Sự kiện giáo dụcTin tức

Đâu là điểm nhấn đổi mới quản lý trường học?

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây dư luận trong và ngoài ngành quan tâm nhiều đến vấn đề đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản lý nhà trường – trường phổ thông lẫn trường chuyên nghiệp. Đây là vấn đề có tính thời sự chẳng những vì gắn với chủ đề năm học mà còn là vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay khi giáo dục đứng trước thử thách của đất nước, của thời đại là hội nhập và phát triển.
Chủ đề năm học do Bộ GD-ĐT khởi xướng “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả giáo dục” đã qua một học kỳ, nhưng hầu hết vẫn còn loay hoay vì chưa biết đổi mới như thế nào? Các trường thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM tuy chưa khẳng định lời giải rõ ràng cho bài toán thực hiện chủ đề trên nhưng cũng đã hé mở nhiều biện pháp tích cực có tính khả thi tại mỗi đơn vị. Điều đáng ghi nhận là chuyển biến về nhận thức đổi mới quản lý ở đội ngũ cán bộ quản lý là khá rõ nét. Diễn đàn “Đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả giáo dục” đã và đang được nhiều thầy cô, bạn đọc tham gia, chẳng những ở ngành học phổ thông mà còn cả khối trường chuyên nghiệp.
Đã nói “đổi mới” thì đương nhiên cái nhắm tới để “đổi” phải có yếu tố “mới”. Vậy “mới” trong quản lý trường học là gì? Yếu tố “mới” đó phải góp phần nâng cao hơn hiệu quả giáo dục, đào tạo. Khi nói “mới” đương nhiên là phải khác cũ, cái cũ lạc hậu cần “đổi” thành cái “mới”, hiệu quả và hiện đại hơn. Tiêu chí hiệu quả phải đặt lên hàng đầu, vì nếu không thì chỉ chạy theo cái mới một cách hình thức, tốn kém vô ích. Những hiệu trưởng có bản lĩnh và kinh nghiệm thường lựa chọn một hoặc vài trong số các yếu tố quản lý: mục tiêu chương trình, phương pháp, công nghệ, đội ngũ, trang thiết bị, cơ sở vật chất… để làm “điểm nhấn”, tạo mũi đột phá cho đổi mới.
Phần lớn các trường tại TP.HCM lựa chọn điểm nhấn, “chìa khóa” đổi mới là tăng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học để “trường ra trường, lớp ra lớp”, giãn sĩ số mỗi lớp để có điều kiện thực hiện nội dung chương trình giáo dục toàn diện nhất là phổ cập tin học và ngoại ngữ cho học sinh ngay từ bậc tiểu học; đồng thời hiện đại hóa phương pháp và công nghệ dạy học theo hướng tận dụng lợi thế công nghệ thông tin và cá thể hóa quá trình dạy – học. Đó là hướng đi đúng phù hợp đặc trưng của một thành phố công nghiệp.
Tuy nhiên trong việc đổi mới quản lý nhà trường cũng cần phải nhấn mạnh đến việc tăng cường phẩm chất và năng lực đội ngũ giáo viên – nhân tố quyết định thành bại quá trình đổi mới giáo dục. Yếu tố này hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý vì bộ vừa ban hành quy định chuẩn giáo viên, trong ngành cũng xuất hiện ngày càng nhiều giáo viên tỏ ra yếu kém về phẩm chất và năng lực sư phạm. Cơ chế tự chủ tài chính và công tác xã hội hóa giáo dục cũng là những yếu tố quan trọng có thể được lựa chọn để làm mũi đột phá cho công tác quản lý nhà trường… Đây là những thành tố của công tác quản lý nhà trường có tính xã hội cần quan tâm đổi mới bên cạnh các yếu tố có tính kỹ thuật là cơ sở vật chất, công nghệ như đã nêu trên.
Cuối cùng, mục tiêu đổi mới quản lý nhà trường phải là tiến tới mô hình nhà trường “hiện đại, tiên tiến; đậm bản sắc dân tộc” mà chất lượng đầu ra phải ngang tầm “chuẩn” quốc tế.
Hai Đức

Bình luận (0)