Sinh viên chưa đủ tự tin để bước vào đời
Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) với 2.000 học sinh (HS) THPT, sinh viên (SV) ĐH tại 4 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ đã đưa ra nhiều con số đáng lưu tâm. Trong đó, vấn đề làm các nhà nghiên cứu giáo dục lo lắng là đa số SV chưa đủ tự tin để ứng dụng những kiến thức đã học trong cuộc sống khi học xong ĐH, CĐ.
Muốn tiếp tục học lên nữa vì thiếu tự tin
Theo TS. Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), kết quả nghiên cứu cho thấy, có 93% số HSSV được hỏi cho rằng tự trang bị kiến thức kỹ năng cần thiết cho tương lai, 82% HSSV có thể thực hiện ước mơ của mình nhưng chỉ có 76% HSSV thích lập kế hoạch để biến ước mơ thành sự thật. Các chỉ số cứ ngày càng giảm đi. Đặc biệt, TS. Dung cho biết có đến 75% muốn học cao lên, 23% chọn đi du học và chỉ có 58% muốn ra đi làm. Những con số này cho thấy, HSSV có ước mơ, hoài bão, thành đạt nhưng chưa đủ tự tin vào đời. Họ cho rằng càng học lên càng có nhiều kiến thức mới là hướng họ lựa chọn, còn vào đời ngay thì không đủ tự tin. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, đây chính là thái độ ngại dấn thân của HSSV Việt Nam. Trong khi đó, theo nguyên tắc học tập chỉ 25% kiến thức học được từ trong nhà trường, còn 75% học được ở ngoài cuộc sống. Nhưng HSSV Việt Nam lại nghĩ ngược lại. Đây là sẽ điều bất lợi cho xã hội khi lực lượng lao động chính lại “ngại” trưởng thành, trưởng thành muộn. TS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khẳng định, HSSV ngại dấn thân đó là biểu hiện thái độ sống không tích cực, cứ ru rú trong gia đình không dám lao ra đời. Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Bình, Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Thực tế qua quá trình giảng dạy của tôi, chỉ có khoảng 1/3 sinh viên năm thứ nhất là có động lực học. Còn lại 2/3 là có sức ì”.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Kim Dung còn cho biết, một nghiên cứu về chỉ số tập trung của giới trẻ 8 nước châu Á vào năm 2007 thì chỉ số này của giới trẻ Việt Nam đứng gần cuối. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, chỉ số tập trung của HSSV Việt Nam thấp trong học tập và chỉ cao tại chỗ nghỉ ngơi, vui chơi!
Giáo viên chưa ảnh hưởng nhiều đến việc chọn nghề của HSSV
Nguyên nhân của tình trạng sinh viên “ngại” trưởng thành được rất nhiều ý kiến phản ánh. Theo bà Nguyễn Thanh Bình thì do hệ thống giáo dục của chúng ta chưa trang bị cho HSSV khả năng tự tin để bước ra cuộc sống. Ông Nguyễn Danh Du, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, mỗi năm trường có khoảng 60% học sinh lớp 12 đỗ ĐH. Nhưng trong số này, bao nhiêu phần trăm học sinh đi đúng ước mơ thì trường không nắm được. Không những thế, phụ huynh còn ngộ nhận khả năng của con em mình. Mỗi năm trường có khoảng hơn 400 học sinh lớp 12, đỗ tốt nghiệp 100% nhưng chỉ có 10 hồ sơ nộp vào CĐ, TCCN. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Bí thư đoàn Trường ĐH Hàng Hải đưa ra nguyên nhân ở phổ thông học sinh còn có môn giáo dục công dân, lên ĐH không có môn đó. Sinh viên học 5 ngày/tuần, sáng: lý thuyết; chiều: thực hành. Giáo dục kỹ năng sống bị bỏ ngỏ. Một lớp có khoảng 60 SV, chỉ có 20 SV ngồi bàn đầu có ý thức học, và cũng chỉ có 20 SV này có kiến thức xã hội nhiều.
Đứng ở góc độ là người từng giảng dạy và làm quản lý, TS. Hồ Thiệu Hùng cho hay, thường các thầy cô chỉ trọng những HSSV học giỏi hai môn văn – toán. Và chúng ta cũng thường tiên đoán những HSSV đó tương lai tươi sáng hơn. Chính định kiến này đã dẫn đến hiện tượng đối xử không công bằng trong việc nhìn nhận tương lai của HSSV. Trong khi những HSSV học xuất sắc trong nhà trường ra chỉ làm tốt nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy. Còn những người thành đạt trong những lĩnh vực khác, không phải là những học trò đã từng “xuất sắc”.
Nghiên cứu của viện cũng cho thấy có tới 76% ý kiến cho rằng thầy cô giáo không có ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn nghề nghiệp của HSSV. Đây là thực trạng chắc chắn khiến nhiều thầy cô buồn lòng. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng cần phải xem xét lại, liệu có phải chúng ta đang bày cho HS quá nhiều nhưng không sâu sắc? Một trong những khuyến nghị của nghiên cứu trên cho rằng, ngành giáo dục nhất thiết phải cải tiến chương trình, giảng dạy, học tập nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh lên kế hoạch học tập cho mình.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)