Sự kiện giáo dụcTin tức

Phòng chống cúm A/H1N1 trong trường học: Vừa dạy, vừa chống cúm

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh vừa học, vừa đeo khẩu trang trong phòng chống cúm. Ảnh: CÔNG VIỆT

Mặc dù năm học 2009-2010 chỉ mới bắt đầu chưa đầy 1 tháng nhưng số trường có học sinh (HS) nhiễm cúm A/H1N1 đã lên tới 50 – 60 trường. Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 nửa đùa nửa thật: “Các trường không có HS nhiễm cúm mới lạ, chứ bị nhiễm cúm là chuyện bình thường”…
Vui, buồn chuyện chống cúm
Ngày 7-9, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận được thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Q.1 cho biết, trong trường có 1 HS nhiễm cúm A/H1N1. “Cũng may HS này chưa tới trường lần nào nên không thể lây nhiễm cho các bạn. Tuy vậy, nhà trường vẫn tiến hành phun xịt, khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Mặt khác yêu cầu tất cả giáo viên (GV), HS, cán bộ, công nhân viên trong trường phải đeo khẩu trang. Ngay cả phụ huynh (PH) khi vào trường cũng phải đeo khẩu trang…”, cô Điệp cho biết.
Cũng theo cô Điệp thì cái khó của các trường bán trú khi phòng chống cúm là… giờ ăn. Giờ học, giờ chơi, giờ ngủ, HS có thể đeo khẩu trang nhưng giờ ăn thì không thể. “Nhà trường đã chia giờ ăn thành 2 lần nhằm giảm sự tập trung của HS. Trong lúc ăn, bảo mẫu và GV nhắc nhở HS không được nói chuyện. Nhắc thì nhắc vậy thôi, chứ làm sao mà cấm các em nói chuyện được”, cô Điệp nói.
Ở một trường tiểu học khác trên địa bàn Q.3, khi có HS nhiễm cúm, tất cả HS trong trường đều phải đeo khẩu trang. Giờ ra chơi, các em (chủ yếu là khối lớp 1 và 2) tháo khẩu trang ra và đổi cho nhau. Các em tỏ ra thích thú về điều đó. Cán bộ y tế của trường này cho biết: “Chúng tôi phải nói với các em rằng: các con đeo khẩu trang là để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các bạn. Các con đổi khẩu trang cho bạn, nếu bạn bị bệnh sẽ lây cho các con, ngược lại các con bị bệnh sẽ lây cho bạn. Vì vậy, khẩu trang của bạn nào thì bạn ấy đeo, không được đổi cho nhau. Từ đó, các em mới không còn trao đổi khẩu trang nữa…”.
Ở trường mầm non, do các em còn quá nhỏ chưa ý thức được việc phòng chống dịch cúm A/H1N1 nên GV có phần cực hơn. Cô Vũ Thị Kim Loan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế tư thục Bambi (P.12, Q.Tân Bình) cho biết: “Hàng ngày, trước khi các bé vào lớp đều được GV cặp nhiệt độ. Sau giờ ngủ trưa, bé nào sốt từ 37,5 độ trở lên, trường sẽ đưa vào phòng cách ly. Nhà trường cũng thường xuyên dặn dò PH cho bé đeo khẩu trang, hạn chế đưa bé đi chơi nơi đông người, rửa mũi cho bé hàng ngày và tăng cường các loại thức ăn có chứa vitamin, sức đề kháng cao cho bé như: tỏi, nước chanh…”.
Mô hình mới trong phòng chống cúm A/H1N1

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho HS để phòng chống cúm A/H1N1 (ảnh chụp tại Trường THCS Lam Sơn, Q.6)

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, TTYTDP TP, UBND Q.6 và TTYTDP Q.6 về việc “Vừa triển khai biện pháp tích cực phòng chống cúm A/H1N1 vừa duy trì việc dạy học bình thường tại trường”. Đến nay, Trường THCS Lam Sơn đã khống chế thành công cúm A/H1N1, đồng thời công tác dạy và học tại trường vẫn đảm bảo tốt.
Cô Kha Lệ Thanh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trước hết, các trường cần xác định cúm A/H1N1 có thể tấn công bất cứ trường nào. Khi HS bị cúm, nhà trường cần phối hợp tốt với PH, cơ quan chức năng để đưa ra biện pháp phòng chống. Về phía nhà trường, cần thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm – phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên. Bên cạnh đó phải duy trì hoạt động dạy và học, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi. Nếu phát hiện HS có triệu chứng nhiễm cúm, GV lập tức đưa em này đến phòng y tế để được cách ly. Sau đó, nhà trường báo cho gia đình đưa HS về. Nhà trường phải liên lạc với PH thường xuyên để nắm bắt tình hình. Đồng thời, báo ngay về TTYTDP của quận để theo dõi. Những ngày sau đó, nếu những em này vẫn bị sốt cao, có triệu chứng nặng, cơ quan chức năng sẽ cho xét nghiệm. Tất cả HS vắng mặt, nhà trường phải liên hệ với PH để tìm hiểu nguyên nhân, theo dõi và báo về TTYTDP quận. Trường cần tiến hành các biện pháp thông tin tuyên truyền, trang bị thêm vòi nước – xà phòng để HS rửa tay, lau chùi, làm vệ sinh thật kỹ những nơi có khả năng lây nhiễm cao như cửa ra vào, nơi để nước uống… Đặc biệt, GV phải tập cho HS thói quen tự theo dõi, giữ vệ sinh cho bản thân. Nhà trường cần phải trang bị kiến thức phòng chống dịch cúm A/H1N1 cho PH”.
TS.Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Trước diễn biến phức tạp, lây lan ra diện rộng của dịch cúm A/H1N1, các trường không nên chủ quan, cũng không quá lo lắng, sợ hãi gây hoang mang cho HS, PH. Các trường cần có kế hoạch cụ thể để phòng ngừa, đối phó với dịch cúm. Đối với các em bị cúm A/H1N1, phải có kế hoạch tự học như mắc bệnh thông thường. Sau đó, nhà trường sẽ tổ chức phụ đạo cho các em. Đối với những trường có nhiều HS nhiễm cúm, phải tạm đóng cửa thì nhà trường phải tổ chức dạy lại cho các em”.
Kim Anh – Công Việt

Bình luận (0)