Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhà ở giá rẻ cho giáo viên: Cần có quỹ đất công để xây chung cư

Tạp Chí Giáo Dục

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tiến Đạt phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Nối tiếp loạt bài “Nhà ở giá rẻ cho giáo viên: Khi nào có?” đăng trên Báo Giáo Dục TP.HCM mới đây, ngày 13-10, Báo và Thuduc House đã tổ chức buổi tọa đàm: “Nhà ở cho thầy, cô giáo: Thực trạng và giải pháp”. Đây cũng là một trong những chương trình kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập báo…
Lương GV: 2 năm mua được 1m2 đất
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, GV là những người có thu nhập thấp. Thậm chí là thấp hơn những đối tượng có thu nhập thấp khác. Bởi, GV quá hiền, họ không dám bươn chải mưu sinh. Phần lớn, GV chỉ sống bằng đồng lương khiêm tốn, nếu có thêm thu nhập thì cũng chỉ là những khoản tiền ít ỏi do dạy kèm. Chính vì vậy, để sở hữu một căn nhà đối với các thầy, cô giáo là một giấc mơ xa vời…
Thầy Nguyễn Tấn Tài – Phó hiệu trưởng Trường THP Võ Trường Toản bức xúc: “Năm 1999, giá đất (đất nông nghiệp) ở Q.12 khoảng 400 ngàn đồng/m2. Lúc bấy giờ, lương một GV mới ra trường là 700 ngàn đồng/tháng. Sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, người GV có thể mua được nửa m2 đất. Nay giá đất trung bình là 10 – 12 triệu đồng/m2, trong khi lương GV mới ra trường là 1,6 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt cá nhân, mỗi GV phải góp ít nhất 2 năm mới mua nổi 1m2 đất. Thử hỏi đến bao giờ GV mới có đất, có nhà?”.
Cô Đỗ Thị Hoa – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Q.Gò Vấp đưa ra một trường hợp cụ thể để trả lời cho câu hỏi của thầy Tài. Đó là trường hợp của thầy Trần Gia Biểu, GV Trường THCS Lý Tự Trọng – Q.Gò Vấp. Với mức lương khiêm tốn, hai vợ chồng thầy Biểu đã chắt bóp mua được 1 căn nhà “không sổ, không số”. Dù nhà chỉ rộng chưa đầy 20m2 nhưng gia đình thầy cũng không dám ở hết mà phải ngăn đôi để cho thuê. Từ ngày được làm chủ căn nhà “không sổ, không số” này, vợ chồng thầy Biểu trở thành một “con nợ”. Áp lực của nợ nần cộng với căn bệnh ung thư nên năm 2008 thầy Biểu đã qua đời. “Thật đau xót khi quan tài của thầy lại phải quàn ở ngoài đường hẻm vì đằng trước nhà đã cho người ta thuê”, cô Hoa xúc động nói.
Theo cô Hoa, ở Q.Gò Vấp có 847 GV đã lập gia đình nhưng phải ở chung với bố mẹ trong một căn nhà chỉ rộng khoảng 30m2, 458 GV phải đi thuê nhà trọ, chiếm gần 30% số GV trên địa bàn. Và đây cũng là thực trạng chung của các quận, huyện, nhất là những quận trung tâm như Q.1, 3, 5…
Đối với những ngành nghề khác, nhà chẳng qua cũng chỉ để ở, nhưng đối với nghề giáo thì khác – nhà không phải chỉ để ở mà còn là nơi làm việc. “Môi trường lao động của nhà giáo gồm nhà trường (giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục), ngoài xã hội (thu thập dữ liệu, tổ chức hoạt động ngoại khóa) và gia đình (soạn bài, chấm bài, trao đổi tư vấn – trả lời thắc mắc của học sinh và phụ huynh qua điện thoại). Thời gian làm việc tại nhà thường nhiều hơn thời gian làm việc trên lớp. Việc không có nhà ở đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thể hiện tài năng, tâm huyết của các thầy, cô giáo”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục nhấn mạnh.
“Biến” đất bỏ hoang thành chung cư cho GV

Gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh (Q.9) hàng chục năm ở nhà thuê

Trước bức xúc về nhà ở của GV, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, Công đoàn ngành giáo dục đã nhiều lần có ý kiến với thành phố rằng mỗi quận, huyện cần có một chung cư cho GV. Nhưng lần nào cũng chỉ nhận được một câu trả lời là không được…
Về vấn đề này, ông Phan Trường Sơn – đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Không chỉ thành phố mà ngay cả Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, trong đó có GV. Nhưng càng ngày nhu cầu nhà ở của người lao động càng nhiều nên Nhà nước không thể lo được nữa, theo đó đã đưa chi phí nhà ở vào lương”. Song, rất tiếc lương chỉ tăng theo kiểu “rùa bò”, còn giá nhà thì lên như diều gặp gió…
Còn vấn đề nhà ở xã hội thì như ông Sơn khẳng định là: “Ngân hàng và chủ đầu tư rất sợ xây dựng nhà ở xã hội vì việc thu hồi vốn quá lâu, có thể lên tới 30 năm”. Nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm, ông Nguyễn Tiến Đạt kiến nghị. Nhưng: “Chúng ta phải nhìn nhận là Nhà nước không thể lo được vì không có vốn, không có người đứng ra chịu trách nhiệm chính…”, ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty Xây dựng Đất Lành nói.
Nhà nước thì “bó tay”, tư nhân thì không dám làm vì ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh. Vậy phải chăng ước mơ có một chỗ ở ổn định của hàng chục ngàn GV trên địa bàn thành phố vẫn chỉ là mơ ước?
Không hẳn thế, ông Nguyễn Tân – Tổ kinh tế dự án Thành đoàn TP.HCM cho rằng: “Với một căn nhà giá rẻ khoảng 400 triệu đồng/40m2, mỗi GV cần phải tiết kiệm trong ít nhất 40 năm mới mua được. Nếu không tính tiền đất, căn nhà này sẽ giảm được 50%. Theo đó trong khoảng 20 năm thì GV có thể mua được nhà”.
Đất mà không phải tính tiền thì chỉ có thể là đất công. Do đó, “Các quận, huyện cần phải rà soát lại quỹ đất công trên địa bàn để dành cho việc xây dựng chung cư cho đối tượng cán bộ – công nhân viên, đặc biệt là GV”, ông Sơn – đại diện Sở Xây dựng kiến nghị.
“Nếu phải tính tiền đất thì phải tính giá Nhà nước, chứ không phải giá thị trường. Có như vậy các công ty kinh doanh mới dám đầu tư vào việc xây dựng nhà ở giá rẻ. Và GV mới có cơ hội mua nhà cũng như thuê được một chỗ ở ổn định”, ông Phạm Duy Hưng – Tổng giám đốc Ngân Hàng TMCP Việt Á cho biết.
Đại diện cho các công ty kinh doanh nhà đất, các ngân hàng tham gia buổi tọa đàm đều cho rằng trên địa bàn thành phố có quá nhiều khu đất bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích. Thành phố cần phải thu hồi những khu đất này để xây dựng chung cư bán hoặc cho GV thuê dài hạn…
Ông Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM cũng cho biết, sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến tại buổi tọa đàm để gửi lên UBND TP xem xét, từ đó đưa ra các hướng giải quyết.

Ông Trần Minh Dũng – Tổng giám đốc Công ty Thế kỷ 21: “Trước giải phóng, một tháng lương của GV có thể mua được 3 chỉ vàng. Và chỉ sau 5 – 6 năm, mỗi GV có thể mua được một căn nhà. Nhưng với mức lương hiện nay thì chưa biết đến bao giờ mới mua được nhà? Tôi thấy trong thành phố có rất nhiều đất xây nhà cho GV, đó là những mảnh đất sử dụng sai mục đích, đất bỏ hoang. Nhưng vấn đề là “người ta” có chịu dành đất đó để xây nhà ở GV hay không…”

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó GĐ Công ty Xây dựng Đất Lành: “Với mức lương 10 – 15 triệu đồng/tháng, các kỹ sư của Công ty Xây dựng Đất Lành còn phải ở nhà trọ thì làm sao GV – lương chỉ có 1,6 đến 2,3 triệu đồng/tháng có thể mua được nhà. Chính vì vậy, GV cần phải chấp nhận sống ở nhà trọ. Như tôi đây, đi ở trọ từ khi bắt đầu là sinh viên. Mãi đến năm 2000, lúc đó tôi đã 50 tuổi mới mua được một căn nhà. Vấn đề đặt ra là nhà trọ như thế nào, không thể trọ theo kiểu nay chỗ này mai chỗ khác, chật hẹp và giá cả đắt đỏ. Theo tôi, 3 – 4 quận, huyện gần nhau liên kết lại để xin một khu đất xây nhà với mật độ xây dựng dày (nhà cao tầng, diện tích/căn chỉ khoảng 30 – 40m2) để cho GV thuê…”
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó GĐ Sở GD-ĐT TP, Chủ tịch Công đoàn ngành GD: “Ở nhiều nước trên thế giới, nhà ở xã hội là do Nhà nước làm chứ không phải tư nhân. Ngành GD kiến nghị thành phố xin phép Chính phủ mua công trái để xây dựng chung cư cho GV thuê”.
 
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)