Một học sinh nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Q.3 |
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lo ngại: “Tháng 11 là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Đối với bệnh cúm A/H1N1, số ca mắc bệnh và tử vong ngày càng nhiều. Rất có thể Noel (tháng 12) sẽ có một đợt bùng phát mạnh”…
Ngày càng có nhiều ca nặng
Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế TP.HCM, tháng 10-2009 toàn thành phố có gần 1.400 ca SXH, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 10.768 ca, còn 10 tháng đầu năm 2008 là 12.178 ca. Tuy nhiên số ca nặng dẫn đến tử vong của 10 tháng đầu năm 2009 là 12 ca – tăng 50% so với 10 tháng đầu năm 2008 và bằng số ca tử vong của cả năm 2008.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, các ca SXH tử vong thường tập trung vào những tháng cuối năm. Do vậy, số ca tử vong của năm 2009 sẽ không dừng lại ở con số 12 ca.
Điều đáng bận tâm là bệnh SXH xảy ra quanh năm, đỉnh dịch thường rơi vào mùa mưa – mùa muỗi sinh sản nhiều.
Khi bị SXH, người bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao 39 – 40oC kéo dài, không kèm theo ho, sổ mũi. Trên người nổi những nốt xuất huyết ngoài da, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Bệnh nhân có thể đau bụng ở hạ sườn phải do gan to lên, xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hóa như nôn hoặc đi ngoài ra máu, tay chân lạnh, đau bụng, trụy tim mạch…
Với cúm A/H1N1, hiện cả nước đã ghi nhận trên 11 ngàn trường hợp dương tính, trong đó có trên 40 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vấn đề mà ngành y tế và người dân lo ngại chính là sự kết hợp giữa hai dịch bệnh SXH và cúm A/H1N1. Đầu tháng 11 vừa qua, Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia tiếp nhận hai bệnh nhân đồng nhiễm cúm A/H1N1 và SXH. Mặc dù các bác sĩ đã tích cực chữa trị nhưng cả hai vẫn tử vong.
Ông Nguyễn Hồng Hà – Phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia cho biết: Khi mắc cả hai bệnh này cùng lúc, biểu hiện bệnh của bệnh nhân rất nặng. Việc chẩn đoán cũng khó khăn, bác sĩ dễ lẫn lộn do SXH nổi trội hơn.
Tại TP.HCM, tuy thời tiết ấm hơn so với miền Bắc nhưng khả năng bùng phát dịch cúm A/H1N1 vào thời điểm Noel (trời lạnh) là rất có thể.
Tập trung phòng dịch trong trường học
Trong trên 11 ngàn trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 thì có gần 11 ngàn người đã xuất viện. Điều đó cho thấy cúm A/H1N1 không quá nguy hiểm. Song, bệnh sẽ trở nên rất nguy hiểm khi kết hợp với các bệnh khác hoặc khi virus gây bệnh biến đổi.
Bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh: “Không ai dám đảm bảo virus gây bệnh cúm A/H1N1 không bị biến đổi nên chúng ta không thể lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh. Nhất là ở khu vực trường học, nơi tập trung đông người trong một thời gian dài”…
Do vậy, trọng điểm trong việc ngăn ngừa đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay của TP.HCM là trường học. Mỗi ngày các trường phải thống kê số học sinh nghỉ học để báo cho trung tâm y tế dự phòng quận, huyện. Riêng những trường được chọn làm trường điểm thì ngoài việc báo cáo số học sinh nghỉ học/ngày, còn phải báo số học sinh nghỉ do bệnh, nghỉ vì bị sốt.
“Mỗi quận, huyện tùy vào số trường học có trên địa bàn mà chọn ra 5-6 trường hoặc 7-8 trường để tiến hành việc giám sát trọng điểm. Ở mỗi nhóm trường (nội trú, bán trú, không bán trú) và cấp, bậc học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) phải chọn 1 trường. Việc chọn trường trọng điểm phải được phân bổ đều trên khắp địa bàn, không tập trung vào 1-2 phường, xã…”, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ nói.
Để phòng ngừa SXH, ở các trường phổ thông, nhà trường phải giáo dục cho học sinh biết giữ gìn vệ sinh. Cụ thể là thu gom, hủy đồ phế thải ở xung quanh trường, khơi thông cống rãnh, đổ nước thừa ở chỗ ứ nước, thùng nước, xô, chậu…
Ở các trường bán trú, nhất là các trường mầm non, để phòng ngừa muỗi đốt, giáo viên nên cho trẻ mặc quần áo dài che kín tay chân. Giờ ngủ trưa nên cho trẻ ngủ trong màn. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi che cửa để hạn chế và diệt muỗi.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)