Sự kiện giáo dụcTin tức

Bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2.Ảnh: Quang Huy

Số trẻ nhập viện tại các bệnh viện nhi do mắc phải bệnh tay chân miệng đang ngày càng tăng cao, thậm chí đã có trẻ tử vong chỉ sau nửa ngày đưa đến bệnh viện. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: “Hiện tại, chúng ta đang ở vào giai đoạn cao điểm nhất của mùa bệnh tay chân miệng”.
Bệnh khó phát hiện
Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày tại bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận không dưới 20 trẻ mắc bệnh này, trong đó có 3 – 5 trường hợp biến chứng nặng cần phải thở máy. Những bà mẹ có con bệnh nặng đều có chung nhận định rằng trẻ không hề có biểu hiện bệnh cũng như những triệu chứng của tay chân miệng rất dễ nhầm lẫn với các loại bệnh khác. Chỉ đến khi bệnh xảy ra các biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi hoặc liệt tay chân họ mới vội vã đưa con đến bệnh viện.
Bác sĩ Khanh cho biết: “Tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do virus đường ruột gây nên và có các triệu chứng loét miệng, nổi ban đỏ, mọc bóng nước trong miệng, dưới lòng bàn tay, chân và mông của trẻ. Trẻ thường có biểu hiện biếng ăn do đau miệng, nôn ói và tiêu chảy… Đa số bệnh tự hết sau thời gian từ 7 đến 10 ngày nếu không có các biến chứng”.
Tỷ lệ biến chứng của bệnh tay chân miệng thường rất thấp (khoảng 5%) nhưng tính chất lại rất nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm trẻ có thể tử vong chỉ sau 24 giờ. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, có khi bệnh không có bất cứ một biểu hiện nào, những bóng nước nếu có cũng rất ít, khó thấy và không gây đau, ngứa. Nếu đến lúc trẻ quấy khóc, tỏ ra bứt rứt hoặc co giật người, miệng trào nhiều nước miếng đồng nghĩa với việc bệnh đã chuyển sang nặng. Chính điều ấy gây nên sự chủ quan, lơ là cho các ông bố, bà mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe cho con.
Như trường hợp mới đây của gia đình bé P.N.H.P (18 tháng tuổi) ở TP Biên Hòa – Đồng Nai, vì không phát hiện kịp thời bệnh nên dẫn đến sự tử vong của bé. Bé H.P mắc bệnh tay chân miệng nhưng không hề có một dấu hiệu bệnh, trên thân không nổi các nốt hồng ban dù đã mắc bệnh trước đó nhiều ngày. Còn chị Hoàng Oanh, quận Tân Bình, có con đang được điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chủ quan: “Tôi thấy bé chỉ xuất hiện vài nốt mụn nước trên tay nên cứ nghĩ con bị sởi. Chỉ đến đêm 21-10 vừa qua, thấy con vẫn bú được nhưng hay quấy khóc, lừ đừ thậm chí giật nảy mình ngay trong lúc tỉnh tôi mới đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ bảo rằng đó là những biểu hiện biến chứng của bệnh tay chân miệng, nếu không kịp chữa trị bé có thể tử vong trong vòng 5 – 6 tiếng đồng hồ nữa”.
Phòng bệnh như thế nào?

Một trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại BV Nhi đồng 1

Các bác sĩ cho biết, hiện tại bệnh tay chân miệng chưa có vac-xin phòng ngừa, việc điều trị cũng chỉ dựa trên các biểu hiện triệu chứng của trẻ. Nên để tránh nguy cơ trẻ nhiễm bệnh, các bà mẹ nên hết sức quan tâm chăm sóc sức khỏe của bé, đặc biệt trong các mùa bệnh từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 – 12, đây được xem là khoảng thời gian cao điểm của bệnh này. Việc vệ sinh thân thể bé đúng cách cũng như giữ gìn sạch sẽ môi trường sinh hoạt quanh bé là điều cần thiết để tránh lây lan, nhất là các bé được chăm sóc tại các cơ sở mầm non vì virus gây bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng từ trẻ này sang trẻ khác qua chất tiết mũi miệng, nước bọt lúc ho; thậm chí qua đồ chơi và các dụng cụ ăn uống.
Bác sĩ Khanh lưu ý các bà mẹ có con mắc bệnh rằng: “Cần phải theo dõi sát sao những diễn tiến của bệnh nhằm tránh các biến chứng mà bệnh gây ra. Phải thường xuyên hạ sốt, giảm đau đồng thời cho trẻ ăn thức ăn lỏng, tăng cường chế độ đề kháng, dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn”. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên chủ quan sau khi con khỏi bệnh bởi bệnh có nguy cơ tái diễn đi lại nhiều lần như trường hợp chị Tâm, nhà ở quận 3. Chị kể: “Con tôi được 14 tháng tuổi. Ban đầu bé có các triệu chứng như sốt cao, thở bất thường và nôn ói. Tôi cứ đinh ninh rằng bé bị ngộ độc thức ăn bởi lúc đó tôi chuyển sang dùng một loại sữa khác cho con. Thế nhưng các bác sĩ lại cho biết bé đang mắc phải bệnh về tay chân miệng. Tôi ngạc nhiên bởi trước đó bé đã bị một lần rồi”.
Bệnh nhi mắc bệnh về tay chân miệng có thể tử vong hoặc phục hồi sau một thời gian điều trị, nhưng vẫn còn những rối loạn thần kinh kéo dài.
 
Tuyết Dân

 

Bình luận (0)