Sự kiện giáo dụcTin tức

Khuyến học đi cùng khuyến tài

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 24-9, Đại hội (ĐH) Khuyến học lần thứ II diễn ra tại Hà Nội. Bên cạnh việc khuyến học, ĐH lần này sẽ hướng tới khuyến tài.
Doanh nghiệp lấy đất phải “đền” tiền học nghề
Theo GS.Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, trong nhiệm kỳ tới, có hai hướng mà hội cần thực hiện. Thứ nhất là các hình thức học cho người lớn phát triển nhanh. Phủ kín các xã bằng các trung tâm học tập cộng đồng. Hội sẽ đưa một số hình thức học tập như tin học, ngoại ngữ vào các xã. Người dân muốn học được nhiều thì phải học trên mạng. Giấc mơ của hội đã được thực hiện khi ngành giáo dục đưa máy tính về tới từng trường tiểu học và có hòa mạng. Các hình thức khác xã cũng phải làm. Một trong những hình thức đang phấn đấu mà ĐH này hướng đến là dạy nghề cho nông dân. GS.Dong đưa ra đề xuất đối với những doanh nghiệp lấy đất của dân (nhất là các dự án sân golf), ngoài việc đền bù đất phải đền bù tiền học nghề cho dân. Vì nông dân phải học nghề mới ra được khỏi đất.
Hướng thứ hai là làm thế nào để hỗ trợ hệ thống trường học chính quy chất lượng hơn. Riêng với nhân tài phải mở thêm cuộc vận động thúc đẩy thế hệ trẻ phấn đấu trở thành những tài năng. Hiện hội mới chỉ có một cuộc thi Nhân tài Đất Việt hàng năm nhưng chủ yếu với những người ứng dụng CNTT. Ngoài ra phải có những học bổng cho những tài năng trẻ. Để trở thành tài năng, học bổng như thế chưa đủ, phải là học bổng toàn phần.
Khuyến học đi liền với khuyến tài
Cũng theo GS.Phạm Tất Dong, vấn đề nhân tài cũng được hội quan tâm một cách cụ thể hơn. Trong đó, mở rộng chương trình học bổng đi du học nước ngoài cho sinh viên Việt Nam là một giải pháp tối ưu. GS.Dong đề xuất hai hướng đi để giải quyết bài toán “hiền tài”. Thứ nhất có thể giao cho các nhà khoa học một nhóm sinh viên xuất sắc nào đó. Họ sẽ có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các sinh viên này. Có như thế, sinh viên sẽ biết khai thác thực tế. Thứ hai là phải mở ra các viện hàn lâm để thu hút tài năng. Các viện hàn lâm phải có các câu lạc bộ tài năng trẻ, phải có những thông báo mới và cho phép tài năng trẻ đưa ý kiến lên diễn đàn. “Nếu không có môi trường tốt thì tài năng không tài nào phát triển được. Một hạt giống tốt đến mấy nếu đặt lên hòn đá thì không thể nào có thể nẩy mầm. Nó phải được gieo vào một mảnh đất tốt, phải được tưới và chăm sóc khoa học” – GS.Dong chia sẻ.
Chính vì vậy, theo GS.Dong nên có nhiều học bổng toàn phần dành cho các tài năng trẻ. Hội Khuyến học cũng sẽ cố gắng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm không những trong nước mà cả kiều bào nước ngoài giúp đỡ. ĐH Khuyến học lần II cũng là dịp để những người làm công tác khuyến học và những đơn vị đóng góp cho khuyến học được tri ân.
Vừa qua, ĐH Harvard có công bố bản báo cáo đánh giá về giáo dục ĐH Việt Nam. Theo GS.Phạm Tất Dong, nếu thông tin này đúng sự thật thì rất đáng buồn. Cụ thể, theo bản đánh giá này: năm 2007, ĐH Tổng hợp quốc gia Seoul (Hàn Quốc) có 5.060 bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học, ĐH Tổng hợp quốc gia Singapore có 3.598 bài, ĐH Tổng hợp Bắc Kinh 3.219 bài, ĐH Tổng hợp Philippin 220 bài còn ĐH Quốc gia Việt Nam 52 bài, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam 44 bài. Số bằng sáng chế được cấp năm 2006 ở Hàn Quốc là 102.633 bằng, Trung Quốc 26.292, Thái Lan 158 và Philippin là 76 nhưng Việt Nam là số 0.
 
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)