Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đọc thẩm mỹ và năng lực văn học

Tạp Chí Giáo Dục

1. Cho đến nay, việc phân biệt giảng văn, phân tích tác phẩm và đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông đã khá rõ. Giảng văn, phân tích tác phẩm chủ yếu là hình thức giáo viên lên lớp giảng giải, phân tích cho HS nghe về cái hay, cái đẹp của tác phẩm theo hiểu biết, cảm nhận của chính người dạy. Còn đọc hiểu đòi hỏi giáo viên phải tổ chức các hoạt động để hướng dẫn HS đọc và hiểu văn bản – tác phẩm theo nhận thức, cảm xúc của người học. Một bên là giáo viên đọc hộ, cảm nhận và phân tích hộ; dạy bằng “thế bản” và qua “thế bản” như GS. Trần Đình Sử đã từng cảnh báo. Còn một bên, dưới sự tổ chức của giáo viên, HS tự đọc, tự cảm nhận và tự tìm hiểu tác phẩm theo trình độ của chính mình. Giáo viên cũng có tham gia nhưng là mở rộng, nâng cao trên cơ sở những gì HS đã tìm hiểu và khám phá được. Theo hướng đọc hiểu, HS không chỉ tự mình hiểu tác phẩm mà còn biết cách đọc văn bản, từ đọc có hướng dẫn đến tự đọc các văn bản tương tự. Đó là ý nghĩa và vai trò của dạy đọc hiểu.


H
c sinh đc sách ti thư vin trưng (nh minh ha). Ảnh: Hàn Giang

2. Tuy nhiên, trong dạy đọc hiểu, nhiều giáo viên chỉ chú trọng tới yêu cầu hiểu đối tượng văn bản – tác phẩm mà chưa chú ý yêu cầu HS hiểu chính mình; qua đọc hiểu văn bản mà khám phá, ngộ ra mình là ai. Từ đó mà phát triển chính chủ thể người đọc. Chỉ hướng tới hiểu đối tượng tác phẩm là chỉ coi trọng yêu cầu thu nhận thông tin, sự kiện và các lớp nội dung của văn bản, đáp ứng yêu cầu đọc trừu xuất (efferent reading) mà chưa chú ý yêu cầu đọc thẩm mỹ (aesthetic reading). Đọc thẩm mỹ chủ trương đánh thức, lay động tâm hồn người đọc khi họ sống với thế giới hình tượng, “đắm chìm” vào thế giới ấy để thưởng thức với tất cả các cung bậc tình cảm vui buồn, hả hê, sung sướng, căm giận… Rồi từ tâm thế, tâm trạng, tình cảm, cảm xúc ấy, người đọc lại hiểu thêm tác phẩm với những điều mới mẻ. Từ việc sống với thế giới hình tượng, phát hiện, ngộ ra thế giới tâm hồn tha nhân đến việc hiểu chính tâm hồn, tình cảm của bản ngã; tiến tới giác ngộ, chuyển hóa và thay đổi bản thân… Đó chính là sứ mệnh quan trọng và to lớn của đọc thẩm mỹ. Như thế, dạy đọc hiểu văn bản văn học, giáo viên cần chú ý cân đối giữa hai cách đọc. Đọc hiểu cần được quan niệm theo nghĩa rộng: hiểu văn bản – tác phẩm và hiểu chính mình. Yêu cầu liên hệ, trải nghiệm, kết nối… giữa những vấn đề của tác phẩm với cá nhân người đọc chính là đề cao vai trò của người đọc; là hướng tới đọc thẩm mỹ.

3. Đọc thẩm mỹ là con đường, cách thức chính để hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực văn học, năng lực ngôn ngữ. Năng lực ngôn ngữ thể hiện qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe; còn năng lực văn học trước hết thể hiện qua các kỹ năng cảm thụ thẩm mỹ: Biết quan sát, suy nghĩ, rung động; biết thưởng thức, đánh giá cái đẹp của tác phẩm văn học cũng như trong đời sống. Những biểu hiện mà GS. Lê Ngọc Trà gọi là: Nhìn, nghĩ, cảm, thưởng thức. Biểu hiện có giá trị nhất của năng lực văn học là các hành vi, phép ứng xử, những suy nghĩ và hành động cao đẹp trong cách sống, lối sống của một con người.

Dạy học ngữ văn trong nhà trường hướng tới cái đích cuối là tạo ra con người có năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học để các em ra trường bước vào cuộc sống một cách chắc chắn, tự tin. Nhưng trong khi học, để kiểm tra được năng lực văn học cũng như năng lực ngôn ngữ thì phải thông qua đọc, viết, nói và nghe. Không thể kiểm tra hai năng lực ấy qua cách sống, lối sống của HS trong cuộc đời. Thông qua đọc, viết, nói, nghe mà đánh giá năng lực HS biết quan sát, phát hiện những cái khác biệt, độc đáo…; đánh giá được năng lực suy nghĩ, liên hệ, trải nghiệm của HS cũng như năng lực cảm thụ, rung động, những xúc cảm của HS trước con người, sự việc trong tác phẩm; biết các em có năng lực nhận xét, đánh giá và thưởng thức đúng cái hay, cái đẹp về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hay không…

Càng nghĩ càng thấy dạy văn là một công việc cao quý nhưng thật khó vậy thay. Và xưa nay, việc gì cũng thế thôi, nói thì bao giờ cũng dễ…

PGS.TS Đ Ngc Thng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)