Khi về hưu, tôi rời xa mái trường mới “quả cảm” viết ra câu chuyện này. Vì nếu còn đi dạy, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ đạt các danh hiệu thi đua cuối năm. Vì sao vậy? Vì mình kém cỏi, thiếu trách nhiệm hay không hoàn thành nhiệm vụ? Làm tốt nữa là đằng khác. Đó là vì một lý do hết sức tế nhị: Tôi luôn “đụng” với con các “sếp” đang học trong trường. Con các “sếp” phần nhiều là ngoan, chăm học vì điều kiện tốt về mọi mặt. Tuy nhiên, có những trường hợp có lẽ do “ý thức được mình” nên các em thường xuyên vi phạm nội quy. Mọi rắc rối bắt đầu từ đây vì phải xử lý như thế nào để không bị quy về lỗi “không biết điều với “sếp””. Với học sinh T., tình cờ đi kiểm tra đồng phục, tôi thấy em này vi phạm nhiều lần. Tôi gọi em ra một góc khuất rồi hỏi: “Nhà em ở đâu? Ba em làm gì vậy?”. Qua lời T., tôi biết em là con một vị trưởng phòng của Sở GD-ĐT tỉnh nhà. Tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Em là con của giáo viên, con của cán bộ thì phải gương mẫu thực hiện nội quy nhé!”. Vì em vi phạm nhiều lần nên tôi gọi cho hiệu trưởng, xin hướng xử lý thì hiệu trưởng cho hay “phải kỹ chút vì đó là con “sếp”” và tôi “thông minh” chọn phương án nhắc nhở. Chưa hết, T. lại không chịu học bộ môn chuyên. Thầy giáo phụ trách bộ môn liền vô tư điện thoại cho “sếp”, phàn nàn về tinh thần, thái độ học tập của T. Không những không tiếp thu, “sếp” hỏi lại: “Thầy dạy làm sao mà mấy cháu không thích học?”. Còn với học sinh M. thì mỗi sự việc em luôn “thông báo miệng” cho mẹ mình biết. Mẹ của em là “sếp” lớn và luôn thương con, tin con. Thế là bao nhiêu chuyện của trường đều được đưa ra làm “ví dụ điển hình” trong các cuộc họp giao ban hàng tháng. “Trường của các anh luôn cưng chiều học sinh; học sinh muốn gì được nấy. Cho nghỉ cả ngày để chơi bóng nước (chơi trò ném nhau bằng bong bóng nước)…”. Thực chất, các em xin phép chơi một buổi sau khi thi xong học kỳ và tập trung phía sau nhà thi đấu, không cho chơi trước sân, trong lớp, hành lang lớp. Con của một “sếp” khác thì luôn chọc ghẹo bạn gái, bỏ áo ra ngoài thường xuyên nhưng tôi cũng chỉ có cách nhắc nhở chứ không dám dùng biện pháp mạnh vì sợ đụng chạm, sợ cảnh “nghe lời con lon xon mắng người”. Nhưng tôi vẫn kiên quyết, mạnh dạn xếp hạnh kiểm loại khá của mấy trường hợp; không biết đó là con của ai. Tôi nghĩ rằng: Trong môi trường giáo dục, mọi học sinh đều bình đẳng trước bảng đen phấn trắng! Vậy là hàng năm, tôi đều bị gạch tên trong các cuộc bình chọn danh hiệu thi đua của sở giáo dục vì các “sếp” thường không ưa những người luôn nhắc nhở con của mình trong học tập, rèn luyện! Khó xử lắm khi các “sếp” có con học trong trường mình. Không đơn giản “một cộng một bằng hai” mà là nhiều người đã “cuốn theo chiều gió” để được yên thân…
Hồng Lam Sơn
Bình luận (0)