Sự kiện giáo dụcTin tức

Những ngôi trường kêu cứu: Bài cuối: Hàng quán “lấn áp” trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Q.8

Nhiều quán nhậu, nhà hàng, chợ, cơ sở mát-xa, gội đầu… đang lấn chiếm không gian của trường học là một thực trạng nhức nhối hiện nay. Điều này làm cho không ít cô cậu học sinh đang học tại trường bị tiêm nhiễm và sớm tập tành làm theo “phong cách” của những thực khách thường lui tới các điểm “ăn chơi nhảy múa” này…
Quán nhậu “vây” trường
Khu cư xá Bắc Hải, Q.10 là nơi tập trung rất nhiều trường học và cũng chính nơi có đầy đủ các loại quán xá “từ thượng vàng đến hạ cám” đều có để mời gọi một lượng khách không nhỏ là HS, SV khu vực này. Chán học, buồn giận gia đình, bị ba mẹ la mắng… hay có chuyện vui như sinh nhật, được điểm tốt… cũng đều có lí do ra quán. Mục sở thị tại các quán cà phê ở đây, chúng tôi chứng kiến nhiều đôi “tình nhân” với áo quần đồng phục học sinh thản nhiên đưa nhau vào quán tâm sự hoặc “buôn” chuyện.
Trên tuyến đường Nguyễn Văn Thủ nằm đối diện với Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 hết quán cà phê tới quán nhậu mọc lên nhan nhản. Đặc biệt chỉ cách cổng trường khoảng 20m là một nhà hàng B.B rất “hoành tráng”. Đáng nói là nhân viên phục vụ tại đây với “mắt xanh, mỏ đỏ” nườm nượp ra vào mời gọi khách. Thực khách tới đây đủ mọi thành phần, khi đã nhậu tới bến các vị bắt đầu lời ra tiếng vào tạo thành một “mớ” âm thanh hỗn độn: em này xinh, em kia mông to, ngực lép… cứ thế tuôn ra không ngớt và ùa vào tận phòng học. Chưa hết, sau khi xỉn “ngoắc cần câu”, các vị khách ra về mà chân nọ đá chân kia với đủ tư thế ngả nghiêng; đầu tóc thì rũ rượi; miệng thì văng tục đủ các kiểu… Điều đáng nói là những hình ảnh “trần trụi” ấy cứ thế diễn ra ngay trước mắt hàng trăm học sinh tại đây. Thực tế tại trường, trong giờ ra chơi hay hoạt động ngoài trời, nhiều học sinh cũng bắt chước cách cụng ly, hoa tay múa chân, hoặc giả như mình đang say, đi liểng xiểng… các bạn khác cùng lớp thì vỗ tay tán thưởng!
Trường bị “tra tấn” bởi… chợ

HS Trường TH Lý Thái Tổ (Q.8) vào trường bằng cầu thang của nhà sách

Trường TH Tô Vĩnh Diện bị bao vây xung quanh bởi chợ Bà Chiểu và Lăng Ông – nơi được xem là điểm đen của quận về tình trạng trộm cắp, móc túi và cướp giật… Trước năm 2007, khi Trường Tô Vĩnh Diện chưa được xây mới thêm phòng học, dù nhà trường luôn đề cao cảnh giác trước những tệ nạn trên, nhưng cũng thường xuyên xảy ra việc mất trộm tài sản của phụ huynh. Hiện nay, vào buổi sáng và lúc tan học việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ở đây đã khiến tình trạng kẹt xe vô cùng nghiêm trọng. Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian gần đây nhờ có sự hỗ trợ tích cực của công an phường, nhà trường cũng bớt vất vả và các tệ nạn xã hội vây quanh trường cũng giảm nhiều”.
Thầy Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng Trường TH Lý Thái Tổ (Q.8) than thở: “Học sinh học ở các tầng trên, còn dưới đất hết tiệm gội đầu đến tiệm làm đẹp cho quý bà, quý cô với bảng hiệu lấn cả sang trường. Rất mong các cấp có thẩm quyền trước khi cấp phép nên nghĩ tới trường học một chút!”. Cũng tại Q.8, Trường TH An Phong, P.7, chỉ có 14 lớp học nhưng có tới 2 điểm lẻ. Năm nay, sĩ số học sinh quá đông nên trường phải sử dụng luôn cả cơ sở 2 ở cạnh cầu Sập đã bỏ hoang lâu nay làm lớp học. Việc đến dọn dẹp vệ sinh với đủ loại “sản phẩm”: kim tiêm, đồ phế liệu… đã là một cực hình đối với CB, GV, CNV ngôi trường này. Cô Trần Thị Quý tâm sự: “Chúng tôi vừa dạy vừa phải dỗ dành các em mới chịu học. Cô và trò ngày nào cũng phải chịu cảnh ô nhiễm và nóng bức. Nhìn các em học mà thấy thương”.

Và hàng quán làm bít hẳn lối vào Trường MN 15 (Tân Bình)

 
Với một khu quy hoạch khép kín, các trường Mầm non 15, Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, Tăng Bạt Hổ B, THCS Tăng Bạt Hổ A nằm trên trục đường Xóm Chiếu (Q.4), bị ảnh hưởng rất nhiều trong việc dạy và học vì chợ 200 gây ra. Thầy và trò của những ngôi trường này luôn bị “tấn công” bởi đủ loại ngôn ngữ tạp nham của chợ búa, lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Tất cả những ngôi trường này đều có không gian học tập, sinh hoạt nhỏ và hẹp, từ cổng ra tới đường lớn chỉ cách nhau một bức tường rào. Khi những người buôn bán đưa đủ loại nước mía, hủ tiếu, quầy phở di động… đến bán ngay trước cổng trường.
Quang Huy

Bình luận (0)