Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế tại buổi làm việc với Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Hôm qua, ngày 10-12, Vụ Pháp chế – Bộ GD-ĐT cùng với Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc về kết quả thực hiện công tác pháp chế năm 2009.
Những kết quả đạt được
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông qua bản báo cáo công tác pháp chế 2009. Theo đó, ngày 16-3-2009, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thành lập được Phòng Pháp chế với một đội ngũ cán bộ là những thạc sĩ, luật sư trẻ có năng lực và chuyên môn cao. Phòng có nhiệm vụ thực hiện tham mưu phổ biến, tuyên truyền bồi dưỡng về công tác pháp luật cho các đơn vị ngành giáo dục đóng trên địa bàn thành phố.
Về thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GD-ĐT cũng như các chỉ thị, thông tư của Bộ GD-ĐT cũng đã được sở quán triệt, triển khai đồng bộ, tất cả hoạt động giáo dục trên địa bàn thành phố đều lấy điều lệ nhà trường làm căn cứ pháp lý, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Đối với chế độ chính sách dành cho giáo viên, sở không chỉ quan tâm đến bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn mà còn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách. Kết quả là tất cả giáo viên trong ngành đều được hưởng các chế độ chính sách theo đúng quy định hiện hành.
TS. Minh cho biết, cơ bản TP.HCM đã giải quyết, nâng cấp những trường lớp có cơ sở vật chất yếu kém, tại thành phố không còn cán bộ giáo viên nào chưa qua đào tạo nghiệp vụ, không còn tình trạng dạy học quá tải, thi cử nặng nề, từ đó quan tâm mở rộng qui mô, củng cố nâng cao chất lượng theo hướng đào tạo theo yêu cầu của xã hội… Về công tác quản lý, cấp phát, kiểm tra, xác minh các loại văn bằng chứng chỉ cũng được ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM còn là đơn vị tham mưu cho UBND TP.HCM về các vấn đề quản lý khối đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn. TP.HCM cố gắng phấn đấu đi đầu trong việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị theo tinh thần Thông báo số 242-TB/TW về xây dựng một nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc dân tộc, phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập, bước đầu xây dựng được một số mô mình trường học tiên tiến…
Bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật
Nhìn chung, hoạt động quản lý giáo dục đào tạo tại TP.HCM chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sở cũng trình bày về những khó khăn, bất cập về mặt cơ sở pháp lý cần được các cấp thông qua. Như chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý giáo dục. Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì hiện nay vẫn còn tồn tại một nghịch lý là khi đưa một cán bộ nào đó từ cơ sở về phòng hay Sở Giáo dục thì chế độ phụ cấp cho người ấy cũng bị mất hết hoặc giảm đi đáng kể. Vì vậy, người cán bộ quản lý cần được quan tâm hơn nữa về các chế độ chính sách. Bên cạnh đó, sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý các hoạt động dịch vụ du học tự túc mặc dù đã nhiều lần tham mưu đến Vụ Quan hệ hợp tác giáo dục nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản quy chế quy định nào về vấn đề trên. Cả công tác đặt tên cho những cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là các cơ sở có yếu tố nước ngoài cũng chưa được quy định cụ thể. TS. Minh cho biết, công tác quản lý đối với các trường này rất phức tạp. Vì thế cần có những quy định cụ thể nhằm tránh sự ngộ nhận cho phụ huynh cũng như sở dễ bề quản lý.
Kết thúc buổi làm việc, ông Chu Hồng Thanh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận xét: “Việc Sở GD-ĐT TP.HCM thành lập được Phòng Pháp chế là một tín hiệu đáng mừng. TP.HCM cũng đã thực hiện tốt các văn bản, chỉ thị, thông tư của bộ”. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng về vấn đề tự chủ tài chính, TP.HCM không nên quá dựa dẫm, gói gọn ở hội cha mẹ học sinh để thu các khoản phí mà phải chủ động mở rộng nguồn thu, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành.
Về giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong một số văn bản quy chế dẫn đến những khó khăn, bất cập khi thực hiện, áp dụng vào tình hình thực tiễn của TP.HCM, ông Thanh cho biết sẽ nghiên cứu, xem xét. Đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM cần đưa ra những đề xuất cụ thể đối với từng văn bản để nghiên cứu, từng bước hoàn thiện các văn bản pháp quy.
Tuyết Dân
Bình luận (0)