Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngày thứ 3 kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 17 khóa VII: Phải tập trung lo cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa chất vấn tại kỳ họp

Sau 3 ngày làm việc, kỳ họp lần thứ 17 – kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM diễn ra khá “nóng” do nội dung chất vấn của cử tri cũng như của đại biểu (ĐB) đều xoay quanh vấn đề dân sinh. Đặc biệt, ngày 10-12, kỳ họp đã dành hết thời gian để chất vấn 4 sở: Công thương, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Kế hoạch & Đầu tư và Sở GD-ĐT.
Nổ lực của ngành GD-ĐT
Hầu hết các ĐB trước khi đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM TS. Huỳnh Công Minh đều dành những lời khen ngợi những thành tích của ngành. ĐB Võ Văn Sen nói: “Trong điều kiện kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung gặp một số khó khăn nhưng ngành GD-ĐT lại đạt rất nhiều thành quả. Trong khi ngành nào cũng có vấn đề”. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM TS. Huỳnh Công Minh thì “Chất lượng GD-ĐT ở nước ta được đánh giá theo hai hệ thống chuẩn mực: đánh giá trong và đánh giá ngoài. Đánh giá trong là phương thức đánh giá do chính bộ máy của ngành GD-ĐT căn cứ theo những tiêu chí, thang bậc được quy định qua xếp loại hạnh kiểm, xếp loại học lực, kết quả các kỳ thi… Còn đánh giá ngoài là sự đánh giá của xã hội đối với hiệu quả đào tạo”. TS. Huỳnh Công Minh cũng đã đưa ra hàng loạt số liệu, cụ thể: tỉ lệ học sinh (HS) tiểu học lên lớp thẳng của ba năm học gần nhất (2006-2007, tỉ lệ: 99,2%); (2007-2008, tỉ lệ: 99,4%) và (2008-2009, tỉ lệ: 99,2%) được cử tri thành phố xếp loại I về sự hài lòng. Đối với HS trung học luôn được Bộ GD-ĐT xếp hạng nằm trong top đầu của cả nước, minh chứng là tỉ lệ tốt nghiệp THPT. Cụ thể tỉ lệ tốt nghiệp THPT của ba năm học gần nhất như sau: 2006-2007 đạt 95,14%; 2007-2008 đạt 93,28% và 2008-2009 đạt 94,71%. Trao đổi bên lề kỳ họp các ĐB đều nói: “Đó là thành tích từ sự nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo”. ĐB Võ Văn Sen đặt câu hỏi: Tỉ lệ HS bỏ học dừng lại ở 0,7%, đồng thời những năm qua ngành GD-ĐT còn đạt rất nhiều thành quả so với cả nước, vậy ngành có “bí quyết” gì để có được những thành tích vừa qua? TS. Huỳnh Công Minh trả lời: “Ba điều kinh điển để ngành GD-ĐT đạt được những kết quả vừa qua: thứ nhất là sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố, nhờ vậy mới có nhiều mô hình trường học ra đời, cụ thể như mô hình trường hội nhập (THPT Lê Quý Đôn); thứ hai là sức dân, xem xét cả nước không có địa phương nào có một lực lượng phụ huynh quan tâm và tập trung đầu tư cho việc học của con em như TP.HCM; cuối cùng là sự hy sinh và đóng góp thầm lặng cùng tinh thần trách nhiệm đối với HS rất cao của đội ngũ thầy cô giáo. Chính ba yếu tố này tạo ra sức mạnh để đạt được những thành tích”.
Phải tập trung lo cho giáo dục

Trường THPT Lương Thế Vinh được đầu tư xây mới từ ngân sách TP và vốn kích cầu

Dù mang tính chất chất vấn, nhưng nhiều ĐB đã bày tỏ sự chia sẻ với ngành GD-ĐT trước những khó khăn ngành đang hứng chịu như việc xây dựng trường lớp quá chậm chạp làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tạo thêm sức ép cho thầy cô giáo. ĐB Huỳnh Công Hùng đặt vấn đề: “Đầu năm học, ngành GD-ĐT và các quận – huyện đã có bước chuẩn bị, nhưng tại sao trường lớp lại thiếu thốn như vậy? Nguyên nhân từ đâu, ngành hãy nói ra để chúng tôi cùng giải quyết? Tại sao quận Gò Vấp sĩ số HS quá cao (hơn 50 HS/lớp)?”. Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đã mời Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trương Văn Non trả lời. Theo lời ông Trương Văn Non do lượng dân nhập cư tăng quá nhiều (trong 5 năm tăng hơn 136 ngàn người) làm sĩ số HS của bậc tiểu học lên đến 54 HS/lớp và bậc mầm non 44 HS/lớp. Đồng thời còn làm thay đổi quy hoạch xây dựng của quận, trong đó có quy hoạch xây dựng trường lớp. Ông Non nói: “Đất quy hoạch cho ngành GD-ĐT là 80ha, hiện nay tổng diện tích đất của ngành chỉ mới có 21ha. Quận sẽ quyết liệt đeo bám và cũng mong các ban ngành liên quan hỗ trợ cho quận trong việc đầu tư xây dựng trường lớp”. Theo TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Thành phố hiện có 1.204.251 HS mầm non và phổ thông với tổng số 31.866 lớp học và 28.995 phòng học. Năm học 2009-2010 xây thêm được 632 phòng. Năm học 2009-2010 có hơn 154.000 HS từ các tỉnh khác về thành phố học chiếm tỉ lệ 13,04%”. Chính sự tăng dân số của thành phố (năm 2009 tăng 3,6%) cùng với lượng dân nhập cư ồ ạt đổ vào tạo sức ép quá lớn về việc đáp ứng nhu cầu chỗ học. Thêm vào đó việc xây dựng trường lớp quá chậm làm sức ép này càng lớn hơn dẫn đến khá nhiều hệ quả như sự bức xúc của nhân dân được thể hiện qua slip hình ảnh và ý kiến tại kỳ họp. ĐB Võ Văn Sen hỏi: “Cản ngại gì lớn nhất đối với ngành GD-ĐT”? TS. Huỳnh Công Minh đã thẳng thắn trả lời: “Đó là xây dựng trường lớp, vì việc này ngoài khả năng của ngành, còn các mặt khác ngành cố gắng khắc phục và chắc chắn vượt qua”.
Đời sống của thầy cô giáo cũng được các ĐB chia sẻ, hai ĐB Lê Nguyễn Minh Quang và Lê Văn Trung đã đặt vấn đề: “Thu nhập của cô giáo và bảo mẫu mầm non quá thấp, ngành GD-ĐT có phương án gì để tăng thêm thu nhập?”. Vấn đề này thuộc về chính sách và ngành GD-ĐT phải “bó tay”. Ngoài ra, hiện tượng tiêu cực là “chạy trường có hay không?”, được ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nêu ra và TS. Huỳnh Công Minh đã khẳng định: “Không có hiện tượng này”.
Sáng nay (11-12), kỳ họp sẽ họp buổi cuối cùng.
Trần Thanh Quang

Bình luận (0)