần thì tiết thứ 2 trong tuần sẽ dành để giáo viên ôn tập, giải đề cho học sinh”, cô Trúc cho biết.
Tương tự, kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12 cũng được Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) chuẩn bị theo lộ trình dài hơi, nhằm đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng trong một năm học đặc biệt. Thầy Lê Công Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết ngay từ đầu năm học, học sinh lớp 12 đã được giáo viên tăng cường thời lượng tương tác qua nhiều kênh, từ livestream trong tiết học trực tuyến đến các nền tảng dạy học trực tuyến, nhằm kịp thời “gỡ khó” kiến thức cho học sinh. Khi đi học trực tiếp, song song với dạy kiến thức mới, giáo viên luôn dành thời gian ôn tập, củng cố kiến thức đã học trực tuyến của học sinh. Hình thức dạy học trực tuyến luôn được duy trì, bổ trợ trong việc ôn tập. “Ngay khi có kết quả kiểm tra học kỳ I, trường đã tổ chức ôn tập cho học sinh. Giáo viên bộ môn đã phân loại đối tượng học sinh tùy theo năng lực tiếp thu để có biện pháp bổ trợ phù hợp theo hướng cá thể hóa. Các thầy cô linh hoạt xây dựng phương pháp ôn tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp nhằm hỗ trợ thêm kiến thức cho học sinh cuối cấp”, thầy Tuấn bổ sung.
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) yêu cầu các trường THPT trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, phương án ôn tập, phụ đạo cho học sinh cuối cấp để các em có đủ kiến thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. |
Thời điểm này, ngoài giảng dạy kiến thức mới để hoàn tất chương trình, các tiết hóa học cho học sinh lớp 12 được thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên môn hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11) tổ chức thêm nhiều chuyên đề ôn tập bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, thầy Thanh cũng tận dụng mạng xã hội để bổ trợ, giải đáp, mở rộng thêm kiến thức cho học sinh mà thời gian trên lớp chưa thực hiện được. “Năm học này, học sinh lớp 12 đã phải trải qua thời gian dài học trực tuyến. Dù khi học trực tuyến các em đã được thầy cô tăng cường tương tác, xây dựng đa đạng các hoạt động để thu hút, nâng cao hiệu quả dạy học. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận học sinh tiếp thu kém hơn bạn bè, khi dạy học trực tiếp, giáo viên sẽ tăng cường rà soát, đánh giá, bổ sung kiến thức cho các em. Việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT sẽ được giáo viên xây dựng phân hóa theo đối tượng, các em được làm các đề thi thử tốt nghiệp THPT theo cấu trúc, ma trận đề minh họa” thầy Thanh chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) cũng đang xây dựng kế hoạch ôn tập cho hơn 600 học sinh lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, hiện tại các tổ bộ môn đang xây dựng đề cương ôn tập theo từng phân ban học sinh lựa chọn cũng như theo đối tượng học sinh, đảm bảo các em nắm vững kiến thức căn bản và bổ trợ thêm phần kiến thức nâng cao. Học sinh sẽ được làm quen với dạng đề thi tốt nghiệp THPT, bám sát theo đề minh họa. Trong khi đó, Trường THPT Dương Văn Thì dự kiến tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT ngay sau khi học sinh lớp 12 kết thúc kiểm tra học kỳ II. Ngoài ra, trường sẽ tổ chức thêm các sân chơi trải nghiệm như cuộc thi rung chuông vàng để tạo môi trường cho học sinh đánh giá lại năng lực của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. “Cuối tháng 4, học sinh lớp 12 sẽ kiểm tra cuối học kỳ II. Các hoạt động giáo dục cho học sinh cuối cấp sau đó sẽ được trường tổ chức đa dạng hơn, qua đó giáo viên đánh giá được năng lực học sinh để bổ trợ, điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Do năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19, giáo viên cũng luôn quan tâm đến công tác phối hợp với phụ huynh, kịp thời ghi nhận những khó khăn của học sinh trong quá trình học để cùng chung tay tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho các em”, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (Hiệu trưởng nhà trường) bày tỏ.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)