Từ 1-6, việc đăng hình trẻ em trên các trang mạng xã hội… là một trong những hành vi pháp luật nghiêm cấm.
Từ ngày 1-6, việc đăng hình trẻ em trên mạng xã hội có thể bị phạt (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Có thể bị phạt
Việc đăng hình con lên các trang mạng xã hội không còn là điều quá xa lạ với nhiều phụ huynh. Có không ít bà mẹ liên tục đăng tải hình ảnh con từ lúc con chưa thành hình cho đến khi con biết chơi biết chạy, thậm chí khi con đã vào tuổi teen. Những khoảnh khắc ý nghĩa, đáng yêu, ngộ nghĩnh của con cái luôn là niềm vui của cha mẹ. Họ muốn lưu giữ lại là điều dễ hiểu. Đó cũng là cách để gắn kết gia đình. Tuy nhiên, việc đăng những bức ảnh này lên mạng xã hội có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà các bậc phụ huynh chưa lường trước được. Đặc biệt với những phụ huynh “cuồng” con đến mức khoe hình con mọi lúc mọi nơi, mọi tư thế.
Từ 1-6, Luật Trẻ em 2016 bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, một điều luật đáng chú ý là việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ thì sẽ phạm luật và có thể bị phạt. Nghị định 56 của Chính phủ ban hành ngày 9-5-2016 có quy định chi tiết những thông tin được cho là bí mật đời sống riêng tư của trẻ em bao gồm: tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em… Trước thông tin này đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thế nên, nếu đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ thì sẽ là phạm pháp. Thực tế, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường xuyên đăng ảnh con mình lên mạng xã hội facebook với nhiều mục đích khác nhau mà không cần hỏi hay để ý xem các con có đồng tình với việc làm này hay không.
Băn khoăn về tính khả thi
Ở nhiều nước trên thế giới, việc phụ huynh đăng hình ảnh con lên các trang mạng xã hội cũng đã được quản lí bằng pháp luật. Ngày nay, internet và công nghệ số rất phát triển với tốc độ nhanh chóng, chỉ với một bức hình chụp chưa đầy mấy giây là đã có thể lan truyền trên mạng xã hội. Không phải tất cả trẻ em đều hài lòng với những bức hình được phụ huynh công khai.
Năm 2016, cô gái trẻ có nickname P.G – được cho là mẹ, cũng đã dùng hình ảnh của cậu bé để câu like, nhưng thay vì nhận được sự yêu thích của cộng đồng mạng thì người mẹ cay đắng nhận “gạch đá” với những bình luận bày tỏ sự phẫn nộ. Xuất hiện trên trang cá nhân, hình ảnh cậu con trai nhỏ đang bị trói và bịt miệng bằng băng dính được bà mẹ trẻ đăng tải cùng chú thích: “Lì quá bị mẹ trói tay trói chân”. Miệng và tay cậu bé bị quấn bằng nhiều lớp băng keo còn khuôn mặt tỏ rõ sự sợ hãi. Chưa dừng lại ở đó, cô còn lấy điếu thuốc lá đặt vào miệng đứa trẻ cùng 2 từ “trời trời” tỏ vẻ đang rất ngạc nhiên.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM: “căn cứ khoản 11 điều 6 Luật Trẻ em 2016, có thể hiểu rằng, việc công bố, tiết lộ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là không đảm bảo bí mật cho trẻ em. Tuy nhiên, “sự đồng ý” của trẻ em và cha, mẹ, người giám hộ sẽ được thể hiện dưới hình thức nào? Bằng lời nói, bằng văn bản (có bắt buộc phải công chứng không?) hay một hình thức khác?”.
Hiện nay, các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn đang âm thầm theo dõi cuộc sống của chúng ta trên mạng internet. Thế nhưng, không ít bà mẹ trẻ ảnh hưởng của lối “sống ảo”, câu like trên mạng xã hội càng nhiều. Họ thường xuyên đăng tải clip, hình ảnh, hoặc dùng hình ảnh của chính con trẻ để quảng cáo cho sản phẩm họ buôn bán trên mạng xã hội. Do đó, cha mẹ cần cân nhắc hơn khi đăng tải hình ảnh của con cái mình lên mạng xã hội bởi vấn đề này tiềm ẩn những nguy hiểm mà không ai có thể lường trước được.
Bàn về tính khả thi của Nghị định 56, luật sư Võ Đan Mạch cho biết: “Quy định này sẽ khó thực hiện vì nếu quy định sự đồng ý chỉ cần được thể hiện qua lời nói thì nếu có tranh chấp phát sinh sẽ rất khó để chứng minh; hoặc nếu quy định phải có văn bản đồng ý thì lại gây thêm nhiều rắc rối trong nhiều trường hợp không cần thiết. Bên cạnh đó, việc bảo vệ “lợi ích tốt nhất của trẻ em” là vấn đề có thể gây nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, lợi ích đó sẽ được xác định dựa trên những tiêu chí nào, do chủ thể nào thực hiện. Và mặc dù, nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí này thì điều đó có mang đến cho trẻ em lợi ích tốt nhất không? Cá nhân tôi cho rằng, lợi ích tốt nhất của em phải do chính trẻ em xác định. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng đặc biệt, chưa trưởng thành về thể chất lẫn nhận thức nên chưa thể xác định rõ đâu là lợi ích tốt nhất cho bản thân”.
Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa rõ và dễ gây tranh luận khi áp dụng, nhưng Luật Trẻ em 2016 ra đời là một nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nội luật hóa Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc được Việt Nam phê chuẩn ngày 20-2-1990. Và Nhà nước và xã hội đang cần thời gian để thực thi và đánh giá kết quả thực tiễn của Luật Trẻ em 2016.
Thục Quyên
Bình luận (0)