Nhà trường còn đứng ngoài cuộc
Các LĐ đang học nghề tiện CNC với chuyên gia nước ngoài để sang Úc làm việc. Ảnh: V.M |
Kinh tế suy thoái, xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN đang khó khăn tìm kiếm thị trường, nhưng khi thị trường có thì doanh nghiệp (DN) không tuyển được người đúng theo yêu cầu của đối tác. Bởi một thực tế là đào tạo vẫn khập khiễng với nhu cầu.
Đơn hàng chờ người
Theo kế hoạch năm 2009 Việt Nam sẽ đưa 90.000 lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài. Ngành nghề đào tạo đưa đi XKLĐ phần lớn ở trình độ trung cấp như: thợ hàn, thợ cơ khí, xây dựng, điều dưỡng, thợ mộc, lắp ráp linh kiện điện tử, bán hàng… Đây là những ngành nghề cần được đào tạo bài bản. Tuy vậy, các trường vẫn chưa “mặn” với việc đào tạo đội ngũ thợ để sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi khắt khe của doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Giám đốc Trung tâm XKLĐ (Công ty CP Dịch vụ dầu khí Sài Gòn – SPSC) cho biết, vừa qua công ty đã ký hợp đồng hợp tác với Học viện Điều dưỡng Nhật Bản tuyển 300 nữ điều dưỡng, kỹ thuật viên chăm sóc sức khỏe. Trung tâm cũng có nhu cầu tuyển dụng 100 LĐ theo hình thức vừa làm vừa học tại nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, mức thu nhập của NLĐ từ 12.000.000 – 14.000.000 đồng/tháng. Còn theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty XKLĐ, Thương mại và Dịch vụ Sovilaco (Bộ LĐ-TB-XH) thì kế hoạch năm 2009 của công ty là đưa khoảng 1.300 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chỉ tính 6 tháng đầu năm, công ty đã đưa được trên 400 LĐ đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Sovilaco hiện đang triển khai một số đơn hàng lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Macau, Saudi Arabia, UAE, Đài Loan và Malaysia: Tuyển 250 LĐ công xưởng cho Malaysia; Đài Loan cần 200 thợ hàn, cơ khí và đánh cá; UAE cần 800 thợ xây dựng; Saudi Arabia tuyển 200 thợ xây dựng và 300 người giúp việc nhà; Macau tuyển 200 người giúp việc nhà và 150 nhân viên phục vụ nhà hàng; Nhật Bản cần 50 thợ cơ khí, 70 thợ hàn; Hàn Quốc tuyển 50 kỹ sư cơ khí, thợ hàn 4G, 6G. Ngoài những thị trường XKLĐ truyền thống, công ty còn có đơn đặt hàng rất lớn từ Singapore.
Các trung tâm, công ty như: Trung tâm XKLĐ Tracimexco (Bộ GTVT), Công ty ESUHAI… có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm tu nghiệp sinh nam – nữ đi Nhật Bản, làm việc chuyên về lĩnh vực điện tử, thợ mộc, dự kiến xuất cảnh vào tháng 10-2009. Để có LĐ, các DN phải rong ruổi khắp các tỉnh tìm kiếm nhưng vẫn khó đáp ứng được.
Nhà trường còn đứng ngoài cuộc
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ thì khó khăn nhất trong việc đưa LĐ có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài là chất lượng của đội ngũ này quá kém. Hiện nay kỹ thuật nghề được đào tạo ở các trường chưa đáp ứng nhu cầu của DN nước ngoài. Trong khi nhu cầu LĐXK nhiều, các DN “đỏ mắt” tìm người thì các trường vẫn đứng ngoài cuộc. Mặt khác, trong công tác đào tạo nghề thì mạnh ai nấy làm, không biết “sản phẩm” ra trường có đáp ứng được nhu cầu hay không. Ông Nguyễn Hải Nam đưa ra ví dụ, khi tuyển thợ hàn, các yêu cầu chuẩn trình độ của hệ thống dạy nghề VN không khớp với chuẩn nghề quốc tế. Thông thường, đối với thợ hàn, đối tác nước ngoài yêu cầu trình độ chuẩn theo các cấp độ từ 1G đến 6G; hoặc thợ hàn TIG, MIG, MAG… Thế nhưng hệ thống dạy nghề ở VN lại theo một tiêu chuẩn… “nội địa”, nghĩa là đào tạo công nhân trình độ thợ hàn sơ cấp, thợ hàn bậc 3/7. Do vậy, khi tham gia thi tuyển, đa phần ứng viên tốt nghiệp bậc 3/7 không đáp ứng được tay nghề 3G theo chuẩn quốc tế, còn đối với thợ hàn 6G thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện, đơn hàng đến từ các đối tác ở Trung Đông, Đông Âu, Mỹ, Úc rất nhiều với mức lương và các chế độ ưu đãi khá cao nhưng DN vẫn không có nguồn để cung ứng. Các đơn hàng tuyển dụng ngành nghề khác như hệ thống điện, thợ mài hay thợ tiện CNC cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng bộ phận nhân sự Công ty ESUHAI cho biết: “Mỗi năm công ty đưa hàng trăm LĐ sang Nhật làm việc, chủ yếu là nghề thợ mộc. Tuy vậy, khi tuyển LĐ rất khó khăn vì phần lớn đội ngũ này ít được đào tạo ở trường lớp, nếu có thì mới trên lý thuyết là chính. Mặt khác rào cản ngoại ngữ cũng là một khó khăn khiến nhiều lao động bị “chê” trước đối tác”. Còn bà Dương Thị Thu Cúc lo lắng, hiện DN không lo thiếu đơn hàng như cuối năm 2008, đầu năm 2009 mà lại lo không tuyển đủ LĐ. Trung tâm SPSC đã thông báo tuyển dụng từ 2 tháng nay nhưng hiện vẫn chưa tới 50 hồ sơ đạt yêu cầu. Số LĐ này sẽ được trung tâm đào tạo lại kỹ năng chuyên môn cơ bản và tiếng Nhật giao tiếp trong 6 tháng. Đối tác Nhật Bản kiểm tra một lần nữa, sau đó là làm thủ tục xuất cảnh. Bà Cúc đề xuất giải pháp, hiện nay rất ít trường đào tạo nghề cỡ 4G, 6G hoặc trang bị máy móc hiện đại như các DN nước ngoài, nên chăng công tác dạy nghề cần tập trung tại các trường nghề. Đồng thời các trường nghề cần nâng cấp đào tạo để gắn kết giữa người học nghề – nhà trường – DN.
Văn Mạnh
Bình luận (0)