Xu hướng giáo dục hiện đại không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn cho người học mà còn trang bị cho người học những phẩm chất đạo đức, lối sống nhân văn, trong đó có nhận thức về giới, giới tính, quan điểm về bình đẳng giới. Với tư cách là một môn khoa học xã hội, môn ngữ văn hẳn nhiên đi đầu trong câu chuyện lồng ghép và tích hợp kiến thức về giáo dục giới tính và bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, các tác phẩm văn học được sử dụng làm ngữ liệu giảng dạy trong môn ngữ văn của chương trình giáo dục trường quy có phạm vi ảnh hưởng, sức lan tỏa rộng lớn hơn những gì chúng ta thường nghĩ đến. Vì đây là một trong những con đường chính thống để các bạn trẻ tiếp cận với văn học. Khác với đặc thù của các môn học: giáo dục công dân, đạo đức, hay pháp luật trong nhà trường, việc truyền thông về bình đẳng giới trong hoạt động giảng dạy văn học sẽ có những thế mạnh riêng, xét từ góc độ cảm thụ văn chương. Thông qua việc tiếp nhận văn học, người học cũng hình thành nhân sinh quan, nhận thức về cuộc sống, trong đó có quan điểm về giới.
Hiện nay có một số hiểu lầm trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động giảng dạy văn học. Chẳng hạn như lồng ghép các kiến thức về bình đẳng giới được xem là việc làm một lần, chỉ giới hạn trong một đơn vị bài học nào đó; hay chỉ trong phạm vi một vài tác phẩm nhất định. Hoặc cho rằng lồng ghép thêm một nội dung là thêm một gánh nặng lên môn học (kỳ thực, vẫn chỉ những ngữ liệu đó nhưng được nhìn nhận dưới lăng kính khác, giúp xóa bỏ những định kiến, bất công về giới trong quá trình phân tích nhân vật, phân tích tình huống). Bên cạnh đó, lồng ghép kiến thức về bình đẳng giới cũng không chỉ dừng lại ở quá trình giảng dạy mà còn có thể triển khai trong công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử.
Một điểm đáng chú ý nữa là, để người học cảm thụ tốt nhất những kiến thức về giới từ góc độ văn học, ngoài nỗ lực truyền dạy từ phía thầy cô, còn cần có sự chung tay, đồng hành của những người biên soạn chương trình học, của đội ngũ sáng tác. Đối với khung chương trình đào tạo, cũng đã đến lúc chúng ta cần xác định lại rằng vấn đề bình đẳng giới nên là nội dung chính được thiết kế ở một số đơn vị bài học cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở thao tác lồng ghép nữa. Thậm chí, có thể hệ thống lại một nhóm những tác phẩm văn học có tính truyền tải cao về nội dung bình đẳng giới. Ý thức bình đẳng giới cũng cần được quan tâm với tư cách là một cảm hứng sáng tác mang tính thời đại, hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ của đời sống. Nếu ngay từ khâu sáng tác, các tác giả văn học có những lưu tâm nhất định đối với vấn đề bình đẳng giới, tin rằng, sẽ có những tác phẩm có ý nghĩa tích cực, giúp việc giảng dạy văn chương với mục tiêu xây dựng nhận thức bình đẳng giới diễn ra thuận lợi hơn.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)