Sự kiện giáo dụcTin tức

Chương trình phân ban: Bộc lộ nhiều bất cập nhưng phải chờ đến năm 2015?

Tạp Chí Giáo Dục

HS ở Hà Nội thi tốt nghiệp THPT năm 2009

“3 ban trong 1” là tình trạng nổi cộm nhất kể từ 3 năm nay khi Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện chương trình phân ban. Trong khi đó, tại buổi sơ kết đánh giá chương trình ngày 25-9, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không thay đổi việc phân ban như hiện tại cho đến năm 2015.
“3 ban trong 1”
Một trong những minh chứng được xem là biểu hiện rõ rệt nhất cho hiệu quả thấp của chương trình mới sau ba năm thực hiện là sự thất bại của phân ban. Dù chương trình thiết kế theo ba ban (ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội-nhân văn và ban cơ bản) nhưng kết cục là trong suốt ba năm qua học sinh cả nước đổ xô vào học ban cơ bản. Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy năm học 2008-2009, cả nước có 84% học sinh lớp 10 học ban cơ bản, chưa đến 2% học sinh học ban KHXH-NV. Con số học sinh theo học ban cơ bản tăng theo từng năm. Năm học 2006-2007 có 74,22% học sinh lớp 10 chọn ban cơ bản. Nhưng đến năm học trước, con số này đã tăng thêm gần 10%. Nguyên nhân được xác định do mục tiêu của chương trình mới mà Bộ đề ra rất hay nhưng trong thực tế, dù là chương trình mới hay cũ, mục tiêu của đại đa số học sinh là học để thi. Theo thầy Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, ngay như việc học sinh chỉ nhằm tới mục đích làm sao làm bài tốt khi thi môn vật lý (thi trắc nghiệm) đã mâu thuẫn với mục tiêu của môn học. 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận hiện tượng thi cái gì, học cái nấy như các sở GD-ĐT và các cơ sở phản ánh là có thật. Tuy đổi mới thi cử là một chủ trương của Bộ GD-ĐT nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào đột phá và phải làm dần dần. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, dù phân ban không đạt được mục đích ban đầu nhưng Bộ GD-ĐT chỉ xóa sổ ban nào không còn người học và sẽ chưa có thay đổi nào lớn cho đến năm 2015.
Lệch vì thi gì học nấy

Tiết thực hành môn hóa chương trình phân ban của Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM. Ảnh: T.T.Q

GS.Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trường ông 100% học sinh lựa chọn ban cơ bản. Chính cách thi cử như hiện nay khiến cho việc phân ban trở nên lệch lạc như vậy. Bộ đã tự mâu thuẫn với mình bởi cấu trúc đề thi lại chính là nguyên nhân dẫn đến việc phân ban bị “tiêu diệt”. Tâm lý “học gì thi nấy” là có thật và phải chấp nhận điều đó. Nếu thi tốt nghiệp học sinh học ban nào phải làm đề dành riêng cho ban đó; còn thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì muốn chọn phần nào cũng được thì chắc chắn sẽ không thể còn động lực để HS chọn học nâng cao. Học thì vất vả, thi thì khó khăn, dễ bị điểm thấp hơn, điều này làm cho HS không “dại” gì lại chọn các ban nâng cao để học. Đây cũng chính là vấn đề mà những người làm giáo dục băn khoăn và trăn trở. Theo ông Trần Viết Niệm – Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh), hiện nay giáo dục THPT đang tồn tại bất cập giữa yêu cầu đổi mới toàn diện và hệ thống thi cử. Trường của ông rất khó khăn để có học sinh học ban KHXH-NV. Ông Niệm cho hay do các trường có khối C và công việc sau khi ra trường ít dẫn đến tình trạng học sinh không mặn mà với ban này. Dẫn chứng cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học vừa qua, Trường THPT Minh Khai đỗ tỷ lệ tốt nghiệp gần 90% nhưng riêng môn văn xếp thứ 29/34 trường THPT công lập của Hà Tĩnh. Trong khi đó, GS.Văn Như Cương cho rằng, ban cơ bản ra đời khi triển khai đại trà chương trình – SGK mới là giải pháp tình thế, một đòi hỏi bắt buộc của thực tiễn nên ngành GD-ĐT chưa có chuẩn bị chu đáo khi đưa vào thực hiện. Cụ thể là về tài liệu. Hiện nay, 8 môn học tự chọn nâng cao của ban cơ bản chưa hề có tài liệu được biên soạn thống nhất. Bộ GD-ĐT giao cho các địa phương, cho các nhà trường và giáo viên tự biên soạn tài liệu. Chính vì vậy tiếng là dạy học tự chọn nhưng học sinh không được chọn mà thầy bắt học sinh… chọn. Chọn theo khả năng đáp ứng của thầy, của nhà trường về tài liệu và một số điều kiện khác. Chính vì vậy mà GS. Cương băn khoăn những tài liệu mà giáo viên tự biên soạn để dạy cho học sinh như vậy thì có đảm bảo theo yêu cầu hay không?
Phân ban chắc chắn sẽ còn tốn nhiều công sức đối với những người làm giáo dục và các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi từ khi đưa vào thực hiện, chương trình phân ban hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên, những bất cập đó thiếu một “nhạc trưởng” để chỉnh sửa và thay đổi. Có lẽ phải đợi đến 2015 như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nêu thì phân ban mới có “bộ mặt” mới.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)