Các bệnh nhân SXH đang điều trị tại BV Nhiệt đới |
Ngày 9-9, tại buổi giao ban quận, huyện, bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh: “Sốt xuất huyết (SXH) đang vào đỉnh dịch”. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có khoảng 8.000 ca SXH, trong đó chỉ riêng tháng 8 là 1.568 ca. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2009 đã có 8 ca tử vong trong khi đó đến thời điểm này thì dịch bệnh cúm A/H1N1 chỉ có 5 ca tử vong.
Khám cúm A/H1N1 ra SXH
Trước sự bùng phát của cúm A/H1N1 2009, nhất là khi có ca tử vong, nhiều người dân tỏ ra lơ là với các dịch bệnh khác, trong đó có dịch SXH. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Không ít người khi phát hiện có triệu chứng nóng, sốt đều nghĩ ngay đến bệnh cúm A/H1N1 2009 mà quên rằng SXH, tay chân miệng cũng có biểu hiện nóng, sốt. Nhiều người cứ nằng nặc đòi khám cúm, sau khám, bác sĩ thông báo là bị SXH, cá biệt có bệnh nhân cho rằng bác sĩ khám sai và đòi khám lại…”.
Chị Vân (Q.3) đang chăm sóc con tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện (BV) Nhi đồng II kể: “Chiều 7-9, đi học, con tôi (học sinh lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn quận) kêu mệt, sờ vào đầu cháu tôi phát hiện rất nóng nên nghĩ cháu bị lây cúm. Bởi trong trường của cháu đã có vài học sinh bị bệnh. Ngay sáng hôm sau (ngày 8-9), tôi vội vã đưa cháu tới BV Nhi đồng II để làm xét nghiệm cúm A/H1N1 2009. Khám xong, các bác sĩ cho biết con tôi bị SXH chứ không phải cúm. Sau đó các bác sĩ yêu cầu nhập viện vì có dấu hiệu bệnh nặng…”.
Trước đó, ngày 24-8 Khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng I, tiếp nhận bệnh nhi Ng.Đ.T. – 3 tuổi được chuyển từ BV tỉnh Long An. Thân nhân bệnh nhi cho biết, T. bị sốt cao liên tục 3 ngày, sáng ngày thứ 4 thì bớt sốt nhưng đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Ngay sau đó, bệnh nhi được đưa vào BV tỉnh Long An, tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé bị SXH độ III ngày 4. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc tích cực theo phác đồ nhưng tình trạng không cải thiện, xuất hiện biến chứng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, nên chuyển gấp lên BV Nhi đồng I. Tại đây, tình trạng của bé diễn tiến ngày càng xấu, suy hô hấp nặng nên phải thở máy. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, các bác sĩ đã cứu sống được bệnh nhi.
Xem thường dễ bị tử vong
Sáng 10-9, bác sĩ Nguyễn Trần Chính – Giám đốc BV Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Hiện BV đang điều trị cho 119 bệnh nhân mắc bệnh SXH, trong đó khoảng 80% là người lớn. Ngày 9-9 có 30 ca nhập viện nhưng có tới 24 ca là người lớn”. Theo nhận định của bác sĩ Chính thì số ca SXH nhập viện ngày càng tăng, tháng 7 chỉ có 1.030 ca, tháng 8 đã tăng lên 1.200 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày điều trị cho 110 – 120 ca, trong đó có 25 – 30 ca mới.
Tại Khoa Nhiễm D, do quá tải nên nhiều bệnh nhân đã phải nằm tràn ra ngoài hành lang. Chị Nguyệt (Kiên Giang) – thân nhân bệnh nhân C.M. cho biết: “Ngày 4-9, chồng tôi nói mệt nên không đi làm. Cứ tưởng chỉ cảm cúm sơ sài nên tôi mua thuốc về cho anh ấy uống. Uống 2 ngày mà vẫn cứ sốt, kèm theo đau bụng và đi ngoài ra máu. Sợ quá, tôi đưa anh ấy đi BV tỉnh. Ngày hôm sau (7-9), BV tỉnh chuyển lên BV Nhiệt đới. Hiện tại sức khỏe của chồng tôi đã tạm ổn nhưng bác sĩ nói chưa xuất viện được phải ở lại để tiếp tục theo dõi”.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Dịch bệnh SXH sẽ tăng mạnh vào tháng 9 và tháng 10. Hiện nay dịch bệnh xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện, trong đó nổi lên là Q.1, 3, 5, 7, 8, Tân Bình, Bình Thạnh, Củ Chi, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh. Để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, các quận, huyện phải tiến hành diệt lăng quăng và phun thuốc”. |
Ngoài những bệnh nhân từ 20 đến 40 tuổi, tại BV Nhiệt đới cũng có nhiều bệnh nhân lớn tuổi. Thường những trường hợp lớn tuổi đều bệnh nặng. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân Ng.Đ.B. (70 tuổi). Từ hôm nhập viện (ngày 8-9) đến nay, ông thường xuyên phải truyền huyết thanh. Chị Hoa (con gái ông B.) nói: “Tôi cứ nghĩ chỉ có trẻ em mới bị SXH nên khi thấy ba tôi sốt, cả nhà nghĩ là ông cụ bị cúm. Lúc đó mọi người cũng có nghĩ đến bệnh cúm A/H1N1 2009 nhưng ba tôi ít khi ra khỏi nhà nên ý nghĩ này bị loại ngay. Sau đó chúng tôi đưa cụ đi khám ở phòng mạch tư, tại đây bác sĩ chẩn đoán là cảm cúm và cho thuốc về nhà uống. Uống xong 3 liều, không những không thuyên giảm mà bệnh còn nặng hơn nên phải đưa vào BV Nhiệt đới. Tại đây, các bác sĩ nói nếu đưa tới trễ thì nguy cơ bị biến chứng rất cao”…
Theo báo cáo giám sát tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam của Viện Pasteur TP.HCM, trong tháng 7 số mắc SXH là 8.002 ca (trong đó có 4 trường hợp tử vong), tháng 6 là 7.468 ca, tháng 8 có trên 8.500 ca. Số ca nặng độ III, IV chiếm 12,3% tổng số mắc.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)